Trung Quốc lên án G7 “thao túng chính trị” sau khi bị chỉ trích về Tân Cương, Hồng Kông
- Ngân Hà
- •
Hôm thứ Hai (14/6), Trung Quốc đã cáo buộc G7 “thao túng chính trị” sau khi các nước này chỉ trích Bắc Kinh về hồ sơ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Hồng Kông.
Trong một thông cáo sau Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày ở Anh, các nhà lãnh đạo G7 đã lên án Trung Quốc về những hành vi lạm dụng, bức hại đối với người thiểu số ở khu vực Tân Cương và các nhà hoạt động ở Hồng Kông. Ông Biden cũng kêu gọi Bắc Kinh “bắt đầu hành động có trách nhiệm hơn về quyền con người”.
“Chúng tôi sẽ thúc đẩy các giá trị của mình, bao gồm cả việc kêu gọi Trung Quốc tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản”, thông cáo của G7 viết.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Vương quốc Anh đã phản ứng giận dữ vào hôm thứ Hai, và cáo buộc G7 “can thiệp vào việc nội bộ của đất nước”.
“Nhóm G7 người lợi dụng các vấn đề liên quan đến Tân Cương để thao túng chính trị và can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, điều mà chúng tôi kiên quyết phản đối”, phát ngôn viên của Đại sứ quán cho biết trong một tuyên bố.
Tuyên bố cáo buộc G7 là “dối trá, tung tin đồn và cáo buộc vô căn cứ”.
Các nhóm nhân quyền cho biết Trung Quốc đã đưa ước tính khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương vào các trại giam giữ, mà Bắc Kinh nói là nhằm tiêu diệt chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Tại Hội nghị thượng đỉnh mặt-đối-mặt lần đầu tiên sau gần hai năm kể từ khi đại dịch xảy ra, các nhà lãnh đạo của bảy quốc gia đã công bố một số cam kết về tiêm chủng COVID-19, biến đổi khí hậu, các quyền và thương mại.
Lãnh đạo G7 cũng kêu gọi một cuộc điều tra mới ở Trung Quốc về nguồn gốc của COVID-19. Đáp lại, Đại sứ quán Trung Quốc trả lời rằng việc điều tra cần được thực hiện một cách “khoa học, khách quan và công bằng”, nhưng không đồng ý với một cuộc điều tra mới.
“Dịch bệnh hiện nay vẫn đang hoành hành trên khắp thế giới, và công việc truy xuất nguồn gốc nên được thực hiện bởi các nhà khoa học toàn cầu và không nên chính trị hóa”, Đại sứ quán nói.
Virus corona lần đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019. Tổ chức Y tế Thế giới sau rất nhiều trì hoãn đã cử một nhóm chuyên gia quốc tế đến đây vào tháng Giêng năm nay, hơn 1 năm sau khi đại dịch diễn ra, để tìm hiểu về nguồn gốc của virus.
Các báo cáo của nhóm điều tra công bố hồi tháng 3 đã không đưa ra kết luận chắc chắn nào, và kể từ đó cuộc điều tra đã vấp phải chỉ trích vì thiếu minh bạch và thiếu khả năng tiếp cận.
G7 cũng đã công bố một quỹ cơ sở hạ tầng mới mà Tổng thống Biden cho rằng sẽ “công bằng hơn nhiều” so với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Phản hồi lại, Đại sứ quán Trung Quốc đã cho rằng “những cáo buộc chống lại Trung Quốc về các vấn đề kinh tế và thương mại trong thông cáo chung là không phù hợp với sự thật và không hợp lý”.
Ngân Hà (theo AFP)
Xem thêm:
Từ khóa Nhân quyền Tân Cương Hội nghị thượng đỉnh G7 G7 lên án Trung Quốc