Tổng thống Donald Trump ra lệnh áp thuế quan đối ứng với tất cả các nước
- Hải Đăng
- •
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Năm (13/2) đã ra lệnh lập kế hoạch áp thuế quan đối ứng đối với các quốc gia bị phát hiện đối xử bất công với hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ.
“Về thương mại, tôi đã quyết định vì mục đích công bằng, rằng tôi sẽ áp thuế quan đối ứng, nghĩa là bất kỳ quốc gia nào áp thuế đối với Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ áp thuế đối với họ. Không nhiều hơn, không ít hơn“, ông Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng.
“Điều này đáng lẽ phải được thực hiện từ nhiều năm trước rồi“, ông Trump nói.
“Đây sẽ là điều khiến đất nước chúng ta thực sự thịnh vượng trở lại và đây sẽ là điều giúp trả hết khoản nợ 36 nghìn tỷ USD“, ông Trump tuyên bố.
Tổng thống Trump đã ký chỉ thị nội bộ yêu cầu đội ngũ quan chức kinh tế của ông bắt đầu tính thuế để phù hợp với mức thuế mà các quốc gia khác áp dụng, đồng thời chống lại các rào cản phi thuế quan như các quy tắc an toàn xe cộ vốn loại trừ ô tô Hoa Kỳ, cũng như thuế giá trị gia tăng (VAT) làm tăng chi phí hàng hoá.
Chỉ thị hôm thứ Năm (13/2) của ông Trump chưa áp thuế quan mới ngay, thay vào đó chính quyền Trump bắt đầu cuộc điều tra có thể kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng về các khoản thuế mà các đối tác thương mại khác áp dụng đối với hàng hóa của Hoa Kỳ và sau đó đưa ra phản ứng đối ứng.
Chỉ thị này yêu cầu Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) và Bộ trưởng Thương mại được chỉ định Howard Lutnick nhanh chóng soạn thảo các khuyến nghị, và Văn phòng Quản lý và Ngân sách phải nộp báo cáo tác động tài chính trong vòng 180 ngày, có thể là sau khi các khoản thuế đầu tiên đã được áp dụng.
“Chúng tôi nghĩ rằng giá của một số thứ, nhiều thứ, có thể là tất cả mọi thứ, sẽ giảm xuống — cuối cùng sẽ giảm xuống“, ông Trump nói, có ý bảo vệ trước những lời chỉ trích rằng chi phí tiêu dùng trong nước có thể tăng vọt do các khoản phí.
Ông Lutnick, xuất hiện cùng ông Trump tại Phòng Bầu dục, nói rằng mức thuế quan đối ứng đầu tiên có thể được áp đặt sớm nhất là vào ngày 2 tháng 4.
“Nếu họ giảm thuế quan, giá cả cho người Mỹ sẽ giảm, sản lượng của chúng ta sẽ tăng và chi phí của chúng ta sẽ giảm. Hãy nhớ rằng, đây là con đường hai chiều, đó là lý do tại sao nó được gọi là đối ứng”, ông Lutnick nói.
Một quan chức Nhà Trắng nói với các phóng viên rằng Hoa Kỳ sẽ nhắm mục tiêu đặc biệt vào Ấn Độ, đất nước mà quan chức này gọi là “vua thuế quan”, cũng như Liên minh châu Âu (EU) với thuế VAT trung bình là 21,8%, “hoạt động thức sự như một loại thuế quan”, và Nhật Bản, quốc gia quan chức Nhà Trắng nhận định rằng tồn tại các rào cản phi thuế quan nghiêm trọng đối với hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ.
“Chúng tôi mong đợi mọi quốc gia sẽ hành động, vì rõ ràng là họ đang lừa dối chúng tôi”, quan chức Nhà Trắng nói, chỉ trích các chính sách thương mại của Ấn Độ chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Trump tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang có chuyến công du Hoa Kỳ.
“Nếu chúng ta có thể cân bằng thương mại, đó là khoản lợi nhuận hàng nghìn tỷ USD mỗi năm”, quan chức Nhà Trắng cho biết thêm.
Ông Trump phát biểu tại Phòng Bầu dục nói rằng trong các cuộc họp với ông Modi vào cuối ngày, ông dự định sẽ thúc giục người đồng cấp Ấn Độ giảm thuế quan.
“Nước Mỹ đang phải chịu thâm hụt thương mại tai hại hơn một nghìn tỷ USD, bởi vì các quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới tấn công thị trường của chúng ta bằng các mức thuế trừng phạt và thậm chí là các rào cản phi thuế quan trừng phạt hơn nữa“, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro tuyên bố.
“Một ví dụ điển hình là thuế giá trị gia tăng của EU, gần gấp ba lần mức thuế quan của EU đối với hàng xuất khẩu của Mỹ“, ông Navarro nói thêm.
Một văn bản thông tin của Nhà Trắng đã xác định một số ví dụ bổ sung — bao gồm mức thuế ethanol 18% của Brazil so với mức thuế quan 2,5% của Hoa Kỳ.
Tài liệu này cũng trích dẫn mức thuế quan 39% của Ấn Độ đối với hàng nông sản so với mức 5% của Hoa Kỳ và lệnh cấm của EU đối với động vật có vỏ từ 48 tiểu bang, mà theo tài liệu này đã góp phần khiến Hoa Kỳ nhập khẩu nhiều hơn 236 triệu USD động vật có vỏ hàng năm so với lượng xuất khẩu trở lại lục địa châu Âu.
“Một báo cáo năm 2019 phát hiện ra rằng trên 132 quốc gia và hơn 600.000 dòng sản phẩm, các nhà xuất khẩu của Hoa Kỳ phải đối mặt với mức thuế quan cao hơn trong hơn hai phần ba thời gian“, văn bản thông tin Nhà Trắng cho biết.
Chỉ thị thương mại mới nhất của Tổng thống Trump cũng bao gồm các mức thuế có thể áp dụng đối với các quốc gia bị cáo buộc đang định giá thấp đồng tiền của họ để thúc đẩy khả năng cạnh tranh của các công ty xuất khẩu hàng hoá.
Tổng thống Trump trước đó đã đạt được những nhượng bộ khi công bố thuế quan, bao gồm trì hoãn cho đến ngày 5 tháng 3 việc áp dụng mức thuế quan mới 25% đối với cả Canada và Mexico khi các quốc gia này đồng ý tăng cường nỗ lực ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp và buôn lậu fentanyl.
Kế hoạch bổ sung của ông Trump về mức thuế quan 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đang được tiến hành khi Bắc Kinh chuẩn bị áp dụng các biện pháp trả đũa.
Hôm thứ Hai (10/2), Tổng thống Trump đã ra lệnh áp dụng mức thuế quan cố định 25% đối với hàng nhập khẩu thép và nhôm, chấm dứt miễn trừ thuế thép đối với các quốc gia xuất khẩu hàng đầu mặt hàng này vào Hoa Kỳ và tăng mức thuế quan trước đó là 10% đối với nhôm. Dù vậy, sau đó tổng thống cho biết ông đang cân nhắc cho phép Úc được miễn trừ do thặng dư thương mại của Mỹ với quốc gia này.
Các mức thuế quan sắp tới của chính quyền Trump bao gồm kế hoạch áp dụng các khoản phí mới đối với đồng, chip máy tính và dược phẩm. Thời gian áp dụng các loại thuế này chưa được ấn định.
Hải Đăng, theo New York Post và Reuters
Từ khóa Donald Trump Dòng sự kiện Thuế đối ứng Thuế quan đối ứng
