Tổng thống Trump có thể ‘sống sót’ sau bê bối với Nga hay không?
- Xuân Thành
- •
Tổng thống Donald Trump đang gặp những rắc rối lớn nhất kề từ khi nhậm chức cuối tháng 1/2017. Việc ông chủ Nhà Trắng quyết định sa thải Giám đốc FBI James Comey hôm 9/5 có lẽ đã là giọt nước làm tràn ly khiến đảng Dân chủ và giới truyền thông cánh tả liên tiếp chỉ trích trực diện ông Trump. Tổng thống Mỹ tiếp tục bị cáo buộc đội ngũ của ông đã thông đồng với Nga trong chiến dịch tranh cử 2016 và mới nhất là ông đã tiết lộ bí mật tình báo cho phái đoàn Ngoại giao Nga trong một cuộc gặp tại Nhà Trắng hôm 10/5, một ngày sau khi ông Comey mất việc.
Phát biểu tại lễ tốt nghiệp của trường sĩ quan Connecticut hôm thứ Tư 17/5, Tổng thống Mỹ đã than phiền rằng những gì ông đang bị đối xử là “tồi tệ và bất công” hơn bất kỳ chính trị gia nào trước đây. Sáng sớm thứ Năm 18/5 ông Trump đăng tweet thêm rằng: “Với tất cả các hành động phi pháp xảy ra trong chiến dịch tranh cử của Clinton & Chính quyền Obama, chưa từng có một điều tra viên đặc biệt nào được chỉ định. Đây là cuộc đi săn phù thủy chống lại một chính trị gia lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ!”
Ông Trump phản ứng như trên sau một cuộc họp hôm thứ Năm do Thứ trưởng Bộ tư Pháp Rod Rosentein chủ trì. Cuộc họp này thông báo với các thượng nghị sĩ quốc hội về việc cựu Giám đốc FBI Robert Muller được chỉ định làm người đứng đầu hội đồng điều tra cáo buộc liên đới giữa chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump và chính quyền Nga.
Sự có mặt của ông Robert Muller cho thấy sự vụ liên quan đến ông Trump và chính quyền Nga đã được đẩy lên rất cao và không loại trừ khả năng sẽ có ảnh hướng lớn đến sự nghiệp chính trị của tân Tổng thống nếu như cựu giám đốc FBI chứng minh được những cáo buộc của phe đối lập và báo giới cánh tả là đúng.
Vậy diễn tiến của vụ việc này thế nào? Và cuộc điều tra này rốt cuộc sẽ đi về đâu?
Các cuộc điều tra được bắt đầu như thế nào?
Ngày 7/10/2016, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) và Bộ An ninh Nội địa (DHS) cùng tuyên bố rằng Nga đã tấn công các máy chủ của Ủy ban Quốc gia Dân chủ (DNC) và tài khoản email cá nhân của Chủ tịch chiến dịch tranh cử của bà Clinton, ông John Podesta và chuyển các tài liệu này tới trang WikiLeaks. Một số công ty an ninh mạng khi đó đã tuyên bố rằng các vụ tấn công mạng đã được thực hiện bởi các nhóm tình báo Nga Fancy Bear và Cozy Bear.
Trong tháng 10/2016, Tổng tống Barack Obama đã gọi cho Tổng thống Nga Putin qua đường dây nóng hai nước để cảnh báo về các cuộc tấn công mạng nêu trên. Các quan chức Nga đã nhiều lần phủ nhận liên quan tới bất kỳ cuộc tấn công mạng hay rò rỉ thông tin nào ở DNC.
Vào đầu tháng 12/2016, ông Obama đã yêu cầu được cung cấp một báo cáo về việc can thiệp của nước ngoài trong cuộc bầu cử 2016. Tổng thống đảng Dân chủ khi đó muốn các quan chức tình báo chuyển cho ông báo cáo trước khi ông rời Nhà Trắng trong tháng 1/2017.
Trong khi đó, các thượng nghĩ sĩ cũng đã kêu gọi hai đảng cùng phối hợp mở cuộc điều tra. Ông Mitch McConnell lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện bày tỏ sự tin tưởng vào tình báo Hoa Kỳ và ủng hộ một cuộc điều tra do lưỡng đảng lãnh đạo. Vào 24/1/2017, Ủy ban Tình báo Thượng viện bắt đầu tiến hành mở cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ 2016.
Các cơ quan tình báo đã phát hiện những gì?
Vào tháng 1/2017, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) đã đưa ra một báo cáo rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh thực hiện một chiến dịch với mục đích không chỉ làm giảm niềm tin vào hệ thống bầu cử của Hoa Kỳ mà còn gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.
Các cơ quan tình báo này cho rằng ông Putin và chính phủ Nga đã có một “ưu tiên rõ ràng” cho ông Trump giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Các cộng sự của ông Putin đã đánh cắp thông tin, trả tiền cho các tài khoản chuyên đùa cợt (troll) trên mạng xã hội [bôi nhọ bà Hillary] và hậu thuẫn các cơ quan thông tấn và truyền thông nhà nước Nga để gây ảnh hưởng tới dư luận.
Báo cáo này không chỉ rõ liệu Nga có thành công trong việc tác động đến kết quả bầu cử hay không.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin và các quan chức Nga đã nhiều lần lên tiếng phủ nhận can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.
Ông Trump ngay trong chiến dịch tranh cử và các cuộc tranh luận trực tiếp với bà Clinton trên truyền hình cũng đã bác bỏ cáo buộc có sự can thiệp của Nga. Khi bà Hillary khẳng định Nga đã thâm nhập vào server cá nhân của bà và đánh cắp email, ông Trump đã phản biện rằng chưa thể kết luận Nga đứng sau sự vụ đó vì có thể là do tin tặc đến từ Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào khác.
Đầu tháng này, ông Trump một lần nữa cho biết Trung Quốc có thể đã tấn công email của các quan chức Dân chủ để can thiệp vào cuộc bầu cử, nhưng cũng không đưa ra bằng chứng và phản đối quan điểm của các quan chức tình báo.
Cuộc điều tra đang diễn ra thế nào?
Hôm 17/5, Bộ Tư pháp đã thông báo rằng cơ quan này đã chỉ định cựu giám đốc FBI, ông Robert Mueller là công tố viên đặc biệt lãnh đạo cuộc điều tra độc lập liên quan đến việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ 2016.
Các Ủy ban tình báo của cả Hạ viện và Thượng viện cũng đã tiến hành điều tra sự vụ này và công việc vẫn đang tiếp diễn. Ông Comey khi đang còn tại nhiệm tại FBI cũng đã được mời tới các viện quốc hội để điều trần liên quan đến cuộc điều tra.
Tướng Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, đã bị sa thải hồi tháng Hai là một mắt xích quan trọng trong chuỗi sự việc liên quan đến Nga.
Ngày 9/5, các công tố viên liên bang đã ban hành các lệnh từ toà án, cho phép điều tra các hồ sơ kinh doanh từ những người làm việc với Flynn khi ông ta là một công dân bình thường.
Ngày 10/5, Uỷ ban Tình báo Thượng viện đã ban hành trát hầu tòa đầu tiên liên quan đến cuộc điều tra, yêu cầu ông Flynn cung cấp các tài liệu sau khi ông từ chối tự nguyện thực hiện theo đề nghị trước đó.
Bộ Trưởng Tư pháp Jeff Sessions đã phải tự rút khỏi cuộc điều tra liên quan đến Nga vì ông đã không nói với Quốc hội về những liên hệ của mình với Đại sứ Nga tại Hoa Kỳ, ông Kislyak năm 2016. Thứ Trưởng Bộ Tư pháp Rod Rosenstein đang là người trực tiếp xử lý các vấn đề liên quan đến Nga và ông chính là người bổ nhiệm ông Mueller làm công tố viên đặc biệt.
Ngày 20/3, ông Comey nói với Ủy ban Tình báo Hạ viện rằng FBI đang điều tra vai trò của Moscow trong cuộc bầu cử 2016, bao gồm cả việc có thể có thông đồng với chiến dịch tranh cử của ông Trump. Đó là lần đầu tiên ông Comey công khai thừa nhận FBI đang điều tra vụ việc liên quan đến ông Trump và Nga.
Ngay cả khi việc Comey rời nhiệm sở hôm 9/5, cuộc điều tra tại FBI vẫn tiếp diễn. Giám đốc tạm quyền của FBI, ông Andrew McCabe, người sẽ dẫn dắt cơ quan này cho đến khi một giám đốc mới được chỉ định, đã cam kết với Uỷ ban Tình báo Thượng viện rằng vụ sa thải ông Comey sẽ không ảnh hưởng đến cuộc điều tra và ông sẽ thông báo cho Ủy ban về bất kỳ nỗ lực nào nhằm trì hoãn hoặc làm trật bách cuộc điều tra.
Ông Trump đang bị FBI điều tra?
Các cơ quan tình báo, và ủy ban tình báo của hai viện đều chưa thông báo công khai ông Trump đang bị điều tra hay không.
Các phương tiện truyền thông ‘chống Trump’ cho biết rằng trong lá thư ngắn ông Trump gửi đến để sa thải ông Comey khỏi FBI, Tổng thống có gửi lời cảm ơn tới giám đốc FBI đã 3 lần thông báo cho ông về việc ông không bị điều tra.
Tuy nhiên, ông Comey chưa bao giờ tuyên bố công khai về việc FBI có đang điều tra ông Trump hay không và những gì ông Comey nói với tổng thống (nếu có) cũng là không chính thống.
Trong khi đó, với các tin tức về các bản ghi chép của ông Comey trong các lần gặp ông Trump, cùng báo cáo của tờ Washington Post hôm 15/5 về việc ông Trump đã tiết lộ bí mật tình báo cho các quan chức Nga trong cuộc họp tại Nhà Trắng hôm 10/5, đã khiến cho các đảng viên Dân chủ và kể cả một số thành viên đảng Cộng hòa tăng áp lực yêu cầu phải điều tra độc lập mối quan hệ của ông Trump với Nga.
Ông Trump vẫn luôn khẳng định chiến dịch tranh cử của ông không liên quan đến Nga. Phát biểu hôm thứ Tư 17/5 sau khi cựu Giám đốc FBI Robert Muller được chỉ định làm người đứng đầu hội đồng điều tra, ông Trump điềm tĩnh nói: “Như tôi đã nói rất nhiều lần, một cuộc điều tra toàn diện sẽ xác nhận lại điều chúng ta đều đã biết – không hề có một sự liên quan nào giữa chiến dịch của tôi và bất cứ một tổ chức nước ngoài nào. Tôi mong chờ chuyện này kết thúc nhanh chóng. Trong thời gian chờ đợi, tôi sẽ không ngừng chiến đầu vì người dân và các vấn đề quan trọng nhất cho tương lai của đất nước chúng ta”.
Cuộc điều tra rồi sẽ đi về đâu?
Đã có những tuyên bố, những lời buộc tội và cả những đồn đại được lan tỏa nhanh chóng bởi các kênh truyền thông, nhưng cái chúng ta thực sự cần bây giờ là bằng chứng, những sự thật rõ ràng thì chưa ai công bố. Vẫn còn rất nhiều các câu hỏi liên quan đến vụ việc chưa có lời giải.
Ông Comey đã ghi chú những gì trong các cuộc gặp với ông Trump? Cựu giám đốc FBI cần công khai việc này. Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Cải cách Chính phủ của Hạ viện, ông Jason Chaffetz đã từng yêu cầu Bộ Tư pháp đưa ra tất cả các ghi chú do ông Comey viết, bao gồm cả bản ghi nhớ báo cáo rằng ông Trump có nói ông hy vọng ông Comey sẽ “sớm khép lại cuộc điều tra Michael Flynn”.
Ông Comey sẽ nói gì trước lưỡng viện quốc hội? Nhiều người chờ đợi rằng trong ít tuần tới ông Comey sẽ được gọi tới hai viện quốc hội để điều trần. Ở đó, cựu giám đốc FBI sẽ phải làm rõ nội dung trao đổi với Tổng thống Trump trong bữa ăn tối cá nhân và hai cuộc điện thoại, nơi có cáo buộc rằng ông Comey có nói tổng thống không bị FBI điều tra.
Còn nhiều câu hỏi khác cần lời giải như: Tại sao ông Comey không cảnh báo cấp trên của ông về những bình luận của ông Trump về cuộc điều tra liên quan tới ông Flynn? Có một hệ thống ghi âm trong Phòng Bầu dục, như một lời tweet của tổng thống ám chỉ không? Nếu có, thì những băng đó có thể tiết lộ điều gì? Nước Nga có thực sự đang có băng ghi âm cuộc nói chuyện giữa ông Trump và phái đoàn ngoại giao Nga hôm 10/5 tại Nhà Trắng như lời ông Putin nói hay không?
Rốt cuộc, cuộc điều tra liên quan đến sự can thiệp của Nga này rồi sẽ đi về đâu?
Nhiều chuyên gia nhận định rằng cuộc điều tra của FBI sẽ hướng nhiều đến vấn đề an ninh quốc gia hơn là tìm chứng cứ để hình sự hóa cá nhân tại thời điểm này.
Cũng có những nhận định cho rằng, việc ông Trump sa thải giám đốc FBI Comey là tương đồng với cuộc “Thảm sát Đêm Thứ bảy” tai tiếng của Tổng thống Richard M. Nixon diễn ra 44 năm trước trong bối cảnh vụ bê bối Watergate.
Nhưng thực tế hoàn cảnh chính trị của hai vụ việc này là hoàn toàn khác nhau. Việc ông Nixon sa thải công tố viên Archibald Cox, chịu sự phản đối quyết liệt của cả Bộ trưởng Tư pháp Elliot Richardson và Thứ trưởng Tư pháp William Ruckelshaus, những người sẵn sàng từ chức để phản đối hơn là thực hiện mệnh lệnh của Tổng thống. Trong khi, hiện tại cả Bộ trưởng Sessions và Thứ trưởng Rosentein đều đồng tình với quyết định sa thải Comey của ông Trump.
Quan trọng hơn, trong bê bối Watergate, ông Nixon – Tổng thống của đảng Cộng hòa phải đối đầu với phe đa số Dân chủ trong cả lưỡng viện quốc hội. Hiện tại, đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump đang chiếm đa số ở cả Hạ viện và Thượng viện. Một số đảng viên Cộng hòa cũng cảm thấy thất vọng về ông Trump nhưng con số đó không nhiều, điển hình chỉ có ba Thượng nghị sĩ Jeff Flake, John McCain và Ben Sasse là bộc lộ thái độ phản đối rõ ràng, trong khi, các Thượng nghị sĩ thường có tư tưởng độc lập như Susan Collins hay Lindsey Graham lại ủng hộ quyết định của ông Trump.
Bất lợi nhất của ông Trump hiện nay đến từ giới truyền thông, nhưng vẫn chưa thể sánh với khó khăn mà ông Nixon gặp phải từ dư luận năm 1973. Cả hai đều bị Washington Post đeo bám quyết liệt, nhưng ông Nixon khi đó chưa có mạng xã hội để phản biện cá nhân và cũng không có các kênh truyền thông ruột không ngại bút chiến như Fox News hay Breitbart News mà ông Trump đang có.
Ít có khả năng ông Trump nhận kết cục như cựu Tổng thống Nixon, nhưng chặng đường chính trị phía trước của tỷ phú bất động sản là khó khăn không nhỏ. Tổng thống Trump có thể sống sót, nhưng sẽ có ‘thương tích’ và thay đổi là điều bắt buộc.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump Quan hệ Mỹ - Nga