Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Năm (17/5) đã cho rằng Trung Quốc đứng sau việc Bắc Hàn đe dọa hủy cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim. Trong khi đó, giới chức Bắc Kinh lên tiếng nhắc nhở các bên liên quan, đặc biệt ám chỉ Bắc Hàn, nên thiện chí gặp nhau để giải quyết vấn đề hạt nhân thông qua đàm phán.

Tap Kim
Ông Tập tiếp ông Kim Jong-un tại thành phố cảng Đại Liên. (Ảnh qua Al Jazeera)

Phát biểu trong cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Nhà Trắng hôm thứ Năm (17/5), ông Trump cho hay: “Chủ tịch Tập Cận Bình có thể gây ảnh hưởng tới Kim Jong-un”. Tổng thống Mỹ chỉ ra rằng lãnh đạo tối cao Bắc Hàn đã tỏ ý sẵn sàng làm việc vì hòa bình và gặp ông trước khi có chuyến thăm Trung Quốc lần hai vừa qua.

Qua các phương tiện truyền thông, Bắc Hàn hôm thứ Tư (16/5) đã tuyên bố hủy cuộc gặp cấp bộ trưởng với Hàn Quốc và đe dọa có thể rút khỏi thượng đỉnh Trump-Kim.

Ông Trump nói rằng ông chưa nghe thấy thông tin cụ thể từ các quan chức Bắc Hàn. Tổng thống Mỹ khẳng định rằng ông mới chỉ biết về việc Bắc Hàn dọa rút lui khỏi thượng đỉnh qua các phương tiện truyền thông.

 “Người của chúng tôi thực tế bây giờ đang làm việc với họ về việc sắp xếp cuộc gặp, có nhiều sự khác biệt so với những gì các bạn đọc được, nhưng đôi khi những gì các bạn đọc, nếu không phải là tin giả, thì đó là sự thật”, ông Trump nói.

Tổng thống Mỹ nói thêm rằng các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc có thể là một phần lý do dẫn tới có những thông tin về việc hủy bỏ thượng đỉnh.

Với các thỏa thuận, chúng ta phải có hai bên cùng muốn đạt được điều đó, ông [Kim] đã rất muốn làm điều đó. Có lẽ họ [hiện giờ] không muốn làm điều đó. Có lẽ họ đã nói chuyện với Trung Quốc”, ông Trump cho biết thêm.

Trước đó một ngày, trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm thứ Tư (16/5), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng gần như khiển trách Bắc Hàn vì đe dọa rút khỏi cuộc gặp thượng đỉnh đã được lên kế hoạch giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong-un vào 12/6 tới tại Singapore.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Bắc Hàn đe dọa “xem xét lại” thượng đỉnh Trump-Kim, hủy cuộc gặp cấp cao với Hàn Quốc và than phiền về cuộc tập trận chung thường niên Mỹ-Hàn, ông Lục Khảng nhìn chung khuyến khích tất cả các bên trên bán đảo Triều Tiên duy trì “động lực hiện tại cho đối thoại và giảm căng thẳng” – chắn chắn đó là thông điệp cho Bình Nhưỡng vì chỉ có họ là bên duy nhất đang đe dọa chấm dứt đàm phàn.

Ông Lục Khảng nói: “Khi giải pháp chính trị hòa bình về vấn đề bán đảo Triều Tiên đang đứng trước những cơ hội quan trọng, tất cả các bên liên quan, đặc biệt là Mỹ và Bắc Hàn, nên gặp nhau giữa chừng, bày tỏ thiện chí và sự chân thành với nhau, cùng nhau tạo ra những điều kiện và không khí khả dĩ cho thượng đỉnh, và thực hiện những nỗ lực có thể vì phi hạt nhân hóa và ổn định lâu dài bán đảo Triều Tiên”.

Chưa rõ phải hiểu chính xác cách ông Lục Khảng kêu gọi “gặp nhau giữa chừng” về phi hạt nhân hóa tổng thể là như thế nào. Washington, Seoul và phần còn lại của thế giới chắn chắn sẽ không thực hiện một thỏa thuận mà ông Kim Jong-un chỉ từ bỏ phân nửa kho vũ khí hạt nhân. Dù sao, phát biểu của ông Lục nhìn chung là khuyến khích các bên thỏa hiệp và duy trì đàm phán.

Ông Lục cũng dùng ngôn từ lấp lửng như vậy với những than phiền của Bắc Hàn về cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Bình Nhưỡng nên mở rộng thêm một chút “thiện chí” với các đối tác đối thoại của mình, trong khi các bên còn lại nên kiềm chế thực hiện “hành động khiêu khích có thể kích hoạt căng thẳng”.

Ông Lục nói: “Chúng tôi hy vọng rằng Hàn Quốc và Bắc Hàn có thể tuân thủ tinh thần đối thoại, hòa giải và hợp tác được đưa ra trong tuyên bố chung Bàn Môn Điếm [hôm 27/4], hiểu đầy đủ và tôn trọng những quan ngại hợp pháp của nhau, làm việc theo định hướng giống nhau, xây dựng niềm tin và cải thiện mối quan hệ song phương, và họ sẽ nhận được sự ủng hộ của chúng tôi trong những nỗ lực này.

Để duy trì và củng cố động lực của tình hình đang cải thiện trên bán đảo Triều Tiên, tất cả các bên liên quan nên thể hiện thiện chí với nhau, tránh các hành động khiêu khích mà sẽ kích hoạt căng thẳng, và thực hiện các nỗ lực có bàn tính để tạo ra những điều kiện và không khí khả dĩ để đạt được giải pháp chính trị cho vấn đề bán đảo Triều Tiên thông qua các cuộc đối thoại.

Lập trường của Trung Quốc về vấn đề bán đảo Triều Tiên là nhất quán. Chúng tôi duy trì rằng tất cả các bên liên quan cần phải thực hiện những hành động cụ thể để tạo dựng niềm tin lẫn nhau, tránh khiêu khích nhau, và nỗ lực đưa vấn đề bán đảo Triều Tiên trở lại với đường ray giải pháp chính trị thông qua đối thoại, tất cả điều này sẽ được hiện thực hóa khi các bên gặp nhau giữa chừng. Đó là lý do tại sao Trung Quốc từ lâu đã ủng hộ đề xuất “đình chỉ để đình chỉ”. Chúng tôi cho rằng đề xuất này sẽ giúp nhau xây dựng niềm tin và tạo lập được các điều kiện cần thiết để giải quyết vấn đề này thông qua đối thoại”.

Đình chỉ để đình chỉ”, được biết đến nhiều hơn với tên gọi “đóng băng để đóng bằng” hoặc “cùng đóng băng” là đề xuất từ lâu của Trung Quốc yêu cầu rằng Bắc Hàn đình chỉ chương trình hạt nhân của họ, đồng thời Mỹ và Hàn Quốc cũng dừng các cuộc tập trận chung trên bán đảo Triều Tiên.

Ngoại giới đánh giá, nếu các bên thực hiện theo đề xuất nêu trên sẽ phù hợp với lợi ích của Trung Quốc vì Bắc Kinh cảm thấy lo lắng về hoạt động của quân đội Mỹ quá gần lãnh thổ của họ và có thể sử dụng hệ thống rada mạnh mẽ để quan sát sâu trong nội địa Trung Quốc.

Trung Quốc được cho là không hài lòng khi ông Kim Jong-un có xu hướng bỏ qua đề xuất quan trọng đó của Bắc Kinh và có vẻ như cũng không đưa yêu cầu quân Mỹ phải rút khỏi bán đảo Triều Tiên là điều kiện tiên quyết cho việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Hùng Cường (T/h)

Xem thêm: