Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 23/4, thế giới ghi nhận thêm khoảng 535.000 ca mắc COVID-19 mới và 1.446 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 449.497.693 ca, trong đó có khoảng 5.677.916 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par ginger_polina_bublik/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, Đức dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 89.665 ca; Pháp đứng thứ 2 với 80.571 ca; tiếp theo là Hàn Quốc (75.414 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới, với 171 người thiệt mạng trong ngày; tiếp theo là Đức 153 ca và Ý với 143 ca.

Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 82.641.523 người, trong đó có 1.018.200 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ 2 thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.057.061 ca nhiễm, bao gồm 522.183 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 30.345.654 ca bệnh và 662.618 ca tử vong.

COVID-19 là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 tại Mỹ 

Năm 2021 là năm thứ 2 liên tiếp COVID-19 được coi là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 tại Mỹ, với tỷ lệ tử vong tăng ở hầu hết các nhóm tuổi.

Theo báo cáo do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh (CDC) Mỹ công bố ngày 22/4, COVID-19 trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra 460.513 ca tử vong tại Mỹ trong năm ngoái, tăng gần 20% so với năm 2020.

Số liệu cho thấy năm 2021 ghi nhận tỷ lệ tử vong cao nhất kể từ năm 2003, trong đó tim mạch và ung thư là hai căn bệnh hàng đầu gây chết người. Tỷ lệ tử vong thấp nhất là ở nhóm trẻ từ 5-14 tuổi trong khi cao nhất trong nhóm tuổi từ 85 trở lên. Xu hướng này tương tự như năm 2020. Tháng 1 và tháng 9 là thời điểm có số ca tử vong cao nhất.

Trong năm 2021, tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Mỹ là 114,4/100.000 ca, tăng so với mức 93,2/100.000 ca của năm trước đó. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở nhóm trẻ từ 1-4 tuổi và từ 5-14 tuổi là thấp nhất. Mặc dù tỷ lệ tử vong ở người từ 85 tuổi trở lên vẫn cao nhất trong năm 2021 nhưng đã giảm so với năm 2020, với 94.884 ca so với 122.707 ca trong năm ngoái. Số ca tử vong tăng nhiều nhất trong nhóm dưới 75 tuổi.

Hãng sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới dừng sản xuất vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca

Viện Huyết thanh của Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới đã ngừng sản xuất vắc-xin Covishield, phiên bản vắc-xin của AstraZeneca sản xuất ở Ấn Độ, do nhu cầu giảm. Đây là thông báo được người đứng đầu SII Adar Poonawalla đưa ra ngày 22/4.

Tính đến nay, SII đã sản xuất hơn 1 tỷ liều vắc-xin Covishield và đây là nhà cung cấp vắc-xin chính cho chương trình COVAX, cung cấp vắc-xin cho các nước nghèo hơn.

Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế do Tập đoàn truyền thông Times Network tổ chức, Giám đốc điều hành SII Poonawalla cho biết hiện SII có 200 triệu liều vắc-xin dự trữ. Viện này đã ngừng sản xuất hồi tháng 12/2021. Ông cũng đề nghị tặng số vắc-xin trên cho bất kỳ nước nào hoặc chương trình nào có nhu cầu.

Liên đoàn Các nhà sản xuất và hiệp hội dược phẩm quốc tế (IFPMA) nhấn mạnh kể từ giữa năm 2021, sản lượng vắc-xin ngừa COVID-19 trên toàn cầu đã vượt nhu cầu và khoảng cách này ngày một nới rộng. Tuy vậy, có một thực tế là hàng tỷ người trên thế giới vẫn chưa được tiêm phòng, hầu hết là ở các nước đang phát triển. Điều này cũng cho thấy tình trạng bất bình đẳng trong phân phối vắc-xin.

Canada nới lỏng một số biện pháp phòng dịch COVID-19

Chính phủ Canada đang nới lỏng một số biện pháp phòng dịch COVID-19 ở biên giới đối với khách quốc tế nhập cảnh Canada, tuy nhiên yêu cầu đeo khẩu trang trên máy bay và quy định về tiêm vắc-xin đối với hoạt động đi lại trong nước vẫn được giữ nguyên.

Cụ thể, kể từ ngày 25/4, hành khách đã tiêm phòng đầy đủ sẽ không còn phải cung cấp kế hoạch cách ly khi nhập cảnh và trẻ em từ 5-11 tuổi chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm vắc-xin đầy đủ, đi cùng với cha mẹ/hoặc người giám hộ đã được tiêm chủng đầy đủ, sẽ không còn phải làm xét nghiệm COVID-19 để được vào Canada.

Bộ trưởng Y tế Jean-Yves Duclos cho biết khi mức độ tiêm chủng và năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe được cải thiện, Canada sẽ tiếp tục xem xét nới lỏng hơn nữa các biện pháp phòng dịch tại biên giới.

Một số biện pháp khác cũng sẽ được loại bỏ trong tuần tới. Chính phủ sẽ không còn yêu cầu những khách du lịch đã tiêm phòng đầy đủ phải đeo khẩu trang trong không gian công cộng trong 14 ngày sau khi đến và cũng không phải cung cấp danh sách những người tiếp xúc gần và những địa điểm đã đến. Tuy nhiên, chính phủ vẫn duy trì những biện pháp khác, chẳng hạn như bắt buộc đeo khẩu trang trên máy bay và tàu hỏa.

Người đứng đầu Cơ quan Y tế công cộng của Canada, Tiến sĩ Theresa Tam cho biết bà ủng hộ việc duy trì yêu cầu đeo khẩu trang trên máy bay, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.

Về tình hình dịch bệnh tại Canada, Tiến sĩ Tam cho biết mặc dù số ca phải nhập viện gia tăng, nhưng các trường hợp bệnh nặng vẫn thấp. Theo thống kê của Chính phủ Canada, nước này đã có hơn 3,6 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 38.600 trường hợp tử vong.

New Zealand phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ XE

Bộ Y tế New Zealand ngày 23/4 cho biết nước này đã phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ XE, là kết hợp của 2 dòng phụ BA.1 và BA.2 của biến thể Omicron.

Thông báo của bộ cho biết đây là người trên từ nước ngoài trở về New Zealand hôm 19/4 và đã tiến hành xét nghiệm một ngày sau đó. Người này hiện đã cách ly điều trị tại nhà. Theo Bộ Y tế, biến thể phụ XE đang lây lan ở nước ngoài do đó việc New Zealand phát hiện ca nhập cảnh đầu tiên là điều đã được lường trước.

Kể từ khi bùng phát đại dịch, New Zealand đã ghi nhận 875.794 trường hợp mắc COVID-19. Bộ Y tế nước này khuyến nghị người dân nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm như tiêm vắc-xin đúng lịch, đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc nếu bản thân thấy không khỏe.

Phan Anh (tổng hợp)