Theo báo cáo của tờ Washington Post, chính phủ của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã giăng bẫy trừng phạt đối với Tổng thống đắc cử Donald Trump, khiến việc hủy bỏ các biện pháp toàn diện nhắm vào lĩnh vực năng lượng của Nga trở nên khó khăn về mặt chính trị và pháp lý.

Tong thong Joe Biden 19 9
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu tại CLB Kinh tế Washington D.C vào ngày 19 tháng 9 năm 2024 tại Washington D.C, Hoa Kỳ. (Nguồn ảnh: Win McNamee/Getty Images)

Tờ báo này cho rằng hành động của ông Biden có thể tạo ra rào cản đáng kể cho ông Trump nếu ông ấy tìm cách dỡ bỏ các hạn chế đang áp lên Nga. 

Những trở ngại chính bao gồm khuôn khổ pháp lý cho phép áp dụng lệnh trừng phạt và khả năng quốc hội phản đối mạnh mẽ.

Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa trước đó cũng đã thúc đẩy các hình phạt nghiêm khắc hơn, có khả năng làm phức tạp thêm nỗ lực đảo ngược chính sách của ông Trump.

“Hoàn toàn tùy thuộc vào [chính phủ tiếp theo] để quyết định liệu họ có thể dỡ bỏ bất kỳ lệnh trừng phạt nào mà chúng tôi đã áp dụng hay không, khi nào và theo những điều khoản nào”, một quan chức cấp cao của Tổng thống Biden được trích dẫn cho biết. Tuy nhiên, luật trừng phạt hiện tại trao cho Quốc hội quyền ngăn chặn bất kỳ hành động nào nhằm nới lỏng các hạn chế.

Khuôn khổ pháp lý này khiến ông Trump có ít lựa chọn, có khả năng buộc ông phải duy trì áp lực lên Moskva bất chấp lời kêu gọi giải quyết nhanh chóng vấn đề Ukraine của ông. Ông Michael Waltz, cố vấn an ninh quốc gia sắp tới của ông Trump, đã lập luận rằng nên tận dụng các lệnh trừng phạt để khuyến khích Tổng thống Nga Vladimir Putin tham gia các cuộc đàm phán hòa bình.

Trong một bài viết cho tờ The Economist trước cuộc bầu cử, ông Waltz đã viết: “Nếu ông [Putin] từ chối đàm phán, Washington có thể… cung cấp nhiều vũ khí hơn cho Ukraine với ít hạn chế hơn. Đối mặt với áp lực này, ông Putin có thể sẽ tận dụng cơ hội để giảm bớt xung đột”. 

Nhắm vào các công ty dầu mỏ khổng lồ Gazprom Neft và Surgutneftegas, cũng như 183 tàu chở dầu, các biện pháp mới nhất của Hoa Kỳ được thiết kế để tấn công vào ngành năng lượng của Nga, ngành đã giúp tài trợ cho ngân sách của nước này.

Các biện pháp trừng phạt mới cũng thắt chặt giấy phép của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, hạn chế khả năng Moskva được thanh toán bằng USD cho xuất khẩu năng lượng. Thời điểm công bố chế tài được chính quyền Biden đưa ra chỉ vài ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Trump đã khiến Moskva cáo buộc về cố tình phá hoại. 

“Tất nhiên, chúng tôi nhận thức được rằng chính quyền [Biden] sẽ cố gắng để lại di sản khó khăn nhất có thể trong quan hệ song phương [Hoa Kỳ – Nga] cho ông Trump và những người cộng sự của ông ấy”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết trước khi các biện pháp trừng phạt mới của Washington được loan báo. 

Các quan chức của Tổng thống Biden đã định hình các lệnh trừng phạt mới là nằm trong chiến lược dài hạn. “Chúng tôi tin rằng hành động của chúng tôi đang để lại một nền tảng vững chắc mà chính phủ tiếp theo có thể xây dựng”, một quan chức cho biết, dự đoán các biện pháp này sẽ khiến Nga mất hàng tỷ doanh thu hàng tháng và buộc phải đưa ra “những quyết định khó khăn” trong việc duy trì nền kinh tế của mình.

Tờ Washington Post cho biết thêm, với các lệnh trừng phạt gắn liền với luật pháp lưỡng đảng, bất kỳ hành động đảo ngược nào cũng có thể sẽ vấp phải sự phản đối tại Quốc hội, khiến ông Trump gặp nhiều khó khăn khi nhậm chức.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoan nghênh các biện pháp trừng phạt, cho rằng chúng sẽ “giáng đòn mạnh” vào nguồn tài chính phục vụ chiến dịch của Nga và gây gián đoạn toàn bộ chuỗi cung ứng.

Và giá dầu mỏ phản ứng tức thì. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu (10/1), hợp đồng dầu Brent tiến 2.84 USD (tương đương 3.69%) lên 79.76 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 2.65 USD (tương đương 3.58%) lên 76.57 USD/thùng. Cả 2 hợp đồng này đều đóng cửa tại mức cao nhất kể từ tháng 10/2024.

Hân Nhi