Đông Nam Á kỳ vọng ông Trump làm rõ lập trường ở Biển Đông
- Tuyết Mai
- •
Ngày 10/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Đà Nẵng – Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Tại hội nghị này, ông Trump sẽ làm rõ Chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ở Trung Quốc
Đông Nam Á lo lắng vấn đề hạt nhân Triều Tiên sẽ ảnh hưởng lập trường của Mỹ ở Biển Đông
Trong giai đoạn tranh cử, ông Trump đã nhiều lần lên án hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc ở vùng Biển Đông, nhưng trong 9 tháng nhậm chức vừa qua dường như vấn đề này bị xem nhẹ. Trong buổi nói chuyện công khai ở Bắc Kinh vào thứ Năm vừa qua, Trump đã tranh thủ tăng áp lực đối với ông Tập Cận Bình về vấn đề Triều Tiên, nhưng lại không đề cập đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Hôm Thứ Tư, trong buổi thảo luận tại Trung tâm Tư vấn chiến lược Đông và Tây phương tại Washington (East-West Center), ông David Shear, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và từng là Đại sứ tại Việt Nam đã lần đầu lên tiếng rằng, các nước Đông Nam Á không rõ phương hướng của Mỹ đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong tương lai, họ cảm thấy Mỹ lạnh nhạt.
David Shear nói: “Các nước Đông Nam Á thấy Mỹ vô cùng chú trọng vấn đề Triều Tiên, thấy Mỹ cũng rất chú trọng Vùng Vịnh, họ không thấy khu vực Đông Nam Á được sự quan tâm cần thiết.”
Tillerson: Mỹ tiếp tục bảo vệ quyền tự do đi lại
Nhưng hôm thứ Năm ông Ngoại trưởng Tillerson nói với báo chí rằng, trong dịp Tổng thống Trump thăm Bắc Kinh cũng đã đề cập “thẳng thắn” vấn đề an ninh hàng hải và vấn đề Biển Đông.
Tillerson nói: “Chúng ta phải kiên quyết bảo vệ quyền tự do đi lại, kiên quyết giữ gìn luật pháp quốc tế, nên chấm dứt hoạt động tạo đảo và quân sự hóa, để tạo khả năng lớn nhất cho những nỗ lực ngoại giao thành công.”
Ông David Shear cho biết, chính sách Đông Nam Á của Chính phủ Trump không rõ ràng, địa vị của Mỹ tại khu vực này bị tổn hại.
Trả lời phỏng vấn VOA, ông David Shear cho biết: “Các nước Đông Nam Á rất chú ý độ quan tâm của Chính phủ Mỹ kỳ này đối với khu vực khác ngoài Triều Tiên. Họ hy vọng được thấy chính sách rõ ràng hoàn chỉnh của Mỹ, không chỉ trong vấn đề an ninh mà còn bình diện thương mại làm sao có thể tin cậy.”
Ông còn nói: “Hiện nay chúng ta không có được chính sách như thế.”
Mỹ và Trung Quốc tranh giành lôi kéo Việt Nam
Trong tình trạng Trung Quốc hung hăng ép người trong tranh chấp lãnh hải, Việt Nam là một trong những nước cứng rắn nhất lên tiếng trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Việt Nam đã công khai ủng hộ kết quả phán quyết của Trọng tài Toà án Quốc tế Hague về Biển Đông do Philippines khởi kiện, đồng thời cũng tán thành các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã được nâng cấp toàn diện trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Obama. Sau khi Trump trở thành tổng thống, dù Mỹ rút khỏi thoả thuận thương mại TPP, nhưng các quan chức Nhà Trắng vẫn cho biết Mỹ cam kết tiếp sẽ tiếp tục duy trì quan hệ Mỹ-Việt.
Trong bối cảnh quan hệ Việt – Mỹ ngày càng tăng cường, rõ ràng Trung Quốc cũng muốn gần gũi hơn với Việt Nam. Sau khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng, sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Ngày 9/11, báo Nhân dân Việt Nam có đăng bài phát biểu của Tập Cận Bình, bài viết không đề cập đến tranh chấp vùng biển, nhưng ông Tập cho biết: “Hai bên cần nắm chắc phương hướng, tìm kiếm chiến lược đưa niềm tin tưởng lẫn nhau lên tầm cao mới.”
Tuy nhiên, một số nhà phân tích tin rằng nếu Mỹ chỉ muốn tăng cường quan hệ Mỹ-Trung Quốc mà bỏ rơi Việt Nam thì Việt Nam sẽ rất khó khăn để giữ cân bằng trong quan hệ giữa hai nước.
Ông David Shear, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho hay, Trung Quốc thường nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Trung – Mỹ để hạ thấp “cảm giác tồn tại” ở các nước Đông Nam Á.
Ông Shear nói: “Đông Nam Á rất nhạy cảm về quan hệ Trung-Mỹ… Nói chung, khi nguyên thủ hai nước thăm viếng nhau thuận lợi, Trung Quốc muốn ra tín hiệu với khu vực Đông Nam Á: ‘Chúng tôi và Mỹ có mối quan hệ rất tốt, vấn đề các vị quan tâm không quan trọng với Mỹ’. Đây là thông điệp thường thấy của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, lần này Trung Quốc cũng làm như thế sau chuyến thăm Bắc Kinh của ông Trump.”
Liệu tổng thống Philippines có đầu hàng Trung Quốc?
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana cho biết, vì chính quyền Bắc Kinh phản đối, Tổng thống Rodrigo Duterte đã ra lệnh cho quân đội phải hủy bỏ kế hoạch xây dựng nhà gỗ cho ngư dân ở vùng đất bồi nằm trong trong vùng biển Biển Đông đang tranh chấp.
Vùng đất bồi nằm ở gần đảo Thị Tứ mà Philippines gọi là Pag-Asa, và Philippines xem đây là lãnh thổ của họ. Quyết định của ông Rodrigo Duterte được xem là nhẹ nhàng phục tùng Trung Quốc, đã bị các thành viên của quốc hội Philippines chỉ trích.
Tuy nhiên vào hôm Thứ Tư Tổng thống Philippines cũng cho biết, trong lần tham dự APEC tại Đà Nẵng – Việt Nam lần này, ông sẽ yêu cầu ông Tập Cận Bình nói rõ ý định của Trung Quốc tại Biển Đông.
Trước khi khởi hành đến Việt Nam, ông Rodrigo Duterte cho biết: “Các vị (Trung Quốc) đang muốn kiểm soát con đường đi lại vùng biển? Hay là chúng ta cùng có quyền tự do đi lại? Liệu chúng tôi có bị can nhiễu cấm cản khi lưu thông trên vùng hẹp từ Ấn Độ Dương đến tỉnh Palawan?”
Cùng lúc, ông Lorenzana – Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho biết, hai nước Trung Quốc và Philippines sẽ thảo luận và quyết định xây dựng bộ quy tắc quân sự trên biển, tránh để xảy ra hành động quân sự sai lầm trên vùng biển này.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa tranh chấp biển Đông APEC 2017 Donald Trump thăm Việt Nam