Twitter thông qua chiến lược phòng thủ “thuốc độc” để ngăn ông Musk thâu tóm công ty
- Tạ Vũ
- •
Không lâu sau khi tỷ phú Elon Musk, người giàu nhất thế giới hiện nay, đề xuất “mua đứt” Twitter với giá 43 tỷ USD, công ty này đã tuyên bố thông qua việc áp dụng chiến lược phòng thủ “thuốc độc (poison pill)” nhằm ngăn chặn khả năng thâu tóm Twitter của cổ đông lớn nhất – CEO Tesla và SpaceX. Trước đó, ông chia sẻ rằng Twitter sẽ không phát triển mạnh mẽ cũng như không phục vụ cho yêu cầu tự do ngôn luận của xã hội nếu cứ vận hành như hiện tại.
Theo đó, ban lãnh đạo Twitter thống nhất rằng kế hoạch cho phép cổ đông hiện hữu có quyền mua thêm cổ phiếu với giá chiết khấu (nhờ vậy giảm thiểu ảnh hưởng của người mua) sẽ được kích hoạt khi một bên mua ít nhất 15% cổ phần doanh nghiệp mà không có sự chấp thuận của ban lãnh đạo. Kế hoạch này có thời hạn trong 1 năm và sẽ hết hiệu lực vào ngày 14/04/2023.
Với chiến lược phòng thủ “thuốc độc”, bất cứ ai nắm quyền kiểm soát mạng xã hội này thông qua tích lũy cổ phiếu trên thị trường mở đều phải trả cho tất cả cổ đông một khoản phí kiểm soát thích hợp. Theo các chuyên gia, đây là công cụ mạnh để một doanh nghiệp chống lại nguy cơ bị thâu tóm.
Kế hoạch này được đưa ra sau khi CEO Elon Musk, người đàn ông giàu nhất thế giới, đưa ra đề nghị tư nhân hóa Twitter với giá 54,2 USD/cổ phiếu, tương đương định giá công ty đạt 43 tỷ USD. Ông cũng nói rằng đây là lời đề nghị “tốt nhất và cuối cùng” của mình. Trước đó, ông Musk đã mua 9,2% cổ phần Twitter và trở thành cổ đông lớn nhất của hãng này.
Trên thực tế, Twitter coi Elon Musk là một nhà đầu tư chủ động (Activist Investor). Đây là thuật ngữ để chỉ những nhà đầu tư mua và nắm giữ số lượng cổ phần lớn tại một doanh nghiệp và giữ chức vụ trong ban lãnh đạo nhằm mang đến những thay đổi lớn trong doanh nghiệp đó. Một doanh nghiệp có thể trở thành mục tiêu của các nhà đầu tư chủ động nếu nó bị quản lý sai cách, có chi phí hoạt động quá cao hoặc có thể trở nên hiệu quả hơn nếu trở thành công ty tư nhân, những điều mà nhà đầu tư chủ động tin họ có thể khắc phục để làm tăng giá trị doanh nghiệp.
Trong một bức thư gửi tới ban lãnh đạo của Twitter, ông Musk cho biết bản thân mình tin rằng Twitter sẽ không phát triển mạnh mẽ cũng như không phục vụ cho yêu cầu tự do ngôn luận của xã hội nếu cứ vận hành như hiện tại và Twitter cần phải được chuyển đổi sang hình thức một công ty tư nhân. Hôm 10/4 vừa qua, CEO Twitter Parag Agrawal thông báo rằng tỷ phú Elon Musk đã quyết định không tham gia vào ban lãnh đạo của công ty truyền thông xã hội này.
Tháng trước, tỷ phú Elon Musk từng chia sẻ ông đang “suy nghĩ nghiêm túc” về việc xây dựng một nền tảng truyền thông xã hội mới.
Am giving serious thought to this
— Elon Musk (@elonmusk) March 27, 2022
Ông Musk hiện có trên 80 triệu người theo dõi trên Twitter kể từ khi tham gia vào năm 2009 và đã sử dụng nền tảng này để đưa ra nhiều thông báo.
Theo danh sách tỷ phú dựa trên thời gian thực của tạp chí Forbes, giá trị tài sản ròng của CEO Elon Musk của hãng Tesla và SpaceX đã đạt mốc kỷ lục 267,3 tỷ USD vào hôm 24/3 vừa qua. Vị CEO 50 tuổi này được dự đoán trở thành người đầu tiên tích lũy tài sản ròng 1 nghìn tỷ USD vào năm 2024, theo phân tích xu hướng tăng trưởng trung bình hàng năm của Tipalti Approve.
Trước đó, CEO Elon Musk đã gửi đến Ukraine 2 lô hàng gồm các thiết bị Internet vệ tinh Starlink của SpaceX cũng như các thiết bị hỗ trợ để dùng Internet ở những nơi không có điện trong bối cảnh nước này đang bị Nga tấn công.
Tạ Vũ (tổng hợp)
Từ khóa Elon Musk Twitter Dòng sự kiện