Trung Quốc: Bắt công dân Úc vì phạm tội an ninh quốc gia
- Trần Minh
- •
Trung tâm của vụ căng thẳng Trung-Úc gần đây khiến hai phóng viên cuối cùng của Úc phải rời Trung Quốc là bà Cheng Lei, một người Úc gốc Hoa, đột ngột biến mất cách đây gần một tháng.
Hôm 8/9, Bắc Kinh loan báo bà Cheng, phóng viên nổi tiếng của Đài Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), bị bắt vì tình nghi “có hành vi phạm tội gây nguy hiểm an ninh quốc gia”.
Đài CGTN là một đài truyền hình thuộc nhà nước Trung Quốc.
Thông báo của Trung Quốc về bà Cheng được đưa ra sau 5 ngày căng thẳng ngoại giao Trung – Úc và hai nhà báo Úc cuối cùng làm việc tại Trung Quốc phải nhanh chóng về sau khi bị an ninh “sờ gáy”.
Cả hai nhà báo nói họ bị cảnh sát Trung Quốc thẩm vấn về bà Cheng.
Quan hệ Trung-Úc đang xấu đi rõ rệt sau khi Úc tố cáo Trung Quốc can thiệp chính trị trong nước, đồng thời lên tiếng đòi điều tra nguồn gốc Covid-19.
Cheng Lei là ai?
Theo BBC, Cheng Lei, 45 tuổi, là gương mặt ngôi sao của kênh truyền hình tiếng Anh của nhà nước Trung Quốc, với hàng triệu khán giả. Là một người có quốc tịch Úc, Cheng đang trú tại Bắc Kinh với vai trò phóng viên mảng kinh doanh của CGTN, nổi bật với chương trình “Câu chuyện Trung Quốc”.
Tuy nhiên từ ngày 14/8, bà đột ngột mất tích. Hồ sơ và các phóng sự của Cheng bị xóa sạch khỏi trang web của CGTN, người thân, bạn bè cũng không liên lạc được với bà.
Chính phủ Úc cho biết Cheng đã bị chính phủ Trung Quốc bắt theo diện “giám sát dân sự” ở một địa điểm chưa biết. Các nhà ngoại giao Úc chỉ được phép gặp bà Cheng qua video.
Khi đó, Bắc Kinh không tiết lộ thông tin gì về nguyên nhân bắt bà Cheng, chỉ nói rằng mọi chuyện sẽ được xử lý theo luật.
Hôm qua, người phát ngôn Triệu Lập Kiên của Trung Quốc nói rằng nhà chức trách đã buộc phải hành động với bà Cheng vì bà bị nghi “có hành vi phạm tội gây nguy hiểm an ninh quốc gia”.
Ông Triệu không nói rõ hành vi phạm tội của bà là gì.
Theo BBC, việc bà Cheng mang quốc tịch Úc có thể liên quan đến mối quan hệ đang leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và Úc.
Hai nhà báo khác của Úc thì sao?
Phóng viên Bill Birtles của đài ABC và Mike Smith của tờ Đánh giá Tài Chính Úc đã trở về Úc hôm thứ Ba. Việc này đánh dấu lần đầu tiên từ thập niên 1970, không có nhà báo Úc được hành nghề ở Trung Quốc.
Birtles nói với BBC rằng các nhà ngoại giao Úc đã sớm khuyên ông nên rời Trung Quốc ngay lập tức.
Sau đó ông đặt vé máy bay rời Bắc Kinh vào thứ Năm tuần trước. Nhưng ngay trong nửa đêm thứ Tư, sáu cảnh sát và một phiên dịch Trung Quốc kéo tới căn hộ của Birtles, nói ông liên quan đến “một vụ điều tra an ninh quốc gia” và không được rời khỏi đây.
Ông liên hệ với quan chức lãnh sự Úc ngay lập tức và được đưa tới Đại sứ quán Úc và ở đó 4 ngày.
Trong thời gian này, cảnh Trung Quốc phỏng vấn đã phỏng vấn ông với sự chứng kiến của đại sứ Australia tại Trung Quốc, Graham Fletcher.
Smith, phóng viên tại Thượng Hải, cũng được cảnh sát kéo đến nhà- khiến ông phải đến lãnh sự quán Úc. Cả hai phóng viên đều bị thẩm vấn về Cheng Lei.
“Tôi biết cô ấy, nhưng không rõ lắm. Tôi có lẽ không phải là người hợp lý nhất để thẩm vấn nếu họ muốn có bằng chứng về vụ của cô ấy”, Birtles nói với BBC.
Ngoài ra ông còn bị hỏi về những nguồn tin mà ông dùng khi đưa tin về luật an ninh quốc gia Hồng Hông, cũng như quan hệ của Úc với Trung Quốc.
Hai người đàn ông sau đó đã được phép rời khỏi Trung Quốc để đổi lấy việc đồng ý cho cảnh sát lấy lời khai.
Con cờ chính trị?
Quan hệ Trung-Úc bắt đầu xuống dốc sau khi Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng mạnh mẽ trong khu vực. Canberra cáo buộc Bắc Kinh cố tình gây ảnh hưởng đến xã hội Úc.
Năm 2018, chính phủ Úc cấm Huawei tham gia mạng 5G vì lý do an ninh. Ngoài ra Úc còn ban hành luật chống nước ngoài can thiệp được cho là để đối phó với sức ảnh hưởng từ Trung Quốc.
Năm nay, căng thẳng còn leo thang hơn khi Úc kêu gọi quốc tế hợp lực điều tra nguồn gốc của của virus corona. Bắc Kinh nói đây là âm mưu công kích Trung Quốc không công bằng.
Đáp lại, Trung Quốc cấm thịt bò, rượu vang và lúa mạch xuất khẩu từ Úc.
Tuy vậy, giới chức Úc e ngại công khai nói các đòn kinh tế của Trung Quốc là đáp trả căng thẳng chính trị.
Ngoại trưởng Úc Marise Payne bác bỏ suy đoán của một nhà báo rằng bà Cheng bị bắt “làm con tốt để Trung Quốc trả đũa Úc”.
“Tôi sẽ không nói về sự việc này theo cách đó”, bà Payne nói. “Cách hiểu đó chỉ là suy đoán. Công việc của chúng tôi là đảm bảo ủng hộ bà ấy đầy đủ nhất”.
Trước bà Cheng, Trung Quốc đã bắt một công dân Úc khác, nhà văn Yang Hengjun. Ông này bị bắt vào tháng 1/2019, sau đó bị kết tội gián điệp.
Quan chức Úc liên tục chỉ trích điều kiện tồi tệ mà Trung Quốc giam cầm ông Yang, cũng như lo ngại về sức khỏe của công dân của mình.
Vụ Trung Quốc bắt hai công dân Canada vào năm ngoái khiến người ta liên tưởng tới vụ việc này. Trung Quốc phủ nhận việc họ bỏ tù hai người Canada vì “tội gián điệp” là có liên quan đến vụ Canada bắt “công chúa” Mạnh Vãn Châu của Huawei. Nhưng nhiều nhà phân tích coi vụ này là hành vi ăn miếng trả miếng, theo BBC.
Geoff Raby, cựu Đại sứ Úc tại Trung Quốc, cũng là một người bạn lâu năm của bà Cheng nói thời điểm bà bị bắt rất đáng ngờ.
“Thật quá ngây thơ khi nghĩ vụ này không có chút nào liên quan đến quan hệ song phương”, ông Raby nói với BBC.
Trần Minh
Xem thêm:
Từ khóa Trung Quốc Úc bắt cóc Dòng sự kiện mối quan hệ Trung Quốc - Úc