Hôm thứ Tư (8/1), Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết, Kiev sẵn sàng thay thế vị trí của Hungary trong Liên minh châu Âu (EU). Budapest gần đây đã chỉ trích gay gắt Kiev vì đã ngăn chặn việc trung chuyển khí đốt từ Nga qua Ukraine sang EU.

1280px European Union Flag 4768764591
Ảnh: 365

Đầu tuần này, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto đã cáo buộc Kiev tạo ra “nguồn cung giảm giả tạo”. Ông chỉ trích rằng việc Kiev đơn phương quyết định dừng trung chuyển khí đốt của Nga cùng với các lệnh trừng phạt của EU lên Moskva, đã khiến giá năng lượng tăng vọt.

Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Ukraine đáp trả: “Nếu phía Hungary ưu tiên củng cố sức mạnh của Nga thay vì EU và Hoa Kỳ, họ nên công khai thừa nhận điều đó. Ukraine sẵn sàng lấp đầy bất kỳ ghế trống nào trong EU và NATO, nếu Hungary quyết định từ bỏ để ủng hộ việc trở thành thành viên trong CIS hoặc CSTO”. 

  • CIS, tên viết tắt của Cộng đồng các quốc gia độc lập, là một khối gồm các quốc gia hậu Xô Viết. CSTO, tên viết tắt của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, là một liên minh quân sự hiện bao gồm Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan and Tajikistan.

Ukraine đã quyết định không gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt kéo dài 5 năm với tập đoàn năng lượng nhà nước Gazprom của Nga khi hợp đồng này hết hạn vào cuối năm 2024. Động thái này của Ukraine đã cắt đứt nguồn cung khí đốt của Nga cho một số quốc gia thành viên EU, bao gồm Romania, Ba Lan, Hungary, Slovakia, Áo, Ý, và Moldova. Việc Kiev dừng trung chuyển khí đốt của Moskva ngay lập tức khiến giá năng lượng trong khu vực tăng vọt lên hơn 50 EUR mỗi megawatt giờ, mức tăng chưa từng thấy kể từ tháng 10/2023.

Ngoại trưởng Szijjarto của Hungary cảnh báo, giá năng lượng cao hơn sẽ làm suy yếu khả năng cạnh tranh của EU và tạo ra gánh nặng không tương xứng cho công dân của khối này. Ông còn cáo buộc rằng Ukraine đã vi phạm Thỏa thuận Liên kết EU khi dừng việc trung chuyển khí đốt từ Nga sang các nước thành viên EU.

Quyết định của Kiev cũng bị Slovakia chỉ trích gay gắt, bởi vì Slovakia phụ thuộc vào các đường ống khí đốt của Nga để cung cấp khoảng 60% nhu cầu năng lượng của nước này. Tuần trước, Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Matus Sutaj Estok đã lên án động thái của Kiev là “sự phản bội lòng tin” và là mối đe dọa đối với sự ổn định năng lượng trong khu vực.

Đầu tháng này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova lưu ý rằng Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất được hưởng lợi từ tình huống này, đồng thời cáo buộc Washington là “nhà tài trợ chính cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine”. 

Moskva tuyên bố sẵn sàng gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt với Kiev và tiếp tục các chuyến hàng khí đốt qua lãnh thổ Ukraine sau năm 2024. Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Kiev “đang trừng phạt” các quốc gia thành viên EU bằng quyết định dừng trung chuyển khí đốt của Nga, đồng thời dự đoán rằng điều này sẽ khiến giá năng lượng cao hơn. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo thường niên vào ngày 19/12, nhà lãnh đạo Nga cho biết, việc Ukraine dừng trung chuyển khí đốt của Nga sẽ có tác động rất nhỏ đối với Moskva.

Gia Huy