Ukraine tăng chi tiêu ngân sách lên mức kỷ lục trong năm 2023
- Phan Anh
- •
Hôm 21/3, Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu thông qua sửa đổi ngân sách nhà nước năm 2023, trong đó tăng chi tiêu lên mức kỷ lục trong bối cảnh Kyiv tìm nguồn quỹ bổ sung cho hoạt động mua sắm vũ khí và trả lương cho quân nhân sau khi Nga phát động cuộc tấn công nhắm vào Ukraine, theo tờ Ukrainian News.
Bộ Tài chính Ukraine cho biết các nghị sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ tăng ngân sách chi tiêu thêm 537,2 tỷ hryvnia (14,7 tỷ USD) trong năm nay. Theo Bộ trưởng Tài chính Serhiy Marchenko, cùng với những thay đổi được đề xuất, tổng quỹ dành cho lĩnh vực an ninh và quốc phòng sẽ ở mức 1.670 tỷ hryvnia, tương đương 26,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong đó, 518,2 tỷ hryvnia sẽ được dùng để trả lương cho quân nhân và mua sắm các thiết bị đặc biệt.
Bộ Tài chính Ukraine có kế hoạch hỗ trợ ngân sách bằng các khoản vay trong và ngoài nước, cũng như nguồn thu từ các công ty thuộc sở hữu của nhà nước. Theo ông Marchenko, từ đầu năm 2023 đến nay, Ukraine đã nhận được tổng cộng 4,5 tỷ EUR viện trợ trực tiếp từ Liên minh châu Âu (EU).
Đây là bản sửa đổi ngân sách lần thứ hai trong năm nay và vẫn cần được Tổng thống Volodymyr Zelensky ký ban hành.
Ở một diễn biến khác, phía Nga nhận định rằng Mỹ, Anh, Pháp, Đức không thể là trung gian đàm phán hòa bình Ukraine vì họ đã can dự vào xung đột giữa Moscow và Kyiv, theo hãng tin Newsweek.
“Chúng tôi không biết gì về sáng kiến này”, Bộ Ngoại giao Nga cho hay, trong đó nhắc đến đề xuất gần đây của cựu chủ tịch Hội nghị Munich Wolfgang Ischinger rằng nên thành lập một nhóm trung gian với nòng cốt là Mỹ, Anh, Pháp và Đức để tìm cách chấm dứt khủng hoảng Ukraine.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, sáng kiến của ông Ischinger tạo ra nhiều vấn đề. Trước tiên, 4 quốc gia nêu trên đều là các bên tham gia cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine với Nga. Tiếp theo, họ đều ủng hộ “sáng kiến hòa bình giả tạo” của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, muốn lực lượng Nga đầu hàng.
“Với cách tiếp cận như vậy, Mỹ, Anh, Pháp và Đức không thể là bên trung lập để triển khai tiến trình đàm phán hòa bình. Họ không quan tâm đến giải quyết khủng hoảng và đang làm mọi việc để tối đa hóa sự đối đầu”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Mỹ, Anh, Pháp và Đức đều đang viện trợ vũ khí, thiết bị quân sự cho Ukraine, động thái Nga coi là bằng chứng phương Tây ngày càng can dự trực tiếp vào chiến sự. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định rằng Nga là trở ngại duy nhất trong tiến trình hòa bình ở Ukraine.
Phan Anh
Từ khóa xung đột Nga - Ukraine Dòng sự kiện chi tiêu ngân sách