Quan hệ tốt về kinh tế với Nga sau chiến tranh là điều “tuyệt đối phải làm” theo nhận định của Cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma trong phỏng vấn với truyền thông nội địa hôm Thứ Hai, và đối với các nước láng giềng, thì Kiev phải “không tự cho phép mình đối xử với láng giềng theo cách mà chính mình không thể cho phép họ đối xử với mình.” Ông nhìn nhận sự biến Euromaidan 2014 là “đụng độ giữa xã hội và chính phủ,” khiến Ukraine bị chia rẽ sâu sắc, và đến nay “các vết rạn đã xuyên suốt tảng đá.”

241030LeonidKuchma
Tổng thống thứ hai của Ukraine (1994-2005) Leonid Kuchma (ảnh chụp tại văn phòng tổng thống ngày 6/6/2019, Shutterstock / photowalking)

Bình thường hóa quan hệ với Nga sau chiến tranh

Trong bài phỏng vấn, Kuchma tin rằng sau khi chiến tranh kết thúc, thì bình thường hóa quan hệ với Nga là điều có thể làm được, và bắt buộc phải làm nếu Kiev muốn phát triển tốt. Mặc kệ Moskva hay Kiev muốn hay không, thì hai nước Nga và Ukraine vẫn là láng giềng, ông lập luận. Thời gian qua đi, thì không chỉ Kiev sẽ thay đổi, mà Moskva cũng sẽ đổi thay.

Ông đưa ra ví dụ về nước Đức. Sau khi Đại Thế chiến II kết thúc, người Đức đã thật lòng ăn năn hối hận và triệt để xóa bỏ Chủ nghĩa Phát xít, tẩy sạch hoàn toàn. Và như lịch sử cho thấy, Đức lại có được quan hệ hữu hảo với các nước láng giềng, và lại trở thành một quốc gia thịnh vượng.

“Sau chiến tranh, các mối liên hệ kinh tế với Nga đối với Ukraine không chỉ có thể thực hiện được, mà còn tuyệt đối phải làm! Nếu không chúng ta sẽ làm sao nhận được tiền bồi thường?” ông lập luận.

Nước Nga giàu có về tài nguyên, Ukraine có lợi thế của mình, do đó bình thường hóa quan hệ, bang giao kinh tế là có lợi. Tuy nhiên, theo ông thì Nga cũng cần từ bỏ đường lối “đế quốc” của mình.

Truyền thông Ukraine và phương Tây thường xuyên miêu tả Tổng thống Nga Vladimir Putin ôm mộng đế vương và mang tư tưởng bành trướng của “chủ nghĩa đế quốc”, diễn giải rằng đó là nguyên nhân của cuộc chiến nổ ra vào ngày 24/2/2022. Kiev coi đó là chiến tranh vệ quốc bảo toàn lãnh thổ và quyền tự do dân chủ. Nga luôn luôn bác bỏ cáo buộc ấy, tuyên bố rằng Nga chỉ lo cho an ninh của mình. Nga tiến hành “hoạt động quân sự đặc biệt” tấn công Ukraine là do sự mở rộng của NATO, đảo chính Kiev 2014, và tiếp đó là Kiev phá vỡ hòa ước Minsk, dẫn tới Nga buộc phải tự vệ. Moskva coi chiến tranh Ukraine là chống lại NATO trong một cuộc chiến tranh ủy nhiệm.

Về câu chuyện “bồi thường” sau chiến tranh, hồi tháng 2, một cố vấn của tổng thống Ukraine tuyên bố rằng họ đang theo đuổi một khoản bồi thường trị giá 1.000 tỷ USD. Trước đó, năm ngoái, thủ tướng nước này tuyên bố họ kỳ vọng khoản bồi thường trị giá 750 tỷ USD.

Phương Tây đã đóng băng khối tài sản của Nga trị giá khoảng 300 tỷ USD, và cảnh báo rằng chừng nào Nga không bồi thường đầy đủ chiến tranh Ukraine thì sẽ không giải tỏa.

Về phía Nga, Moskva cũng tuyên bố họ đang cân nhắc đòi bồi thường sau chiến tranh, theo một nhà ngoại giao Nga nói trong tháng này, và theo các con số thống kê của Nga nếu cộng các khoản thiệt hại thì tổng số có thể là từ vài trăm triệu USD cho tới 145 tỷ USD. Khoản lớn nhất trong đó là các thiệt hại mà chính quyền Kiev gây ra tại Crimea (Crưm) sau khi bán đảo này sáp nhập vào Nga, sau khi nhân dân ở đó phủ định chính quyền Kiev kể từ vụ đảo chính 2014.

Hiện nay, kể từ 2022 Nga đã sáp nhập thêm 4 tỉnh phía Đông của Ukraine vào bản đồ của mình. Trên thực tế quân Nga chưa chiếm được hết toàn bộ 4 tỉnh này. Phần quân Nga chiếm được là gần 20% diện tích Ukraine.

Mặc dù Kuchma nhận định rằng việc bình thường hóa quan hệ kinh tế với Nga là bắt buộc phải làm nếu Kiev muốn phát triển tốt sau chiến tranh, nhưng ông vẫn nhấn mạnh rằng “chúng ta sẽ không bao giờ lãng quên lịch sử, đặc biệt là giai đoạn gần đây của lịch sử.”

Hữu hảo song phương với láng giềng

Khi được hỏi về chính sách đối ngoại với các quốc gia láng giềng như Ba Lan, Slovakia, Hungary, và Romania, thì Kuchma đưa ra “một phương án là tôn trọng lẫn nhau (mutual respect). Không tự cho phép mình đối xử với láng giềng theo cách mà chính mình không thể cho phép họ đối xử với mình.”

Kuchma nói rằng Thủ tướng Hungary Viktor Orban sẽ rất khó biện minh cho những việc khó dễ mà ông ta đang gây ra cho Ukraine, nếu mà Kiev hôm nay đối xử mềm mỏng với Budapest như thời Kuchma còn làm tổng thống.

Vấn đề thảm sát Volyn (Volhynia) được Kuchma nhận định là “đem vết thương chưa lành trong quan hệ quá khứ giữa Ukraine và Ba Lan đi đầu độc hiện tại, và sẽ không đem lại gì tốt cho tương lai.” Ông nói rằng thời ông làm tổng thống thì cũng đụng phải vấn đề này, nhưng bằng vào quan hệ hữu hảo giữa ông và tổng thống thời đó của Ba Lan, mà “chúng tôi tha thứ và trông chờ sự tha thứ” cho nên mọi việc đều tốt đẹp, chứ không như tình hình hiện nay.

Hiện nay, Ba Lan vẫn kiên trì cáo buộc Kiev cản trở họ trong việc khai quật, an táng, và làm lễ tưởng niệm các nạn nhân của thảm sát Volyn, những người bị sát hại trong Đại Thế chiến II, khi nhóm quân Ukraine phản bội Liên Xô và hợp tác với Đức Quốc Xã. Với 100.000 người Ba Lan bị tàn sát, Stepan Bandera được quốc tế coi là tội phạm chiến tranh, trong khi Kiev vẫn kiên trì coi đó là anh hùng dân tộc.

Kuchma tin rằng hiện nay các chính khách Kiev và Vácsava “bắt đầu đánh thức lại lịch sử” đau thương này, và ông cho rằng đó là điều không nên làm.

Tự nhận là người hành xử mềm mỏng theo chủ trương “hai bên gặp nhau ở điểm trung gian, chứ không phải đập đầu vào nhau,” Kuchma có ý phê bình các đời tổng thống Ukraine sau ông.

Khủng hoảng Euromaidan 2014 là có thể tránh được

Sự vụ Euromaidan 2014 được miêu tả bởi phương Tây là “cách mạng nhân phẩm” như một phần trong phong trào cách mạng màu ở các quốc gia hậu Xô Viết, phong trào mang danh nghĩa cổ xúy tự do dân chủ và thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản. Nhưng kỳ thực, nó là sự giao tranh ảnh hưởng địa chính trị trên lãnh thổ Ukraine giữa NATO/EU và Nga. Kết cục là vụ đảo chính do phương Tây thao túng đã diễn ra, khiến tổng thống hợp hiến của Ukraine phải tháo chạy khi bị ám sát hụt, từ đó chính quyền mới ở Kiev là do những người Ukraine theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan nắm giữ.

Theo Kuchma, lẽ ra phải né tránh, giảm thiểu, và cục bộ hóa những mâu thuẫn xã hội như vậy, vì một khi nó xảy ra, lan rộng, thì nó nhất định sẽ gây chia rẽ. Ông liên hệ tới “cách mạng cam” (2004–2005) diễn ra khi bầu cử tổng thống kế nhiệm ông, và ông bình luận thời điểm then chốt là khi các đại diện của các đảng phải trở nên đối đầu, từ đó xuất hiện sự chia rẽ. Theo ông, lẽ ra “cách mạng nhân phẩm” cũng có thể điều tiết được theo cách như ông từng làm. Nhưng thực tế là diễn biến Euromaidan đã khiến bộ máy nhà nước, lẽ ra phải là cơ cấu trung lập với các đảng phái, đã trực tiếp tham gia vào mâu thuẫn, cho nên “theo tôi, Maidan là đụng độ giữa xã hội và chính phủ.”

Những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan sau khi nắm quyền, đã tìm cách cấm đoán tiếng Nga và mọi thứ tiếng khác, trừ tiếng Ukraine, và đó là một trong những quyết định cực đoan khiến Ukraine chia rẽ sâu sắc, đặc biệt các tỉnh phía Đông Ukraine nơi có nhiều người gốc Nga. Thủ tướng Orban của Hungary cáo buộc chính quyền Kiev đối xử bất bình đẳng nhóm những người thiểu số gốc Hungary sống ở phía Tây Ukraine. Những vấn đề đó được Kuchma nhắc tới như ví dụ về việc thiếu mềm dẻo và linh hoạt trong chính sách.

Leonid Kuchma (86 tuổi) là Cựu Tổng thống Ukraine (1994–2005), vị tổng thống thứ 2 của nước này kể từ khi thành lập quốc gia vào năm 1991, và là vị duy nhất ngồi ghế tổng thống được 2 nhiệm kỳ. Các vị khác đều không trụ được quá 1 nhiệm kỳ.

Nhật Tân (theo Interfax Ukraine)