Trung Quốc không muốn các quan chức nước ngoài tiếp xúc với Đức Đạt Lai Lạt Ma
- Tân Bình
- •
Kể từ năm 1959 đến nay, chính quyền Trung Quốc vẫn luôn gây sức ép với nước ngoài để các quan chức quốc tế xa lánh Đức Đạt Lai Lạt Ma – lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng. Quan điểm này một lần nữa được một quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhắc lại với Reuters trong một cuộc trao đổi bên lề Đại hội 19 tại Bắc Kinh.
Đức Đạt Lai Lạt Ma có chuyến thăm nước Ý trong 3 ngày vào tháng 9/2017.
Ông Zhang Yijiong, người đứng đầu nhóm công tác về Tây Tạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, sáng thứ Bảy (21/10) nói với tờ báo Anh Reuters rằng các lãnh đạo nước ngoài không thể nghĩ rằng họ vẫn có thể gặp lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, Đạt Lai Lạt Ma chỉ vì cho rằng họ tiếp xúc với tư cách cá nhân, nhưng họ phải biết rằng dù gì họ vẫn đang là đại diện cho chính phủ của họ.
Ông Zhang, người cũng đang giữ chức Thứ trưởng Bộ Công tác Mặt trận Thống nhất, trực tiếp nhiều lần đàm phán không thành công với các đại diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhấn mạnh rằng không có lý do nào để biện hộ cho việc gặp mặt lãnh đạo Tây Tạng lưu vong.
“Mặc dù một số người nói rằng Đạt Lai Lạt Ma là nhân vật tôn giáo, chúng tôi không xuất hiện với tư cách đại diện cho chính phủ, đó là hành động cá nhân của các quan chức, nhưng điều này là không chính xác”, Reuters dẫn lời ông Zhang.
Vị quan chức của ĐCSTQ nói thêm rằng: “Các quan chức, vai trò của họ là đại diện cho quốc gia, đại diện cho chính phủ của họ tham dự tất cả các hoạt động liên quan đến nước ngoài. Vì vậy, tôi hy vọng các chính phủ trên thế giới hãy nói và làm [hết sức] thận trọng và có tính toán đầy đủ tới tình hữu nghị của họ với Trung Quốc và tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc”.
Trước nay, các chuyến viếng thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma đến các nước khác đều làm cho Trung Quốc tức giận, và ngày càng ít các nhà lãnh đạo quốc gia sẵn sàng gặp ông vì lo ngại khiến Trung Quốc phật lòng. Tuy nhiên, cũng có một số nước đã cố gắng xoa dịu Bắc Kinh bằng cách nói rằng các quan chức của họ đã gặp lãnh đạo tinh thần Tây Tạng với tư cách cá nhân, không phải là các cuộc tiếp xúc ngoại giao chính thức.
Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát Tây Tạng vào năm 1950 trong một hoạt động mà giới chức Bắc Kinh gọi là “giải phóng hòa bình“. Sau đó, chính quyền Trung Quốc đã gây sức ép buộc các chính phủ nước ngoài xa lánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Bắc Kinh sử dụng đòn bẩy kinh tế để trừng phạt những nước tiếp đón lãnh đạo tinh thần Tây Tạng.
Bên cạnh việc cô lập Đức Đạt Lai Lạt Ma, Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc quốc tế cáo buộc họ xâm phạm nhân quyền tại Tây Tạng. Chính quyền Bắc Kinh nói rằng luật lệ của họ đã đem lại sự thịnh vượng cho vùng núi hẻo lánh, lạc hậu này và họ đang tôn trọng đầy đủ các quyền tự do tôn giáo và văn hóa của người Tây Tạng.
Sơ lược về Đức Đạt Lai Lạt MaĐức Đạt Lai Lạt Ma là lãnh đạo thứ 14 của người Tây Tạng, tên tiếng Tạng là Tenzin Gyatso. Ông sinh tại làng Taktser, Amdo, Tây Tạng vào tháng 7/1935 và được chỉ định là người kế vị của Đức Đạt Lai Lạt Ma 13 vào năm 1937, chính thức được tuyên bố là Đạt Lai Lạt Ma 14 vào năm 1939. Lễ nhậm chức của Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 được tổ chức tại Lhasa vào ngày 22/2/1940, và sau đó ông đã đảm nhiệm các nhiệm vụ (chính trị) đầy đủ vào ngày 17/11/1950, ở tuổi 15. Sau khi lãnh đạo cuộc nổi dậy chống chính quyền cộng sản Trung Quốc thất bại vào năm 1959, Đức Đạt Lai Lạt Ma phải trốn chạy sang Ấn Độ và hiện tại ông vẫn đang tị nạn chính trị tại quốc gia Nam Á này. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được nhận giải Nobel Hòa Bình vào năm 1989. Hiện nay, Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn đi khắp thế giới để thuyết giảng về các chủ đề khác nhau của giáo lý Đại thừa và Kim cương thừa, cùng nhiều lĩnh vực đa dạng khác như cuộc sống của người Tây Tạng, môi trường, kinh tế, quyền phụ nữ, phi bạo lực, đối thoại đa đức tin, vật lý, thiên văn học, Phật giáo và khoa học và thần học nhận thức. |
Tân Bình (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng