Ý nghĩa địa chính trị của biến đổi cục diện tại Afghanistan
- RFA
- •
Vì sao Afghanistan được gọi là “nghĩa địa của những đế chế“, lý do nào khiến Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể lấp vào chỗ trống mà Mỹ để lại sau khi rút quân hay không?
(Bài viết từ buổi tọa đàm giữa người dẫn chương trình Trần Khuê Đức và khách mời là giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Đại học Công nghệ Sydney, ông Phùng Sùng Nghĩa (Chongyi Feng), trên Đài Á Châu Tự Do.)
Taliban đoạt lại chính quyền sau 20 năm
Ngày 6/8, Taliban chiếm thủ phủ tỉnh đầu tiên của Afghanistan; ngày 15/8, họ bao vây thủ đô Kabul và bắt đầu đàm phán về việc chuyển giao quyền lực với chính phủ; ngày 16/8, binh lính Taliban tiến vào thủ đô Kabul của Afghanistan và chiếm đóng dinh tổng thống. Điều này đồng nghĩa với sự sụp đổ của Chính phủ Afghanistan và Taliban sắp giành lại quyền kiểm soát quốc gia này.
Không có sự kháng cự nào, tổng thống bỏ trốn và thủ đô bị Taliban chiếm đóng. Afghanistan, với diện tích 652.300 km vuông, đã thất thủ trong vòng chưa đầy 10 ngày.
Afghanistan vì sao lại là “nghĩa địa của những đế chế”?
Afghanistan được gọi là “nghĩa địa của những đế chế”, chủ yếu là từ lịch sử sau năm 1978 của quốc gia này.
Trong thế kỷ 20, trước năm 1978, Afghanistan nói chung là yên tĩnh, không có sự can thiệp của Thế chiến I hay Thế chiến II. Nhưng sau năm 1978, mọi thứ đã nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn. Trong 40 năm, người dân Afghanistan chưa bao giờ được sống một cuộc sống thanh bình và yên ả, trở thành một quốc gia thất bại điển hình.
Năm 1978, tại Afghanistan xảy ra một cuộc đảo chính mang tên “Cách mạng Saur“, Đảng Dân chủ Nhân dân cực tả đã lật đổ chính quyền Abdul Razak Dawood và thành lập một chế độ cánh tả cấp tiến, từ đó bắt đầu cơn ác mộng của Afghanistan. Abdul Razak Dawood cũng lên nắm quyền thông qua một cuộc đảo chính năm 1973. Khi đó, ông cho rằng hoàng gia quá bảo thủ, còn ông lại muốn thúc đẩy những thay đổi xã hội theo hướng tả hơn. Kết quả là 5 năm sau, chính ông đã bị lật đổ bởi Đảng Dân chủ Nhân dân thiên tả.
Sau Cách mạng Saur năm 1978, Đảng Dân chủ Nhân dân lên cầm quyền và bắt đầu thực hiện những cải cách cấp tiến hơn, vấp phải sự phản kháng quyết liệt. Chính quyền mới nhanh chóng không thể trụ vững được nữa nên đã nhờ sự cứu viện của Liên Xô. Năm 1979, quân đội Liên Xô lái xe tăng tiến vào Afghanistan và chiến tranh bắt đầu: một bên là chính quyền và quân đội của Liên Xô đứng sau, một bên kia là dân chúng vũ trang.
Đó là thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh, đằng sau dân chúng vũ trang ở Afghanistan lại có sự hậu thuẫn của Mỹ, Pakistan, ĐCSTQ và Ả Rập Xê-út, điều này khiến quân đội Liên Xô rơi vào vũng lầy. Lúc này, Osama bin Laden từ bỏ cuộc sống giàu sang ở Ả Rập Saudi và đến Afghanistan. Trước khi trở thành kẻ thù số một của nước Mỹ, ông ta đã thực sự là một chiến hữu của Mỹ.
Năm 1989, Liên Xô và Đông Âu thay đổi mạnh, Liên Xô rút quân. Từ năm 1992 đến năm 1996, các tổ chức vũ trang cùng nhau chống lại Liên Xô bắt đầu chiến đấu lẫn nhau. Cuộc nội chiến hỗn loạn cuối cùng đã tạo ra một kẻ chiến thắng, nhưng đây không phải là một kẻ chiến thắng bình thường, mà là tổ chức cực đoan Taliban.
Vốn dĩ tàn bạo như Taliban, dù không xây dựng được đất nước tốt đẹp thì cũng có thể xây dựng đất nước vận hành hiệu quả, tuy nhiên do Taliban quá không bình thường, và đủ kiểu hành động đồi bại ngang ngược, khiến cho các đối tác nhỏ lẻ trước đây vốn đã chém giết lẫn nhau đoàn kết lại để đối kháng với Taliban. Đây là “Lực lượng đồng minh phương Bắc” nổi tiếng. Do đó, ngay cả khi Taliban lên nắm quyền, nhưng nội chiến ở Afghanistan vẫn tiếp diễn cho đến khi Taliban bị quân đội Mỹ lật đổ vào năm 2001. Từ năm 1978 đến 2001, khoảng 1 đến 2 triệu người chết trong chiến tranh ở Afghanistan, 4 triệu người chạy sang Pakistan và Iran, và hàng triệu người khác phải sống lang thang ở trong nước.
Khi sự kiện khủng bố tại Mỹ xảy ra vào ngày 11/9/2001, chính quyền Taliban ở Afghanistan vì bảo vệ bin Laden nên đã dẫn đến cuộc xâm lược của quân đội Mỹ, đây từng được coi là bước ngoặt đối với Afghanistan. Tuy nhiên, cũng giống như Liên Xô cách đây 20 năm, quân đội Mỹ đã dần chìm trong cơn ác mộng khó tỉnh. Năm 2001, cả thế giới tin rằng quân đội Mỹ đã đánh đuổi Taliban, nhưng kể từ năm 2006, Taliban lại quay trở lại. Đến năm 2019, chính phủ chỉ còn kiểm soát 35% lãnh thổ và Taliban chiếm 13% lãnh thổ Afghanistan. Một nửa lãnh thổ còn lại là nơi hai bên triển khai thế trận giằng co.
Trên thực tế ở Afghanistan, khó có chính phủ hay chính thể nào có thể xây dựng một đất nước bình thường. Hơn 40 năm qua, Afghanistan đã thử nghiệm các chế độ quân chủ lập hiến, cộng hòa độc tài, chính quyền cộng sản, chính trị thần quyền, dân chủ Mỹ và chế độ vô chính phủ, nhưng trong tất cả các cuộc thử nghiệm này, việc xây dựng nhà nước đều thất bại. Do đó Afghanistan được gọi là “nghĩa địa của những đế chế”.
Vì sao lại thất bại?
Tại sao tiến trình xây dựng đất nước ở Afghanistan lại khó khăn trùng trùng như vậy? Có ít nhất 4 yếu tố: (1) Địa hình đồi núi nhiều, khó hình thành chính quyền tập trung, điều này tạo ra truyền thống chính trị chủ nghĩa bộ lạc; (2), vị trí địa lý của các cường quốc khiến các cuộc nội chiến thường trở thành cuộc chiến ủy nhiệm của các cường quốc, và chiến tranh khó có thắng thua, giải quyết dứt điểm trong một trận chiến là không thể, và khó hình thành cục diện lũng đoạn bạo lực; (3) Chủ nghĩa cuồng tín tôn giáo sinh ra do Liên Xô xâm lược đã đầu độc nền văn hóa của Afghanistan, gây khó khăn cho việc thiết lập lực lượng chính trị thế tục; (4) Kết cấu nhà nước đa sắc tộc này cũng khiến các lực lượng chính trị của tất cả các bên khó đạt được sự đồng thuận về phương án phân bổ quyền lực.
Afghanistan đã kết hợp các yếu tố trên thành một, và kết quả là nước này trở thành một trong những “quốc gia thất bại” ngoan cố nhất trên thế giới hiện nay.
Vì sao Mỹ rút quân?
- Lý do Mỹ gửi quân đến Afghanistan:
Osama bin Laden, thủ phạm của vụ tấn công khủng bố Mỹ ngày 11/9/2001, được chính quyền Taliban ở Afghanistan che chở, do đó Mỹ đưa quân đến lật đổ chính quyền Taliban.
- Lý do cơ bản cho việc rút quân: Lợi ích quốc gia của Mỹ
Sau khi quân đội Mỹ tiêu diệt bin Laden vào năm 2011, mối thù của Mỹ đã được trả, đã không còn lý do để ở lại Afghanistan nên bắt đầu kế hoạch rút quân. Phía Mỹ hy vọng chính quyền mà họ dìu dắt có thể tự bảo vệ mình và người dân trong nước. Nhưng niềm hy vọng này đã bị thất bại, chính quyền mới mới không có khả năng và cũng không có ý nguyện bảo vệ quốc gia. Mỹ không thể cứ mãi lấp cái động không đáy như Afghanistan, nên phải rút quân để tránh tiêu hao không ngừng nghỉ sinh mạng của người dân và tiền của những người đóng thuế. Nói một cách đơn giản, để chấm dứt tổn thất, nên rút càng sớm càng tốt.
- Tình hình thế giới hiện nay khiến Mỹ phải thu lại sức mạnh quốc gia của mình và thực hiện một sự thay đổi chiến lược lớn để tập trung nỗ lực ứng phó với mối đe dọa của ĐCSTQ đối với trật tự toàn cầu.
- Việc rút quân có làm tổn hại đến uy tín đối với các nghĩa vụ quốc tế của Mỹ mà nước này đã cam kết không? Đài Loan có lý do để lo lắng không?
- Afghanistan và Đài Loan không thể so sánh được. Nói ngắn gọn, việc bảo vệ Đài Loan là lợi ích quốc gia thực sự của Mỹ và nó cũng là lợi ích địa chính trị của phương Tây. Hiện giờ nếu vẫn đồn trú ở Afghanistan thì sẽ tổn hại đến lợi ích quốc gia của Mỹ.
- Không có bất cứ quốc gia nào có thể bảo vệ và gồng gánh lâu dài một chính phủ thiếu ý chí chính trị và năng lực tự bảo vệ mình.
- Đối với Mỹ mà nói, đau chốc lát vẫn hơn cái đau lâu dài.
ĐCSTQ có thể lấp chỗ trống mà Mỹ để lại không?
- Thái độ hiện nay của Bắc Kinh có sự khác biệt so với mấy tháng trước
Trước đây, ĐCSTQ đã lên án việc Mỹ rút quân là “vô trách nhiệm và tạo ra bất ổn khu vực”, nhưng giờ lại ca ngợi Taliban là “một lực lượng chính trị và quân sự quan trọng ở Afghanistan”. Taliban còn bày tỏ “hy vọng sẽ phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và mong muốn Trung Quốc tham gia vào công cuộc tái thiết và sự phát triển của Afghanistan. Không bao giờ cho phép bất kỳ thế lực nào sử dụng lãnh thổ Afghanistan để làm những việc gây nguy hại cho Trung Quốc.”
- ĐCSTQ hiện là nước ủng hộ trên quốc tế quan trọng nhất của Taliban.
ĐCSTQ không chỉ sẵn sàng hỗ trợ kinh tế cho Taliban mà còn tán thành tính hợp pháp của chính quyền Taliban.
Bắc Kinh cố gắng sử dụng chiến thuật chủ nghĩa cơ hội để đạt được các lợi ích địa chính trị.
- Bắc Kinh ngày càng trở nên bị cô lập sau khi bị mắc kẹt bởi “Liên minh xuyên Đại Tây Dương” của thế giới dân chủ và cả NATO, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và liên minh “Mỹ – Nhật – Úc – Ấn Độ”. Để thoát khỏi tình thế bị cô lập, khi đói thì sẽ không thể chọn đồ ăn, không có lựa chọn và không phân biệt tốt xấu. Vậy nên, ĐCSTQ đã không ngại nhờ đến sự trợ giúp của Taliban, một tổ chức mà năm xưa từng bị họ nguyền rủa.
- Bắc Kinh chần chừ ở 2 vấn đề, vừa muốn thu được lợi ích kinh tế (Vành đai và Con đường) và chính trị từ Taliban, nhưng cũng muốn tránh việc ảnh hưởng của chủ nghĩa Hồi giáo chính thống Taliban đối với khu vực Tây Bắc Trung Quốc. Cảm giác của tôi là, cuối cùng có lẽ sẽ có hiệu quả ngược lại: tức khó có thể đạt được những lợi ích của Sáng kiến ‘Vành đai và Con đường’ (khu vực này sẽ hỗn loạn hơn sau khi Mỹ rút quân), và rất khó tránh sự bành trướng của lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Tây Bắc Trung Quốc. Chúng ta hãy chú ý theo dõi kết quả của quá trình biến đổi lịch sử!
Theo chuyên mục Nhìn thấu Trung Quốc, RFA
(Bài viết thể hiện lập trường và quan điểm của cá nhân tác giả)
Xem thêm:
Từ khóa Afghanistan Taliban nghĩa địa của những đế chế