Các thành viên Đảng Cộng hòa thuộc Ủy ban Tình báo Hạ viện tin rằng nhiều khả năng virus Trung Cộng (còn gọi là virus Vũ Hán, virus corona) bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc hơn là đến từ động vật, theo một báo cáo sơ bộ được công bố vào ngày 19/5.

Screen Shot 2021 02 05 at 21.32.16
Viện virus học Vũ Hán. (Ảnh cắt từ video)

Dân biểu Cộng Hòa Devin Nunes, thành viên cấp cao trong Ủy ban cho biết: “Có rất nhiều bằng chứng thực trạng… hỗ trợ cho [giả thuyết về] một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm là nguồn gốc của COVID-19… Ngược lại, rất ít bằng chứng thực tế ủng hộ tuyên bố của CHND Trung Hoa rằng COVID-19 xuất hiện tự nhiên, đã truyền từ một số loài khác sang người.”

COVID-19, căn bệnh do virus Trung Cộng gây ra, lần đầu tiên xuất hiện ở thành phố Vũ Hán vào cuối năm 2019, khi một loạt các ca bệnh có liên quan đến một khu chợ ẩm thực ở địa phương. Hơn một năm sau, nguồn gốc của virus vẫn chưa được làm rõ, mặc dù hiện nay giả thuyết trọng tâm cho rằng virus đã bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm tại Viện Virus học Vũ Hán (WIV) của Trung Quốc.

WIV là nơi có phòng thí nghiệm an toàn sinh học P4 cấp cao nhất và duy nhất của Trung Quốc, và nó nằm không xa khu chợ ẩm thực của thành phố. Một bản tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố vào tháng 1 cho biết WIV đã tiến hành các thí nghiệm đối với virus corona trên dơi ít nhất là từ năm 2016. Viện cũng đã thực hiện “thí nghiệm trên động vật trong phòng thí nghiệm” cho quân đội Trung Quốc ít nhất là từ năm 2017.

Quan trọng hơn, Bộ tuyên bố rằng họ có lý do để tin rằng “một số nhà nghiên cứu làm việc bên trong WIV đã bị bệnh vào mùa thu năm 2019, trước khi có các trường hợp bùng phát đầu tiên được xác nhận.”

Chính quyền Trung Quốc đã phủ nhận rằng nguồn gốc của virus có liên quan đến WIV và đã đưa ra giả thuyết lây nhiễm từ động vật trong tự nhiên — rằng virus được truyền sang người từ vật chủ là động vật. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho đến nay vẫn chưa xác định được loài động vật ban đầu được cho là đã truyền virus sang người.

Theo báo cáo, Bắc Kinh đã kiểm tra hơn 80.000 loài động vật và vẫn không thể xác định được loài ban đầu.

Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra các vụ rò rỉ phòng thí nghiệm trước đây ở Trung Quốc, bao gồm một vụ rò rỉ ở Bắc Kinh vào năm 2004.

Vụ rò rỉ năm 2004 liên quan đến Viện Virus học Quốc gia Trung Quốc, nơi các nhà nghiên cứu đang thực hiện các thí nghiệm sử dụng virus SARS. Vụ việc xảy ra sau trận dịch SARS năm 2002, làm 2.769 người nhiễm và 425 người bên ngoài Trung Quốc đại lục thiệt mạng, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Các chuyên gia cho rằng con số bên trong Trung Quốc có thể cao hơn nhiều so với báo cáo chính thức.

Cũng có những lo ngại về an toàn hiện tại liên quan đến WIV. Theo báo cáo, các chuyên gia y tế và khoa học từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh đã cảnh báo Washington về khả năng xảy ra “đại dịch mới giống SARS”, sau nhiều chuyến thăm WIV từ cuối năm 2017 đến tháng 3 năm 2018. Các chuyên gia đã xác định “các mối quan ngại nghiêm trọng về an toàn” liên quan tới các hoạt động của WIV có thể dẫn đến rò rỉ ngẫu nhiên.

Các quyết định của Bắc Kinh nhằm che đậy đại dịch bùng phát cũng là bằng chứng tình huống cho lý thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm. Theo báo cáo, những động thái này bao gồm việc không thừa nhận rằng virus Vũ Hán đã lây nhiễm cho đến ngày 20 tháng 1 năm 2020 và quyết định đóng cửa cơ sở dữ liệu virus của WIV.

Bắc Kinh cũng đã bịt miệng các bác sĩ tố giác vào cuối tháng 12 năm 2019 khi những người này cố gắng cảnh báo công chúng về một đợt bùng phát “viêm phổi không rõ nguyên nhân” ở Vũ Hán.

“WIV và chính phủ Trung Quốc đã ngăn cản và thao túng quá trình đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới về nguồn gốc của COVID-19 suốt 28 ngày,” báo cáo nêu rõ, như một ví dụ khác về việc cố tình che đậy của Bắc Kinh.

WHO đã dẫn đầu một phái bộ thanh tra đến Vũ Hán vào đầu năm nay với nỗ lực truy tìm nguồn gốc của virus. Những phát hiện của phái đoàn, được trình bày trong một báo cáo công bố vào cuối tháng 3, kết luận rằng lý thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm là “cực kỳ khó xảy ra” trong khi giả thuyết lây nhiễm từ động vật là “rất có thể”.

Các nhà phê bình đã lên án cuộc điều tra của WHO là thiếu độc lập. Đầu tháng này, 18 chuyên gia y tế về sinh học, dịch tễ học, miễn dịch học và virus học đã ký một lá thư chung kêu gọi một “cuộc điều tra chân thực” về nguồn gốc của virus, bao gồm cả việc kiểm tra lý thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm.

“Để bảo vệ công dân Mỹ khỏi các đại dịch trong tương lai, Chính phủ Mỹ phải gây áp lực nhiều hơn với Trung Quốc cho phép các cuộc điều tra đầy đủ, đáng tin cậy về nguồn gốc của đại dịch COVID-19 và cho phép các cuộc thăm dò khả năng nó đã rò rỉ từ phòng thí nghiệm,” báo cáo kết luận.

Frank Fang / The Epoch Times

Tiến Minh dịch

Xem thêm: