Tổng thống Joe Biden đã gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào ngày 20/9 tại New York. Đây là cuộc gặp đầu tiên kể từ sau khi vị lãnh đạo Israeli trở lại nhiệm sở vào cuối năm ngoái. Trong cuộc gặp diễn ra bên lề Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, hai nhà lãnh đạo Mỹ, Israel đã thảo luận một loạt các vấn đề song phương và khu vực, bao gồm cả bình thường hóa quan hệ với Ả Rập Saudi.

Biden Netanyahu
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden bắt tay Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khi hai nhà lãnh đạo gặp mặt trực tiếp bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 78 tại Thành phố New York, Hoa Kỳ vào ngày 20 tháng 9 năm 2023. (Nguồn ảnh: JIM WATSON/AFP via Getty Images)

Tổng thống Biden mở đầu cuộc gặp song phương bằng việc nhắc lại khoảng thời gian mà ông đã biết ông Netanyahu.

Sau đó, ông Biden nói rằng hai người sẽ thảo luận về “các vấn đề khó khăn”, bao gồm bảo vệ “các giá trị dân chủ” và duy trì con đường hướng tới giải pháp hai quốc gia đã được đàm phán – một khuôn khổ được đề xuất để giải quyết xung đột Israel-Palestine. Ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân cũng là một ưu tiên tại cuộc họp này.

Vào tháng Ba, Tổng thống Biden cho biết ông sẽ không mời ông Netanyahu tới Nhà Trắng trong thời gian tới bởi vì nỗ lực của ông Netanyahu nhằm thay đổi hệ thống tư pháp của Israel.

Và trong cuộc phỏng vấn với đài CNN vào tháng Bảy, ông Biden mô tả Nội các của ông Netanyahu là cực đoan.

Ông Biden với nhà báo Fareed Zakaria của đài CNN: “Đây là một trong những thành viên Nội các cực đoan nhất mà tôi từng thấy”.

Nhà Trắng bày tỏ quan ngại về nỗ lực của ông Netanyahu nhằm cải tổ hệ thống tư pháp nước này vào đầu năm nay. Knesset – Quốc hội của Israel, đã thông qua đạo luật bãi bỏ “học thuyết về tính hợp lý“, mà Tòa án Tối cao Israel đã sử dụng để phán xét các chính sách của chính phủ. Các nhà phê bình cho rằng những cải cách do ông Netanyahu đề xuất sẽ làm tổn hại đến sự cân bằng quyền lực giữa các cơ quan công quyền và gây bất ổn cho nền dân chủ của Israel.

Ngay cả khi chúng ta có một số khác biệt, cam kết của tôi với Israel là, bạn biết đấy, vẫn rất vững chắc”, Tổng thống Biden nói trong cuộc gặp song phương với ông Netanyahu. “Tôi nghĩ nếu không có Israel thì không có người Do Thái nào trên thế giới được an toàn. Israel là cần thiết.”

Tôi hy vọng chúng ta sẽ gặp nhau ở Washington vào cuối năm nay”, ông Netanyahu nói với Tổng thống Biden khi mở đầu cuộc nói chuyện.

Cả hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh mục tiêu chung về một “Trung Đông ổn định và thịnh vượng hơn” và về hành lang kinh tế mới đã được nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh G20 gần đây ở New Delhi.

Tại hội nghị thượng đỉnh G20 đầu tháng này, các quốc gia Hoa Kỳ, Ấn Độ, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã công bố bản ghi nhớ về một dự án cơ sở hạ tầng sẽ kết nối Ấn Độ, Trung Đông và Châu u. Dự án này sẽ tạo ra một hành lang kinh tế được kết nối bởi tuyến đường sắt và các cảng biển hiện có chạy qua UAE, Ả Rập Saudi, Jordan và Israel.

Israel và Ả Rập Saudi

Trong cuộc gặp song phương với Thủ tướng Netanyahu, Tổng thống Biden bày tỏ hy vọng vào thành công của nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Ả Rập Saudi, nhấn mạnh rằng ý tưởng như thế vào một thập kỷ trước là bất khả thi.

Ông Netanyahu nói: “Tôi nghĩ rằng dưới sự lãnh đạo của ngài Tổng thống, chúng ta có thể tạo nên một nền hòa bình lịch sử giữa Israel và Ả Rập Saudi. Và tôi nghĩ rằng một nền hòa bình như vậy sẽ còn một chặng đường dài để chúng ta thúc đẩy việc chấm dứt xung đột Ả Rập-Israel, đạt được sự hòa giải giữa thế giới Hồi giáo và nhà nước Do Thái, đồng thời thúc đẩy một nền hòa bình thực sự giữa người Israel và người Palestine.

Ba năm trước, Israel đã bình thường hóa quan hệ với UAE, Bahrain, Ma-rốc và Sudan thông qua các Hiệp định Abraham nổi tiếng.

Chính quyền Biden hiện đang thúc đẩy một thỏa thuận giữa Ả Rập Saudi và Israel. Trong khi các Hiệp định Abraham mang lại những thay đổi đáng kể, thì Washington tin rằng thỏa thuận Saudi-Israel sẽ là một bước ngoặt trong quan hệ khu vực của Israel, chấm dứt sự cô lập và mở đường cho một khu vực hòa bình và thịnh vượng hơn.

Tuy nhiên, một số người không lạc quan về mốc thời gian để đạt được thỏa thuận như vậy.

Nỗ lực của chính quyền Biden nhằm môi giới cho thỏa thuận Saudi-Israel chỉ là nỗ lực gần đây nhất trong một chuỗi nỗ lực ngoại giao lâu dài của Hoa Kỳ ở Trung Đông. Mặc dù sự kỳ vọng ngày càng tăng cao, nhưng một thỏa thuận quan trọng như vậy có thể sẽ phải mất nhiều năm”, ông Jon Alterman, phó chủ tịch cấp cao, kiêm giám đốc Chương trình Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế viết trong một báo cáo gần đây.