Trump: Có hay không thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, kinh tế Mỹ vẫn tốt
- Xuân Thành
- •
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 8/3 đã nói rằng nước Mỹ vẫn sẽ làm tốt dù có hay không thỏa thuận với Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi kết thúc buổi họp báo tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 9/11/2017. (Ảnh: FRED DUFOUR/AFP/Getty Images)
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc ông vẫn tự tin có thể đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, ông Trump nói: “Chắc chắn, tôi tự tin, nhưng nếu chúng tôi không đàm phán được một thỏa thuận rất tốt cho đất nước chúng tôi, tôi sẽ không ký thỏa thuận.”
Khi được hỏi về một báo cáo gần đây cho rằng Trung Quốc không có cái nhìn tích cực về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung và cuộc họp giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể không diễn ra, ông Trump nói: “Tôi chưa nghe thấy điều đó. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ làm tốt… Chúng tôi sẽ làm rất tốt cả hai cách, có hoặc không có thỏa thuận.”
Trong khi đó, trả lời Bloomberg TV hôm 8/3, Cố vấn kinh tế Tòa Bạch Ốc Larry Kudlow nói rằng phái đoàn đàm phán hai nước Mỹ, Trung có thể sớm gặp lại nhau để tiếp tục tìm kiếm một thỏa thuận thương mại.
“Nó có thể diễn ra vào tháng Tư… Chúng tôi đã đạt được nhiều đồng thuận trong các cuộc đàm phán tại Washington hai tuần trước… Bây giờ họ [đoàn Trung Quốc] phải quay về và làm rõ với giới chức cao nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình và Bộ Chính trị [Đảng Cộng sản Trung Quốc]… Điều mấu chốt là chúng tôi phải làm cho đúng để nó có lợi cho nước Mỹ, chứ không phải là [vấn đề] thời gian, cũng không phải là [vấn đề] địa điểm,” ông Kudlow nhấn mạnh.
Reuters dẫn theo các báo cáo của nhà nước Trung Quốc cho biết xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong tháng Hai đã giảm mạnh nhất trong vòng 3 năm qua, trong khi nhập khẩu của nước này cũng giảm tháng thứ ba liên tiếp. Điều này dẫn tới nền kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại và dấy lên các cuộc thảo luận về “suy thoái kinh tế” cho dù nhà nước đã đưa ra hàng loạt các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng.
Trong khi đó, chính phủ Mỹ đầu tháng ba loan báo nền kinh tế lớn nhất thế giới vừa tăng trưởng 3,1% trong toàn bộ năm 2018, đạt mục tiêu của Tổng thống Mỹ Donald Trump – điều từng bị những người chỉ trích ông gọi là “không tưởng.”
Tuy nhiên, năm 2018, kinh tế Mỹ tiếp tục chịu thâm hụt lớn về thương mại, đặc biệt với Trung Quốc. Hôm 6/3, chính phủ Mỹ loan báo rằng thâm hụt thương mại hàng hóa của nước này với Trung Quốc vào năm ngoái đã tăng mức cao nhất trong lịch sử.
Theo số liệu của Cục Thống kê Mỹ, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc tăng thêm 44 tỷ USD, đạt mức kỷ lục 419,2 tỷ USD. Xuất khẩu hàng hóa Mỹ sang Trung Quốc giảm 9,6 tỷ USD xuống còn 120 tỷ USD; Trung Quốc xuất hàng hóa vào Mỹ tăng thêm 34 tỷ USD, lên đến mốc 540 tỷ USD.
Tính chung, số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 6/3 cho thấy thâm hụt thương mại và hàng hóa dịch vụ của Mỹ năm 2018 đã chạm mức 621 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2017.
Mức thâm hụt thương mại năm 2018 tương đương 3% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ, tăng so với mức 2,8% trong 2017. Tuy nhiên, tỷ lệ thâm hụt này vẫn thấp hơn mức 6% trong khoảng 10 năm trước khi diễn ra khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế.
Hầu hết các nhà kinh tế vốn không coi thâm hụt thương mại là thước đo sức mạnh của nền kinh tế Mỹ, bởi trong nhiều trường hợp, thâm hụt thương mại giảm chưa chắc đã đồng nghĩa với một nền kinh tế tốt. Minh chứng cho thấy năm 2018, kinh tế Mỹ tăng trưởng đạt mức 3,1%, con số cao nhất trong vòng 13 năm qua. Dù vậy, Tổng thống Trump luôn coi thâm hụt thương mại là kẻ thù đối với tăng trưởng kinh tế và việc làm tại Mỹ, xem đó là tiêu chuẩn quan trọng cho cuộc chiến thương mại kéo dài suốt một năm qua của mình.
Xuân Thành
Từ khóa Donald Trump Quan hệ Mỹ - Trung Kinh tế Mỹ chiến tranh thương mại đàm phán thương mại