Tù chính trị Duy Ngô Nhĩ được trao giải nhân quyền EU
- Như Ngọc
- •
Ông IIham Tohti – nhà hoạt động, học giả người Duy Ngô Nhĩ nổi tiếng – hôm thứ Tư (18/12) đã được trao giải nhân quyền hàng đầu Liên minh Châu Âu (EU) – Giải thưởng Sakharov vì tự do tư tưởng. Cô Jewher Ilham, con gái của ông Tohti đã thay mặt người cha đang chịu án tù chung thân tại Trung Quốc, nhận thải thưởng rất có ý nghĩa này.
Phát biểu tại biểu lễ trao giải với sự góp mặt của các nhà lập pháp EU, cô Jewher Ilham nói: “Thật không may khi cha tôi không thể tự mình nhận giải thưởng này.”
Cho đến trước khi bị chính quyền Trung Quốc tống giam vì các tội danh liên quan tới ly khai, ông Ilham Tohti đã làm việc không biết mệt mỏi để khiến cộng đồng thế giới chú ý tới hoàn cảnh của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, miền tây Trung Quốc.
Năm 2006, ông Tohti đã thiết kế trang web Duy Ngô Nhĩ Trực tuyến để cập nhật thông tin về tình hình Tân Cương. Ông Tohti đã viết nhiều bài vạch trần chế độ Bắc Kinh ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ và nỗ lực đồng hóa cưỡng bức. Trang web này sau đó đã bị giới chức Trung Quốc đóng vì cho rằng nó ủng hộ chủ nghĩa cực đoan.
Trả lời phỏng vấn trang tin DW trước buổi lễ trao giải, cô Jewher Ilham nói: “Cha tôi chưa bao giờ nói một lời nào về ly khai đất nước này… Ông ấy trước nay chưa bao giờ đề cập hoặc thực hiện hành vi bạo lực. Do đó tôi rất tự tin nói rằng những tội danh mà chính quyền Trung Quốc gán ghép cho cha tôi là cực kỳ vô lý. Cha tôi luôn luôn tin rằng nếu có vấn đề, chúng ta có thể sửa nó. Và ông muốn sửa vấn đề này.”
Tân Cương có ‘giá trị chính trị to lớn’
Hiện tại cộng đồng quốc tế không biết chính xác có bao nhiêu người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ trong các trại tập trung tại Tân Cương. Theo các báo cáo của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân quyền, mọi người dân tại Tân Cương nếu lên tiếng chống lại chính quyền Trung Quốc đều bị đưa vào “chương trình cải tạo” và không được phép rời đi cho tới khi nào các nhà chức trách tin rằng những người này sẽ không còn công khai chỉ trích Bắc Kinh nữa. Những nạn nhân bị đàn áp sợ hãi không dám lên tiếng tố cáo chế độ Bắc Kinh vì họ sợ gia đình họ có thể bị trả đũa.
Cô Jewher Ilham kết luận lợi ích mà Bắc Kinh có tại Tân Cương và tại sao chế độ này đã đang khuyến khích nhiều người Hán tới khu vực này: “Khu vực Duy Ngô Nhĩ có giá trị địa chính trị to lớn. Nơi đây chiếm 1/6 diện tích đất liền Trung Quốc, nhưng chỉ chiếm 1% dân số cả nước, vì vậy nó có thể giải quyết được tình trạng quá tải dân số”.
>>ĐCSTQ đưa đàn ông Hán tới ở ngày đêm với phụ nữ Duy Ngô Nhĩ
Như Ngọc
Từ khóa Đàn áp nhân quyền Dòng sự kiện Tân Cương Duy Ngô Nhĩ