Vụ lộ bí mật tình báo của Lầu Năm Góc tóm lại thế nào?
- Nhật Tân
- •
Vụ lộ bí mật của Lầu Năm Góc này là tồi tệ nhất kể từ vụ Wikileaks chục năm về trước, theo đánh giá của New York Times (NYT). Nó dường như tạm hạ nhiệt khi nguồn rò rỉ ngưng đưa ra tiết lộ mới, và khi các chuyên gia trên thế giới đã đưa ra một số phân tích khá kỹ ban đầu. Dưới đây là một số điểm tạm gọi là tổng kết mà NYT báo cáo hôm 9/4, cùng một số vấn đề liên quan tới phòng không ở chiến trường Ukraine, và lược điểm một số nhìn nhận từ phía Nga.
Phác thảo về vụ việc
Một vụ lộ bí mật lớn. Những tài liệu đánh dấu ‘mật’ và ‘tuyệt mật’ của tình báo Hoa Kỳ xuất hiện trôi nổi trên mạng thông tin công cộng. Đây được tính là vụ lớn nhất kể từ vụ 700.000 tài liệu do Wikileaks công bố chục năm trước. Vẫn còn nhiều câu hỏi chưa giải đáp được, ví như liệu vẫn còn có tài liệu khác bị lộ không, ảnh hưởng cuối cùng sẽ là thế nào, v.v.
Các tài liệu rò rỉ có thật không? Có —theo các quan chức nói với NYT— ít nhất là phần lớn trong đó là thật. Một vài chỗ dường như đã bị sửa lại, cũng theo các quan chức. Đã có cảnh báo từ giới chức Hoa Kỳ, và FBI đã đang làm việc để truy tìm nguồn rò rỉ.
Nguồn rò rỉ là từ đâu? Gần như chắc chắn đây là vụ rò rỉ chứ không phải do bị hack (bẻ khóa trộm tin), theo những gì được thấy lưu hành trên các mạng Discord, Twitter, Telegram, và 4chan: Những tấm ảnh hoặc báo cáo dưới dạng bản in, chứ không phải các tệp file số liệu thường thấy ở một vụ bị hack.
Chúng cho biết gì về chiến trường Ukraine? Các tài liệu cho thấy Hoa Kỳ và NATO đã lên kế hoạch công phu từ trước để gây dựng lực lượng quân sự ở Ukraine chuẩn bị cho một cuộc tấn công. Đồng thời, dường như Ukraine đang ở trong tình cảnh khó khăn hơn nhiều so với những gì công bố trên các kênh chính thống của nhà nước.
Hoa Kỳ thâm nhập sâu vào hệ thống tình báo Nga? Đúng thế, theo những gì được tiết lộ. Điều đó cho phép Washington nhiều lần cảnh báo trước về các kế hoạch tấn công của Nga cho Ukraine, cũng như cung cấp các thông tin tình báo cùng phân tích quân sự về bộ máy chiến tranh Moscow. Các rò rỉ vừa qua có thể giúp Nga tìm ra đầu mối để ngăn chặn hoặc loại bỏ các kênh tình báo của Hoa Kỳ.
Còn liên quan các quốc gia nào khác? Ngoài cái tên Ukraine, chúng ta còn chứng kiến các thông tin nhạy cảm về Canada, Trung Quốc, Israel, và Hàn quốc, cùng một số thông tin về quân sự Ấn Độ dương-Thái Bình dương và Trung Đông.
Điều gì làm vụ bê bối này nổi bật, khác với những vụ rò rỉ trước đây?
Đó là tính thời sự và tiềm năng ảnh hưởng.
Trong vụ Wikileaks, các thông tin trao đổi và hoạt động hàng ngày của Bộ Ngoại giao Mỹ 13 năm trước, bị tiết lộ cho toàn thế giới, khiến người dân ngỡ ngàng sửng sốt, và khiến các đồng minh cảm thấy dao động khi biết được cái nhìn của Washington về Triều Tiên sẽ kết thúc thế nào hay về vấn đề hạt nhân ở Iran.
Hoặc khi Edward Snowden lật tẩy các bí mật của Cơ quan An ninh Quốc gia 3 năm sau, người Mỹ bất ngờ phát hiện ra quy mô của việc thời đại kỹ thuật số đã mở ra một kỷ nguyên giám sát mới đáng chú ý như thế nào: Cho phép cơ quan này thâm nhập vào ngành viễn thông của Trung Quốc và xâm nhập vào các máy chủ của Google ở nước ngoài để nhận thông tin liên lạc nước ngoài.
Khoảng 100 slide bị rò rỉ lần này thì có khác biệt. Nó không nhiều thông tin và cũng không toàn diện như các vụ trước. Nhưng nó là thông tin có tính thời sự —tài liệu mới nhất trong đó là của 40 ngày trước— và liên quan tới các kế hoạch quân sự đang được triển khai. Chính đây là điều khiến các quan chức Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đau đầu nhất.
Với tiềm năng có thể gây những tai hại đặc biệt khó lường, hôm Chủ nhật, Sabrina Singh, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, nói rằng các quan chức Hoa Kỳ đã thông báo cho các ủy ban Quốc hội về vụ này và chuyển vấn đề lên Bộ Tư pháp, nơi đã mở một cuộc điều tra.
Thiết sót trong phòng không Ukraine sẽ rất nguy hiểm nếu không kịp thời giải quyết
Đó là nhận định của NYT trong một báo báo cùng ngày 9/4. Theo NYT, cần bổ sung vũ khí và đặc biệt cần một lượng lớn đạn dược để ngăn lực lượng không quân Nga thay đổi cục diện cuộc chiến.
Lại là vấn đề đạn dược.
Đã không ít lần phương Tây than phiền và nhắc nhở về cách xài đạn phung phí kiểu Liên Xô của quân Ukraine. Sau một loạt tính toán dài dòng với các con số và phép tính, thì NYT dẫn lời của các nhà phân tích cho biết Ukraine sẽ hết đạn phòng không vào ngày 3/5 hoặc thậm chí từ giữa tháng 4.
Trong một phỏng vấn ngày 10/4, phóng viên kênh DW News của Đức đã hỏi về vụ lộ bí mật Lầu Năm Góc với Frederick Benjamin Hodges, một cựu sỹ quan Hoa Kỳ và làm cố vấn trong một số lĩnh vực, đặc biệt là hỏi về tình trạng hiện nay của hệ thống phòng không tại Ukraine.
Phải chăng “sẽ mở một cơ hội” chớp nhoáng cho Nga “đánh bại quân Ukraine?” phóng viên hỏi rất trực tiếp.
“Tôi nói thẳng thế này,” ông Hodges chỉ ra, “người Nga biết tất cả chuyện này rồi. Những thông tin này bây giờ mới tới chúng ta. Nhưng không thông tin nào trong đó là mới đối với người Nga, hay đối với người Ukraine. Đúng! Đúng là có lỗ hổng trong phòng không, nếu chúng ta không cung cấp đạn dược và bổ sung vũ khí một cách kịp thời.”
Theo ông, người Nga hoàn toàn có cơ hội lợi dụng thiếu sót này, nhưng đồng dạng, Hoa Kỳ và đồng minh NATO cũng có các biện pháp khắc phục. Sau đó ông nhắc nhở rằng quan trọng nhất là chúng ta —Hoa Kỳ và đồng minh NATO— có muốn kéo dài cuộc chiến này hay không.
“Tôi không hiểu nổi tại sao chính quyền Hoa Kỳ và Đức cùng các quốc gia khác đang tuyên bố chúng ta muốn cho Ukraine chiến thắng?…” ông chia sẻ quan điểm của mình. “Chúng ta là nói về hàng chục ngàn người dân Ukraine đang chết vì bom đạn… Có gì là khó đối với chúng ta triển khai các bước tiếp để bảo vệ sinh mạng hàng chục ngàn người dân châu Âu? Đó là vấn đề…”
“Nhưng mà rốt cuộc là ở chỗ là chúng ta muốn người Ukraine chiến thắng, hay là chúng ta muốn kéo dài [cuộc chiến] này,” ông Hodges bình luận.
Thời gian gần đây, các máy bay chiến đấu từ NATO đã được gửi tới chiến trường Ukraine. Chính quyền Biden tuần trước cũng tuyên bố gửi thêm các tên lửa đánh chặn cùng đạn dược phòng không như một phần của gói viện trợ trị giá 2,6 tỷ đô la Mỹ.
Theo phân tích của ông Hodges, mặc dù Ukraine có thiếu sót về phòng không, nhưng lực lượng vũ trang của Nga cũng không mạnh mẽ lắm. Ông chỉ ra rằng Nga đang đưa ra chiến trường những cỗ máy cỡ tuổi đời của ông (65 tuổi). Nếu Nga muốn lợi dụng cơ hội này với giả thuyết rằng họ có thể thành công làm như vậy, thì Nga cũng nhất định sẽ phải trả giá không nhỏ.
Người Ukraine nói gì?
Tờ Pravda Ukraine, một tờ báo phản ánh tương đối sát đường hướng của chính quyền Zelensky, hôm 10/3 có đăng tải báo cáo với tiêu đề “Lầu Năm Góc bình luận về “rò rỉ” tài liệu mật: Rủi ro bảo mật nghiêm trọng” mà trong đó chủ yếu là dẫn đến các báo cáo của phương Tây chung quanh vụ việc. Ngoài ra cũng có một số bài khác đưa tin tương tự.
Dường như chính quyền Ukraine đã chuyển biến lập trường một cách đáng kể. Trước đó, Ukraine thẳng thừng bác bỏ tính chân thực của vụ lộ bí mật quân sự này, khi một cố vấn cao cấp của tổng thống nói rằng những gì tiết lộ chỉ là “sản phẩm của photoshop”, hoặc theo như trong báo cáo của NYT về các phát ngôn của giới chức Ukraine ở các cấp.
Cùng ngày 10/4, CNN đưa tin giới chức Ukraine đang tiến hành thay đổi các kế hoạch quân sự của mình sau khi vụ tiết lộ này được đưa tin trên báo, theo như một nhân vật gần gũi với tổng thống Ukraine nói với CNN.
Người Nga nói gì?
Người Nga dường như khá thận trọng trong các bình luận về vụ việc lộ bí mật quân sự Lầu Năm Góc trong những ngày qua, mặc dù phương Tây có một số phỏng đoán rằng có thể có bàn tay của Nga đằng sau vụ việc.
Bình luận về rò rỉ thông tin liên quan tới sự hiện diện của binh lính Hoa Kỳ và NATO trên lãnh thổ Ukraine, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov đã nói với CNN:
“Chúng tôi không nghi ngờ gì về sự can dự trực tiếp hay gián tiếp của Mỹ và NATO vào cuộc xung đột,” và ông nói ông đã biết rằng “mức độ tham gia ấy nay đang tăng dần.”
Ông Peskov bình luận, “Chúng tôi luôn để mắt đến quá trình này. Chà, tất nhiên, nó khiến toàn bộ câu chuyện trở nên phức tạp hơn, nhưng nó không thể ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của chiến dịch đặc biệt,” RT đưa tin.
Truyền thông Nga chủ yếu khai thác thông tin đả kích đối thủ. Dù sao đây cũng là một dịp hiếm hoi mà chính truyền thông phương Tây đưa một vụ bê bối như thế này ra công chúng.
Đặc biệt là theo như những gì bị rò rỉ, thì tình báo Hoa Kỳ vẫn đang lén theo dõi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cũng như một số lãnh đạo của đồng minh. CNN đưa tin, người thân cận với ông Zelensky đã nói với CNN rằng điều đó không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng các quan chức Ukraine vô cùng thất vọng vì câu chuyện này được đưa ra công chúng theo cách như vậy.
RT đưa ra các bằng chứng cho thấy có thể ông Zelensky thậm chí không có quyền kiểm soát các nhân viên tình báo. Dẫn chứng về vụ tấn công máy bay giám sát A-50 của Nga, thì cơ quan đặc vụ SBU đã xuất thủ mà không xin phép hay báo cáo trước với ông Zelensky hoặc người của ông, căn cứ theo điều tra của phía Nga và cũng khớp với những gì bị tiết lộ trong vụ rò rỉ vừa qua.
Các blogger quân sự của Nga thì nói chung tỏ thái độ hoài nghi. Tuy họ hiểu rằng thông tin bị tiết lộ là thật, nhưng họ vẫn cho rằng cần thận trọng vì có thể tất cả là do bàn tay của Hoa Kỳ đứng sau, gây nhiễu loạn.
Lưu ý rằng ngay sau khi vụ rò rỉ được NYT báo cáo, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã khẳng định với phóng viên Đức hôm 7/4 rằng “một cuộc phản công hẳn sẽ bắt đầu vào những tuần tới ở chiến trường Ukraine.”
Ghi chú: NYT miêu tả đây là ‘cuộc tấn công’ của lực lượng quân sự tại Ukraine do Hoa Kỳ và đồng minh NATO gây dựng, trong khi các kênh truyền thông khác gọi đây là ‘cuộc phản công’ của lực lượng Ukraine do Hoa Kỳ và NATO viện trợ.
Video “Nga: Quân đội Nga đã kiểm soát hơn 75% thị trấn Bakhmut”:
Từ khóa Chiến tranh Nga - Ukraine Rò rỉ kế hoạch tấn công ở Ukraine Dòng sự kiện bí mật quân sự