Tổng thống Putin chỉ trích phương Tây là “đế chế dối trá”
- Nhật Minh
- •
Phản ứng trước làn sóng các lệnh trừng phạt mới mà các quốc gia phương Tây giáng xuống Nga do cuộc xâm lược của quốc gia này vào nước láng giềng Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi phương Tây là một “đế chế dối trá.”
Phát biểu với các quan chức chính phủ hàng đầu của Nga hôm thứ Hai (28/2), Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Tôi mời các vị đến để thảo luận về các vấn đề kinh tế và tài chính… xem xét các lệnh trừng phạt mà cái gọi là cộng đồng phương Tây, một đế chế dối trá, như tôi đã gọi trong bài phát biểu của mình, đang cố gắng thực hiện chống lại đất nước chúng ta.”
Thuật ngữ “đế chế dối trá” đã được Tổng thống Nga nêu ra trong bài phát biểu hôm thứ Năm tuần trước (24/2), khi ông tuyên bố phát động cuộc tấn công vào Ukraine. Khi đó ông chỉ trích, bởi vì Hoa Kỳ là một “cường quốc hình thành hệ thống” nên toàn bộ tập thể phương Tây đã trở thành một “đế chế” như vậy.
Tổng thống Putin lưu ý: “Nhân tiện, chính các chính trị gia, các nhà khoa học chính trị, và các nhà báo của Hoa Kỳ viết và nói rằng, trong những năm gần đây, một ‘đế chế dối trá’ thực sự đã được tạo ra bên trong Hoa Kỳ. Thật khó để không đồng ý với điều đó, bởi vì đó là sự thật.”
Tổng thống Putin chỉ trích gay gắt: “Tất cả các vệ tinh của [Hoa Kỳ] không chỉ đồng ý một cách vâng lời, hát theo âm nhạc của họ [Hoa Kỳ], mà còn sao chép hành vi của họ, và chấp nhận một cách nhiệt tình các quy tắc mà chúng được đưa ra. Do đó, với lý do chính đáng, chúng ta có thể nói một cách tự tin rằng toàn bộ cái gọi là khối phương Tây do Hoa Kỳ thành lập theo hình ảnh và chân dung của mình, tất cả họ đều là một ‘đế chế dối trá’.”
Điện Kremlin biện minh, cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã trở thành lựa chọn duy nhất còn lại để ngăn chặn máu đổ thêm ở quốc gia Đông Âu này và ngăn chặn Kiev cố gắng tiến hành một cuộc tấn công tổng lực vào các khu vực ly khai Donetsk và Lugansk nằm ở miền Đông Ukraine. Trước khi phát động cuộc tấn công, Moscow đã chính thức công nhận hai khu vực ly khai này là các quốc gia độc lập: Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk.
Tuy nhiên, Kiev chỉ trích, cuộc tấn công của Nga là “vô cớ”, đồng thời khẳng định rằng họ không có kế hoạch chiếm lại các khu vực ly khai bằng vũ lực. Năm 2014, Donetsk và Lugansk đã tách khỏi Ukraine sau cuộc đảo chính Maidan lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ của nước này. Mặc dù cuộc giao tranh quy mô lớn tàn khốc giữa chính phủ và các vùng ly khai đã kết thúc với các thỏa thuận Minsk 2014 – 2015, nhưng lộ trình thoát khỏi cuộc khủng hoảng mà thỏa thuận đưa ra đã không bao giờ được thực hiện, với việc các nước cộng hòa ly khai kiên trì nhiều năm trước cuộc chiến cường độ thấp, khiến hàng nghìn người thiệt mạng.
Trong một diễn biến khác, nhằm ứng phó với các lệnh trừng phạt châu Âu, ông Putin cũng đã ký Sắc lệnh “Về việc áp dụng các biện pháp kinh tế đặc biệt liên quan đến các hành động không thân thiện của Mỹ và các quốc gia nước ngoài, các tổ chức quốc tế đã tham gia”. Sắc lệnh này bao gồm việc cấm chuyển tiền mặt ra nước ngoài. Các doanh nghiệp Nga hoạt động thương mại ở nước ngoài phải bán 80% doanh thu bằng ngoại tệ và chuyển ra đồng Ruble.
Ngoài ra, từ ngày 1/3, công dân Nga không được gia hạn các khoản vay nước ngoài bằng tiền mặt và không được chuyển ngoại tệ vào tài khoản hoặc gửi tiền tại các ngân hàng nước ngoài.
Nhật Minh (T/h)
Từ khóa Vladimir Putin EU trừng phạt Nga Nga xâm lược Ukraine