Triều Tiên bị cáo buộc ngụy tạo vụ phóng “thành công” ‘tên lửa quái vật’
- Xuân Lan
- •
Các nhà phân tích nói rằng Triều Tiên đã giả mạo một vụ phóng “thành công” tên lửa tầm xa mạnh nhất của nước này để thúc đẩy sự ủng hộ trong nước đối với chế độ của Kim Jong Un, trong khi trên thực tế là vụ thử trước đó kết thúc thất bại.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên đã tung hô vụ phóng “kỳ diệu” tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 mới vào ngày 24/3, đăng tải những bức ảnh và video ấn tượng về việc nhà lãnh đạo Kim đích thân giám sát vụ thử.
Nhưng các nhà phân tích đã xác định có những chi tiết đáng ngờ; và các cơ quan tình báo Hàn Quốc và Mỹ đã kết luận rằng Triều Tiên thực sự đã bắn tên lửa Hwasong-15 – một ICBM kém tiên tiến hơn mà nước này đã thử nghiệm vào năm 2017.
Tại sao Triều Tiên làm điều này? Các nhà phân tích cho rằng Bình Nhưỡng cần một thành công tức thời để tuyên truyền trong nước, sau khi vụ phóng thực sự tên lửa Hwasong-17 một tuần trước đó kết thúc thất bại, với việc tên lửa phát nổ ở phía trên thủ đô Bình Nhưỡng.
Nhà phân tích Yang Moo-jin nói với AFP: “Triều Tiên muốn củng cố lòng trung thành của người dân trước Ngày Mặt trời mọc bằng cách xây dựng ‘thương hiệu’ Kim Jong Un là một nhà lãnh đạo có năng lực của một cường quốc quân sự”.
Ngày Mặt trời mọc (15/4) là lễ kỷ niệm ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Il Sung.
Ông Yang nói tiếp: “Vụ phóng ngày 16/3 đã thất bại một cách ngoạn mục, và tệ hơn là nó xảy ra ở Bình Nhưỡng nên mọi người đã chứng kiến sự thất bại thảm hại. Kim có lẽ nghĩ rằng ông ta cần một thứ gì đó rất mạnh để bù đắp, và đó có thể là lý do tại sao ông ta nói dối”.
Một cuộc họp báo của tình báo Hàn Quốc cho biết sau vụ phóng bất thành ngày 16/3, Bình Nhưỡng đã tìm cách bịa đặt về sự thành công “để ngăn chặn các tin đồn và mang lại sự ổn định cho chế độ”.
Báo cáo cho biết thêm, chỉ có tám ngày giữa vụ phóng thất bại và vụ phóng ‘thành công’ giả mạo kia. Khoảng thời gian đó không đủ để phân tích xem lỗi gì đã xảy ra và cách khắc phục nó như thế nào. Vì vậy, đó là lý do tại sao Bình Nhưỡng phải bịa ra điều này.
Các nhà phân tích cho biết đây không phải là lần đầu tiên Triều Tiên ngụy tạo tiến độ phát triển vũ khí. Nước này đã cố gắng làm giả cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm thất bại vào tháng 1/2016 bằng cách sử dụng các đoạn video đã được thay đổi.
Triều Tiên đã công bố vụ phóng Hwasong-17 ‘giả mạo’ bằng một đoạn video bóng bẩy theo phong cách Hollywood có hình ảnh nhà lãnh đạo Kim mặc áo khoác da đen và đeo kính râm, đi hai bên là các tướng lĩnh, đưa ra tín hiệu phóng một tên lửa khổng lồ.
Trang web chuyên gia NK News có trụ sở tại Seoul đã phân tích hình ảnh vệ tinh và tìm thấy dấu hiệu cho thấy một số đoạn phim được quay sớm hơn so với tuyên bố của truyền thông nhà nước, có thể là tại cuộc thử nghiệm thất bại ngày 16/3.
Nhà phân tích Colin Zwirko của NK News nói với AFP: “Kim Jong Un có khả năng nhắm vào khán giả trong nước, để dập tắt những tin đồn có thể đang lan truyền về thất bại rất rõ ràng của ICBM tại Bình Nhưỡng vào tuần trước”.
“Ông ấy có thể không muốn lãng phí các cảnh quay Hwasong-17, đồng thời cũng không thể bắt đầu quay một đoạn phim khác nhanh chóng, và nói sự thật rằng đó là cuộc thử nghiệm Hwasong-15 sẽ không có tác động vì nó đã được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2017,” nhà phân tích nói thêm.
Từ khóa Triều Tiên thử tên lửa Tên lửa Hwasong-17 tuyên truyền tại Triều Tiên