Ngày 8/7, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã đưa ra “Kế hoạch hành động an ninh nông nghiệp quốc gia” có ý nghĩa lịch sử. Kế hoạch này nâng nông nghiệp Mỹ lên thành yếu tố then chốt của an ninh quốc gia, nhằm tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống lương thực và nông nghiệp Mỹ, ứng phó với những mối đe dọa cấp bách từ các đối thủ nước ngoài. Trong đó có một biện pháp quan trọng là chính phủ liên bang sẽ thúc đẩy lệnh cấm trên toàn quốc — cấm ĐCSTQ và các “đối thủ nước ngoài” khác mua đất nông nghiệp Mỹ, vì các khoản đầu tư kiểu này cấu thành mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và an ninh lương thực.

bat dong san My
Đất nông nghiệp ở Quận Jefferson, Tennessee, vào ngày 11 tháng 1 năm 2018. (Ảnh: Samira Bouaou/ The Epoch Times)

Điều đáng chú ý là kế hoạch này do Bộ trưởng Nông nghiệp Brooke Rollins, Bộ trưởng Quốc phòng Hegseth, Bộ trưởng Tư pháp Pam Bondi, Bộ trưởng An ninh Nội địa Kristi Noem cùng công bố; cố vấn thương mại Navarro cũng tham dự, cho thấy đây là hành động toàn diện, liên bộ, đa tầng.

Không cần nói cũng biết, kế hoạch này tập trung nhắm vào ĐCSTQ. Mấu chốt của vấn đề không nằm ở việc vốn Trung Quốc sở hữu bao nhiêu đất nông nghiệp Mỹ, mà là Mỹ đã cảnh giác cao độ đối với ĐCSTQ đứng sau các khoản đầu tư đó.

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ: diện tích đất nông nghiệp Mỹ do vốn Trung Quốc sở hữu, từ dưới 14.000 mẫu Anh vào năm 2010 đã tăng lên hơn 352.000 mẫu Anh vào năm 2020, tăng hơn 5.300%; năm 2021 đạt đỉnh 384.000 mẫu Anh, sau đó giảm, hiện khoảng 280.000 mẫu Anh. Dù chỉ chiếm chưa đến 1% diện tích đất nông nghiệp do nước ngoài sở hữu, nhưng nhiều mảnh đất này nằm gần các căn cứ quân sự trọng yếu của Mỹ, gây ra nguy cơ gián điệp và giám sát. (Chú thích: thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ khá lỏng lẻo, số liệu không nhất định chính xác.)

Tờ New York Post ngày 20/6/2024 đưa tin, các doanh nghiệp và cá nhân Trung Quốc sở hữu trang trại gần 19 căn cứ quân sự Mỹ, trong đó có những căn cứ có giá trị chiến lược cao, ví dụ, Fort Liberty là nơi đóng quân của Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt liên hợp và Sư đoàn đổ bộ số 18, được gọi là “cái nôi của lực lượng đổ bộ và đặc nhiệm Mỹ”; căn cứ Pendleton là nơi đóng quân của Bộ Tư lệnh Lữ đoàn viễn chinh số 1 và Sư đoàn 1 của Thủy quân lục chiến Mỹ.

Chủ đất Trung Quốc có thể thiết lập thiết bị trinh sát, lắp đặt công nghệ theo dõi, sử dụng radar và quét hồng ngoại để quan sát căn cứ Mỹ, thậm chí bay drone để giám sát. Giám đốc bộ phận Trung Quốc của Viện Nghiên cứu Chính sách Ưu tiên Hoa Kỳ (AFPI), ông Adam Savit, từng nói với VOA: “Nếu đất đai của chúng ta bị ĐCSTQ kiểm soát, thì ở gần những cơ sở mà chúng ta phòng bị lơi lỏng, gần như sẽ có vô hạn cơ hội để bố trí ‘khí cầu gián điệp vĩnh viễn’.”

Do đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hegseth, người đồng công bố “Kế hoạch hành động an ninh nông nghiệp quốc gia”, đã nói rằng: “Nước ngoài sở hữu đất gần các căn cứ chiến lược và cơ sở quân sự Mỹ, cấu thành mối đe dọa nghiêm trọng với an ninh quốc gia của chúng ta.”

Ngoài ra, an ninh nông nghiệp chính là an ninh quốc gia, ngành thực phẩm và nông nghiệp được chỉ định là cơ sở hạ tầng trọng yếu. “Kế hoạch hành động an ninh nông nghiệp quốc gia” đặc biệt coi trọng “bảo vệ hệ thống thực phẩm và nông nghiệp khỏi các cuộc tấn công khủng bố”. Kế hoạch tiết lộ: không lâu sau vụ tấn công 9/11, thông tin tình báo do quân Mỹ tại Afghanistan thu thập được đã phát hiện các tài liệu liên quan đến nông nghiệp Mỹ và sổ tay huấn luyện chuyên biệt về nông nghiệp của tổ chức Al-Qaeda. Ngành thực phẩm và nông nghiệp liên quan đến không gian rộng lớn mở, khoảng cách lớn, mạng lưới “thời gian thực” kết nối liên tục, vận chuyển sản phẩm xuyên biên giới, cùng sự phụ thuộc vào công nghệ mới — tất cả điều này tạo ra môi trường hấp dẫn với nhiều mục tiêu dễ bị tổn thương cho các hành vi ác ý.

Mọi người đều biết, cái gọi là “chiến tranh không giới hạn” do ĐCSTQ đề xướng không có bất kỳ giới hạn nào. Mỹ và Trung Quốc đang bước vào cạnh tranh chiến lược ở mức cực đoan. Nếu một khi ĐCSTQ khơi mào chiến tranh tại eo biển Đài Loan, Mỹ và Trung Quốc đối đầu quân sự, Mỹ không thể không đề phòng ĐCSTQ phát động tấn công khủng bố nhắm vào nông nghiệp Mỹ.

Hãy xem 2 vụ việc mới nhất. Ngày 3/6, Bộ Tư pháp Mỹ ra thông cáo: 2 nhà nghiên cứu Trung Quốc bị truy tố vì tình nghi buôn lậu một loại nấm gây hại cho cây trồng vào Mỹ. Loại nấm buôn lậu này là Fusarium graminearum, trong các tài liệu khoa học được liệt vào “vũ khí khủng bố nông nghiệp tiềm tàng”, gây bệnh “thối bông” trên lúa mì, đại mạch, ngô, lúa… gây thiệt hại kinh tế hàng chục tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu; cũng có thể gây nôn mửa, tổn thương gan, dị tật sinh sản ở người và gia súc. Quyền công tố viên liên bang tại Detroit, ông Jerome Gorgan Jr., tuyên bố: hành vi của 2 người này cấu thành “mối đe dọa an ninh quốc gia nghiêm trọng nhất”, là âm mưu đưa “vũ khí khủng bố nông nghiệp tiềm tàng” vào “vùng lõi nước Mỹ”.

Khi vụ việc còn chưa lắng xuống, ngày 9/6 lại bùng nổ vụ thứ hai liên quan đến nhà nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Michigan và vật liệu sinh học. Văn phòng công tố liên bang khu Đông Michigan thuộc Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố: công dân Trung Quốc Chengxuan Han đến từ Vũ Hán bị bắt vì đã buôn lậu vật liệu sinh học vào Mỹ để phục vụ công việc tại phòng thí nghiệm của cô tại Đại học Michigan, và đã đưa ra lời khai gian dối.

Đây là những vụ việc bị phát hiện công khai. Vậy còn bao nhiêu vụ chưa bị bắt hay công khai? Nghĩ kỹ mà thấy đáng sợ!

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Pam Bondi tuyên bố: “An ninh trang trại chính là an ninh quốc gia. Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục truy tố những người đe dọa nông nghiệp Mỹ, điều tra các vụ khủng bố nông nghiệp tiềm tàng và bảo vệ nông dân Mỹ khỏi các mối đe dọa bất hợp pháp trong và ngoài nước.”

Cần chỉ ra rằng từ sau năm 2016, tuy đầu tư tổng thể của Trung Quốc vào Mỹ giảm mạnh, nhưng diện tích đất nông nghiệp Trung Quốc sở hữu lại tăng nhanh chóng. Điều này cho thấy việc Trung Quốc mua đất nông nghiệp Mỹ không chỉ là hành vi thương mại đơn thuần, mà có thể là đầu tư chiến lược mang tính toán đặc biệt. Chỉ là Mỹ đã cảnh giác và từ năm 2022, từ bang đến liên bang đều có hành động, khiến kế hoạch của ĐCSTQ thất bại.

Ví dụ, ngày 5/5/2023, Bộ Tài chính Mỹ đưa ra quy định mới, siết chặt kiểm soát mua đất bởi nước ngoài, đồng thời bổ sung 8 căn cứ quân sự vào danh sách xét duyệt an ninh quốc gia. Biện pháp này mở rộng quyền hạn của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS). Các giao dịch bất động sản không nằm trong diện miễn trừ trong bán kính 100 dặm quanh các địa điểm bổ sung sẽ bị coi là “giao dịch có giám sát” thuộc quyền xét duyệt của CFIUS.

Lại như ngày 25/7 cùng năm, Thượng viện Mỹ thông qua một sửa đổi cấm ĐCSTQ, Nga, Triều Tiên, Iran cùng các đối thủ nước ngoài mua đất nông nghiệp và doanh nghiệp nông nghiệp Mỹ; cấm các pháp nhân và cá nhân của 4 quốc gia này thuê trên 320 mẫu Anh hoặc đất nông nghiệp trị giá trên 5 triệu USD. Sửa đổi này được đưa vào phiên bản của Thượng viện trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm tài khóa 2024.

Ở cấp bang, công cuộc hạn chế hoặc cấm ĐCSTQ sở hữu đất nông nghiệp còn sôi nổi hơn. VOA ngày 4/7/2024 dẫn thống kê của “Ủy ban 100” (Committee of 100) cho biết: từ đầu năm 2023, 39 bang của Mỹ (205 dự luật) và Quốc hội (36 dự luật) đã thảo luận tổng cộng 241 dự luật hạn chế các pháp nhân nước ngoài sở hữu tài sản, trong đó có 194 dự luật đang được xem xét quy định cấm công dân Trung Quốc mua hoặc sở hữu tài sản. Cho đến nay, 24 dự luật đã được các bang thông qua, trong đó có 7 luật cấm công dân Trung Quốc mua hoặc sở hữu một số loại tài sản, bao gồm các bang Arkansas, Florida, Indiana, Nebraska, South Dakota và West Virginia.

Tất cả điều này cho thấy, “Kế hoạch hành động an ninh nông nghiệp quốc gia” do chính quyền Trump đưa ra là đúng lúc, có cơ sở rộng lớn, không phải bộc phát nhất thời.

Vì thế, Bộ trưởng Nông nghiệp Rollins nhấn mạnh: “Hôm nay, nông nghiệp Mỹ không chỉ đối mặt nguy cơ thiếu lương thực và giá cả leo thang, mà còn là thách thức an ninh chủ quyền. Chúng ta đang phản kích Trung Quốc và các đối thủ nước ngoài khác, họ không được tiếp tục sở hữu đất đai của chúng ta, cũng không được tiếp tục đánh cắp thành quả nghiên cứu khoa học của chúng ta nữa.”