Trung Quốc yêu cầu một số nước ngừng ‘thêm dầu vào lửa’ ở Ukraine
- Vy An
- •
Hôm 21/2, Ngoại trưởng Tần Cương của Trung Quốc cho biết nước này “quan ngại sâu sắc” rằng xung đột tại Ukraine có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, đồng thời kêu gọi một số quốc gia ngừng “thêm dầu vào lửa”, với ngụ ý chỉ trích Hoa Kỳ.
(Ông Putin và ông Vương Nghị/Ảnh minh họa: Getty Images)
Năm ngoái Bắc Kinh đã thiết lập quan hệ đối tác “không giới hạn” với Moscow, từ đó không lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Phía Hoa Kỳ đã cảnh báo về hậu quả nếu Trung Quốc hỗ trợ quân sự cho Nga, tuy nhiên Bắc Kinh vẫn khẳng định rằng nước này không làm như vậy.
Ông Tần phát biểu tại một diễn đàn được tổ chức tại Bộ Ngoại giao: “Trung Quốc vô cùng lo lắng rằng cuộc xung đột Ukraine sẽ tiếp tục leo thang hoặc thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát.”
“Chúng tôi kêu gọi một số quốc gia ngay lập tức ngừng đổ thêm dầu vào lửa” đồng thời “ngừng cường điệu hóa rằng ‘hôm nay là Ukraine, hôm sau [sẽ đến] Đài Loan'”, lời cảnh báo của ông Tần dường như nhắm vào Hoa Kỳ.
Bình luận của ông Tần được đưa ra khi hãng thông tấn TASS của Nga thông báo nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị sẽ đến Moscow vào ngày 21/2 và trước một “bài phát biểu hòa bình” mà Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ đưa ra vào ngày 24/2, ngày kỷ niệm cuộc xâm lược Ukraine.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhân định chuyến thăm Nga của ông Vương sẽ là cơ hội để thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai nước.
Ông Uông Văn Bân phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ: “Trung Quốc sẵn sàng tận dụng cơ hội hợp tác với Nga để thúc đẩy quan hệ song phương theo định hướng do hai nguyên thủ quốc gia đề ra.”
Cũng trong ngày 21/2, Trung Quốc đã công bố một bài báo về Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) – đề xuất an ninh hàng đầu của ông Tập nhằm duy trì nguyên tắc “an ninh không thể chia cắt”, một khái niệm được Moscow tán thành.
Nga đã khẳng định rằng các chính phủ phương Tây tôn trọng thỏa thuận năm 1999 dựa trên nguyên tắc “an ninh không thể chia cắt”, trong đó quy định không quốc gia nào được quyền củng cố an ninh của chính mình bằng cách gây bất lợi cho nước khác.
Hôm 20/2, trong thời gian dừng chân ở Hungary, ông Vương Nghị đã kêu gọi một giải pháp thương lượng cho cuộc chiến ở Ukraine.
Cùng ngày, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã có chuyến thăm bất ngờ tới Kyiv để thể hiện tình đoàn kết, hứa hẹn viện trợ quân sự trị giá 500 triệu USD cho Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với giới tinh hoa Nga sẽ được công bố đầy đủ trong tuần này.
Bắc Kinh đã không lên án cuộc chiến chống lại Ukraina của Nga, cũng không gọi đó là một “cuộc xâm lược”. Điện Kremlin vốn mô tả đó là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” được đề ra để bảo vệ an ninh của chính nước Nga.
Chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra từ ngày 24/2/2022, là một trong những cuộc xung đột đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai và là cuộc đối đầu lớn nhất giữa Moscow và phương Tây kể từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.
‘Vũ khí gây chết người’
Hoa Kỳ coi Trung Quốc và Nga là 2 mối đe dọa an ninh quốc gia lớn nhất của mình, trong bối cảnh ông Tập đứng về phía Tổng thống Nga Vladimir Putin, chống lại áp lực cô lập Moscow của phương Tây.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm 18/2 cảnh báo rằng Hoa Kỳ rất lo ngại việc Trung Quốc đang xem xét cung cấp những “hỗ trợ có khả năng gây chết người” cho Nga, điều mà ông Blinken đã nói với ông Vương “sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng” trong mối quan hệ hai bên.
Trả lời phỏng vấn NBC News, ông Blinken lên tiếng: “Có nhiều loại hỗ trợ gây chết người mà ít nhất họ đang dự tính cung cấp, bao gồm cả vũ khí”.
Quan chức đối ngoại hàng đầu của Liên minh châu Âu Josep Borrell hôm 20/2 đã cảnh báo việc Trung Quốc gửi vũ khí cho Nga, nói rằng đó sẽ là một “lằn ranh đỏ”.
Bất kỳ hoạt động cung cấp vũ khí nào của Trung Quốc cho Nga đều có nguy cơ làm leo thang cuộc chiến Ukraine thành một cuộc đối đầu giữa một bên là Nga – Trung và một bên là Ukraine cùng liên minh quân sự NATO do Mỹ đứng đầu.
Trước đó, Bắc Kinh đã nhiều lần cáo buộc Washington leo thang xung đột bằng cách cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Từ khóa Chiến tranh Nga - Ukraine Trung Quốc gửi vũ khí cho Nga