Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 15/4, thế giới ghi nhận thêm khoảng 656.000 ca mắc COVID-19 mới và 2.000 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 444.862.931 ca, trong đó có khoảng 5.662.587 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Oxana A/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 125.808 ca; Pháp đứng thứ 2 với 125.394 ca; tiếp theo là Đức (88.188 ca). Mỹ đứng đầu về số ca tử vong mới, với 308 người thiệt mạng trong ngày; tiếp theo là Hàn Quốc 264 ca và Nga với 261 ca.

Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 82.286.630 người, trong đó có 1.015.229 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ 2 thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.040.695 ca nhiễm, bao gồm 521.776 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 30.247.302 ca bệnh và 661.907 ca tử vong.

WHO cảnh báo COVID-19 vẫn chưa thể trở thành bệnh đặc hữu

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 14/4 cảnh báo vẫn chưa thể coi COVID-19 là bệnh đặc hữu và hiện vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao bùng phát những đợt dịch lớn trên toàn cầu. Giám đốc các chương trình khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan nhận định rằng sẽ là sai lầm nếu cho rằng khi đại dịch COVID-19 dần hạ nhiệt và trở thành bệnh đặc hữu, mọi vấn đề sẽ được giải quyết. Theo ông Ryan, COVID-19 chưa hề thuyên giảm hay trở thành căn bệnh theo mùa mà dịch bệnh này “vẫn gây biến động và có khả năng dẫn đến các đợt dịch lớn”.

Ông Ryan cũng nhấn mạnh bệnh đặc hữu không đồng nghĩa với việc mọi thách thức sẽ chấm dứt, đồng thời đưa dẫn chứng bệnh lao và sốt rét là những căn bệnh đặc hữu vẫn khiến hàng triệu người tử vong mỗi năm.

Chia sẻ quan điểm trên, bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của WHO nhận định rằng virus corona vẫn đang lây lan mạnh trên thế giới, là nguyên nhân dẫn đến số lượng lớn các ca tử vong và gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên nhiều phương diện.

Theo ông Ryan lý giải, thông thường các bệnh dịch sẽ lắng xuống và có diễn biến đặc hữu, tập trung vào một bộ phận người dân cụ thể. Ông cho biết các bệnh dịch thường có thể trở thành những căn bệnh ở trẻ nhỏ, tương tự như bệnh sởi và bệnh bạch hầu, vì cơ thể trẻ em thường nhạy cảm hơn với các loại virus. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ tiêm chủng giảm, như đã từng xảy ra với việc tiêm vắc-xin ngừa bệnh sởi, các đợt dịch có thể bùng phát trở lại.

Mỹ cấp phép máy xét nghiệm COVID-19 bằng đường thở

Ngày 14/4, Cơ quan quản lý thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp máy xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 đầu tiên phát triển trong nước. Máy xét nghiệm này cho phép phát hiện các chất hóa học trong hơi thở xuất hiện khi cơ thể nhiễm virus corona. Việc thực hiện xét nghiệm có thể được thực hiện ở ngay tại phòng khám của các bác sĩ, các bệnh viện và các trạm xét nghiệm lưu động, những nơi có thể tiến hành lấy mẫu và phân tích mẫu bệnh phẩm. Kết quả sẽ có trong 3 phút.

Việc thực hiện xét nghiệm, có tên gọi là InspectIR COVID-19 Breathalyzer, đã được chứng minh hiệu quả trong một nghiên cứu quy mô lớn với 2.409 người tham gia, trong đó bao gồm những người mắc bệnh có và không có triệu chứng. Kết quả thử nghiệm cho thấy dụng cụ xét nghiệm này có độ nhạy là 91,2% và độ rõ ràng và chính xác là 99,3%.

FDA đánh giá việc cấp phép cho máy xét nghiệm bằng hơi thở cho thấy tốc độ đột phá nhanh chóng trong việc phát triển các phương thức xét nghiệm để phát hiện COVID-19.

Malaysia tiêm mũi vắc-xin thứ 4 nhằm bảo vệ nhóm dân số dễ nhiễm bệnh

Trong một phát biểu ngày 15/4, Giám đốc điều hành (CEO) công ty ProtectHealth của Malaysia, Tiến sĩ Anas Alam Faizli, nêu rõ khi Malaysia chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, điều quan trọng là phải tiếp tục bảo vệ tối ưu cho các nhóm dân số dễ nhiễm bệnh nhất, gồm người cao tuổi và những người có nguy cơ cao. Việc lên kế hoạch tiêm mũi vắc-xin COVID-19 thứ 4 là một trong những nỗ lực như vậy.

CEO của ProtectHealth cũng khuyến nghị những người có nguy cơ cao nên tự bảo vệ bản thân bằng cách tiêm mũi vắc-xin thứ 4, đồng thời khẳng định việc tiêm này được thực hiện trên tinh thần tự nguyện và hoàn toàn miễn phí.

Myanmar gỡ bỏ hạn chế tập trung đông người

Bộ Y tế Myanmar ngày 14/4 đã yêu cầu gỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với các hoạt động tập trung đông người từ ngày 17/4 tới đúng dịp năm mới của quốc gia này. Quyết định của Bộ Y tế Myanmar được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới và tử vong vì COVID-19 ở nước này giảm đáng kể trong thời gian qua. Trước đó, ngày 16/3, Myanmar đã tăng số lượng người tối đa được phép tham gia các sự kiện tập trung đông người từ 200 người lên 400 người.

Theo bộ trên, ngày 14/4, Myanmar ghi nhận 20 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 612.480 ca, trong đó 19.434 ca tử vong.

Phan Anh (tổng hợp)

Lực lượng phòng dịch Trung Quốc ập vào nhà dân bắt người đưa đi trại cách ly