Truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm thứ Năm (17/10) đưa tin rằng nước này đã chỉ định Hàn Quốc là “quốc gia thù địch“, đồng thời xác nhận rằng Quốc hội Triều Tiên đã sửa đổi hiến pháp theo cam kết của Lãnh đạo Tối cao Kim Jong Un về từ bỏ mục tiêu thông nhất quốc gia.

North Korea flag
Cờ của Triều Tiên. (Ảnh KIM HONG-JI/POOL/AFP qua Getty Images)

Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên đưa tin rằng quân đội nước này vào thứ Ba (15/10) đã cho nổ tung các đoạn đường bộ và đường sắt liên kết với Hàn Quốc và coi đó là hành động hợp pháp chống lại một quốc gia thù địch theo định nghĩa của hiến pháp.

Các đoạn đường bộ và đường sắt dài 60 m ở phần biên giới của Triều Tiên vốn được đặt làm các cửa khẩu liên Triều hiện đã bị chặn hoàn toàn. Động thái này là một phần của “sự phân tách hoàn toàn lãnh thổ của Triều Tiên theo từng giai đoạn” khỏi Hàn Quốc, KCNA cho biết.

Đây là một biện pháp tất yếu và hợp pháp được thực hiện theo yêu cầu của Hiến pháp CHDCND Triều Tiên, trong đó nêu rõ ROK là một quốc gia thù địch“, KCNA đưa tin, sử dụng tên chính thức của Triều Tiên là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên và tên chính thức của Hàn Quốc là Đại Hàn Dân Quốc.

KCNA trích lời một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Triều Tiên cho biết nước này sẽ thực hiện các bước tiếp theo để “vững chắc biên giới phía Nam đã đóng“, nhưng không đề cập đến bất kỳ thay đổi nào khác đối với hiến pháp theo lệnh của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Vào tháng Một, ông Kim đã kêu gọi sửa đổi hiến pháp để xóa bỏ mục tiêu thống nhất trong quan hệ với miền Nam, và xác định rõ ràng lãnh thổ của đất nước mình, đồng thời cáo buộc Seoul thông đồng với Washington để tìm cách làm sụp đổ chế độ cộng sản miền Bắc.

Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên (tức Quốc hội Triều Tiên) đã họp trong hai ngày vào tuần trước, và trong chương trình nghị sự đó có nội dung sửa đổi hiến pháp để chính thức chỉ định Hàn Quốc là một quốc gia riêng biệt và là kẻ thù chính của Triều Tiên.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên không đưa tin về động thái sửa đổi hiến pháp đó, làm dấy lên đồn đoán liệu việc thay đổi hiến pháp có bị hoãn lại hay không.

Về phía Hàn Quốc, họ đã tuyên bố chính sách là tiếp tục theo đuổi thống nhất quốc gia nhưng cam kết sẽ đáp trả bằng vũ lực nếu Triều Tiên có bất kỳ hành động xâm lược nào.

Căng thẳng liên Triều đã leo thang kể từ năm ngoái khi cả hai bên tuyên bố một thỏa thuận được ký kết vào năm 2018 nhằm giảm căng thẳng quân sự không còn hiệu lực nữa.

Triều Tiên đã tăng cường mạnh mẽ lời lẽ thù địch trong những ngày gần đây, cáo buộc miền Nam xâm phạm không phận miền Bắc khi điều khiển máy bay không người lái bay qua thủ đô Bình Nhưỡng và tuyên bố sẽ trả đũa.

Chính phủ Hàn Quốc đã từ chối cho biết liệu quân đội hay dân thường của họ đã điều khiển những máy bay không người lái bị cáo buộc hay không.

Về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh sau khi cuộc chiến liên Triều 1950-1953 kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn chứ không phải một hiệp ước hòa bình.