Ngày 17/5, truyền thông nhà nước Triều Tiên cho rằng có gần 270.000 ca bệnh nhân sốt mới trong ngày 16/5, thêm 6 trường hợp tử vong và 170.000 người khác đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, cơ quan tình báo Hàn Quốc cho rằng thiết bị sàng lọc của Triều Tiên không đủ công suất, hơn nữa Triều Tiên chỉ sử dụng dấu hiệu “sốt” làm cơ sở thống kê, do đó, trên thực tế số ca được xác nhận có thể nhiều hơn gấp 5 lần.

p3148771a34743463
Dịch COVID-19 ở Triều Tiên đang bùng phát dữ dội. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thừa nhận tình trạng hỗn loạn lớn nhất kể từ khi lập quốc. (Ảnh: kênh truyền thông chính thức của Triều Tiên).

Ngày 17/5, Bộ Chỉ huy Phòng chống Dịch khẩn cấp Quốc gia của Triều Tiên đã công bố dữ liệu mới nhất về dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) thông qua kênh truyền thông chính thức “KCNA” (Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên).

Tính đến 6:00 chiều ngày 16/5, Triều Tiên đã có thêm 269.510 bệnh nhân sốt trong 24 giờ qua. Tổng số cộng dồn đã vượt quá 1.483.060 ca sốt, trong đó 819.090 ca đã khỏi và hơn 660.000 ca vẫn đang được điều trị, cộng thêm 6 người chết, số ca tử vong là 56 người.

Theo báo cáo, Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên đã ban hành lệnh đặc biệt khẩn cấp, tập hợp lực lượng của tất cả các nhà thuốc ở Bình Nhưỡng trong quân y của Quân đội Nhân dân, thực hiện việc cung ứng thuốc 24/24 giờ.

Theo hãng truyền thông Hàn Quốc Yonhap News, do Triều Tiên không đủ thiết bị sàng lọc, số liệu thống kê chỉ dựa trên các “trường hợp bị sốt” thay cho số “người được chẩn đoán nhiễm bệnh”, do đó, trên thực tế số người được xác nhận sẽ nhiều hơn so với công bố chính thức, thậm chí có thể gấp 4 – 5 lần.

Ông Kim Jong-un chỉ trích nội các và các quan chức y tế không nhìn rõ cuộc khủng hoảng trước mắt

Theo Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên, ngày 15/5, Tổng cục Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên lại tổ chức một cuộc họp tham vấn khẩn cấp, thảo luận về các biện pháp phòng chống dịch.

Theo báo cáo, ông Kim Jong-un đã đổ lỗi cho các hành vi sai trái khác nhau trong việc cung cấp và bán thuốc trên khắp đất nước đã không được giải quyết tận gốc.

Đồng thời lên án mạnh mẽ hành vi thất trách của Viện trưởng Viện kiểm sát trung ương, không cung cấp kịp thời các loại thuốc do Nhà nước dự trữ cho người dân thông qua các hiệu thuốc. Điều này là do các quan chức nội các và bộ y tế đã không nhìn rõ cuộc khủng hoảng hiện tại, và không có những hành động thiết thực để phục vụ nhân dân trong tương lai.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng nói rằng Triều Tiên nên “chủ động học tập” Trung Quốc cách đối phó với đại dịch. Từ ngày 12/5, Triều Tiên đã phong tỏa toàn bộ các tỉnh, thành phố trong cả nước để hạn chế lây lan dịch COVID-19.

“Hãy nhìn vào tình hình khó khăn tại Thượng Hải, đối với họ để ngăn chặn Omicron – đó là phải vứt bỏ hoàn toàn tất cả những gì họ có thể nghĩ về đại dịch,” Giáo sư Ben Cowling, nhà dịch tễ học từ Đại học Hồng Kông cho biết.

Từ lâu Triều tiên đã gặp phải những vấn đề trong sản xuất lương thực. Quốc gia này đã gánh chịu nạn đói thảm khốc trong suốt những năm 1990 và ngày nay, Chương trình Lương thực Liên Hiệp Quốc (WFP) ước tính 11 triệu trong tổng số 25 triệu dân tại Triều Tiên đang bị suy dinh dưỡng.

Triều Tiên từ chối vắc-xin

Bộ Thống nhất của Hàn Quốc cho biết bộ đã đề xuất các cuộc đàm phán để bàn về việc hỗ trợ nguồn cung y tế, bao gồm vắc xin, khẩu trang và bộ xét nghiệm, cũng như hợp tác kỹ thuật nhưng phía Triều Tiên vẫn chưa phản hồi.

Theo ông Edwin Ceniza Salvador, đại diện WHO tại Triều Tiên, 1.288.800 liều vắc-xin AstraZeneca (AZ) ban đầu đã được lên kế hoạch phân phối cho Triều Tiên trong năm nay, nhưng nước này không tỏ rõ sự chấp nhận, vì vậy đến nay COVAX vẫn chưa cung cấp bất cứ vắc-xin nào cho Triều Tiên.

Năm ngoái, theo báo cáo của Đài Á Châu Tự Do, kênh COVAX đã phân bổ 1,99 triệu liều vắc-xin AZ cho Triều Tiên vào tháng 3/2021. Sau đó tổ chức này lại thông báo rằng họ sẽ tăng thêm 100.800 liều, tổng cộng là 2.092.800 liều vắc-xin có thể được tiêm cho 1.046.400 người.

Tuy nhiên, do Triều Tiên chưa có đầy đủ công nghệ và thiết bị bảo quản lạnh vắc-xin nội địa và chính quyền Bình Nhưỡng không cho phép nhân viên kỹ thuật liên quan đến WHO tham gia vào các biện pháp thử nghiệm khác nhau, nên số vắc-xin lẽ ra đã được giao vào tháng 5/2021 vẫn chưa đến được Triều Tiên.

Ngoài ra, nền tảng COVAX từng chỉ định phân phối 2,97 triệu liều vắc-xin Sinovac của Trung Quốc, nhưng Triều Tiên, quốc gia từng tuyên bố “không có ca COVID nào” trên lãnh thổ của mình, đã từ chối thẳng, và nói rằng vắc-xin này có thể ưu tiên cho những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch viêm phổi Vũ Hán.

Đồng thời, các cơ quan truyền thông và báo đảng chính thức của Triều Tiên cũng tuyên bố trong các báo cáo của họ, rằng vắc-xin không phải là thuốc chữa bách bệnh. Điều này dường như làm nổi bật thái độ không hoàn toàn tin tưởng vào vắc-xin của lãnh đạo nước này.

Quảng cáo “Liệu pháp Cao Ly”

Trong trường hợp không có thuốc chống dịch, tờ Rodong Sinmun, tờ báo chính thức của Đảng Lao động Triều Tiên, đề nghị rằng ngoại trừ trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi, nếu có triệu chứng ho có thể uống mật ong; người bị sốt có thể uống thuốc giảm đau, hạ sốt; người khó thở nên mở cửa sổ để nhà thoáng mát.

Đồng thời, họ còn quảng bá “Liệu pháp Cao Ly”, kiến nghị những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ nên uống 4 gam “Bại Độc Tán” (Thuốc tiêu độc), “Angong Niuhuang Pill” (ANP, An Cung Ngưu Hoàng Hoàn) hoặc “Tam Hương Ngưu Hoàng Thanh Tâm Hoàn” với nước nóng trong vòng 1 – 2 giờ sau bữa ăn trong 5 ngày liên tục.

Ngoài ra, còn giới thiệu liệu pháp dân gian, dùng ngâm lá kim ngân hoặc lá liễu trong nước nóng, và mọi người nên uống mỗi ngày 3 lần.

Bà Jieun Baek, người sáng lập Lumen, một tổ chức phi chính phủ giám sát về Bắc Hàn cho biết: “Hệ thống y tế đã và đang trong tình trạng yếu kém nghiêm trọng.”

“Đây là một hệ thống rất lạc hậu. Ngoài 2 triệu người sống ở Bình Nhưỡng thì phần đông dân số Triều Tiên chỉ tiếp cận được một hệ thống y tế có chất lượng rất kém.”

Những người đào tẩu Triều Tiên đã kể về chuyện các chai bia được sử dụng để đựng dung dịch tiêm tĩnh mạch, hay kim tiêm được sử dụng lại cho đến khi gỉ sét.

Đối với những thứ như khẩu trang, hoặc dung dịch sát khuẩn, “chúng tôi chỉ có thể hình dung là sản phẩm như vậy sẽ khan hiếm đến mức nào”, bà Baek nói.

Bình Minh (t/h)