27 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia
- Nguyễn Sơn
- •
Các hiện vật, nhóm hiện vật vừa được công nhận là bảo vật quốc gia thuộc nhiều nền văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Óc Eo, văn hóa Đông Sơn…, và rải rác từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX.
27 hiện vật, nhóm hiện vật vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định công nhận là bảo vật quốc gia trong đợt 8 – đợt xét duyệt năm 2019.
Các hiện vật, nhóm hiện vật vừa được công nhận là bảo vật quốc gia gồm:
1. Sưu tập nha chương (Niên đại: Văn hóa Phùng Nguyên, khoảng 3.500 năm cách ngày nay; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ).
2. Trống đồng Quảng Chính (Niên đại: Văn hóa Đông Sơn, khoảng Thế kỷ III – II trước Công nguyên; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh).
3. Trống đồng Trà Lộc (Niên đại: Văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2.500 năm; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, thuộc Trung tâm quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị).
4. Linga – Yoni gỗ Nhơn Thành (Niên đại: Văn hóa Óc Eo, Thế kỷ V; hiện lưu giữ tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ).
5. Tượng Phật gỗ Giồng Xoài (Niên đại: Văn hóa Óc Eo, Thế kỷ IV – VI; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh An Giang).
6. Tượng Phật đá Khánh Bình (Niên đại: Văn hóa Óc Eo, Thế kỷ VI – VII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh An Giang).
7. Tượng sư tử đá chùa Hương Lãng (Niên đại: cuối Thế kỷ XI – đầu Thế kỷ XII; hiện lưu giữ tại chùa Hương Lãng, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên).
8. Tượng đôi sư tử đá đền – chùa Bà Tấm (Niên đại: Thế kỷ XII; hiện lưu giữ tại đền – chùa Bà Tấm, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội).
9. Hai tượng Hộ pháp chùa Nhạn Sơn (Niên đại: Thế kỷ XII – XIII; hiện lưu giữ tại chùa Nhạn Sơn, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định).
10. Tượng Mẫu Âu Cơ (Niên đại: Thế kỷ XIX, hiện thờ tại Khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ).
11. Chuông Nhật Tảo (Niên đại: Thế kỷ X; hiện lưu giữ tại đình Nhật Tảo, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội).
12. Bia “Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh” (Niên đại: thời Lý – Trần; hiện lưu giữ tại chùa Cảnh Lâm, xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).
13. Bia Ma nhai Ngự chế của Vua Lê Thái Tổ (Niên đại: năm 1431; trên vách núi Phia Tém, xã Bình Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng).
14. Đại Việt Lam Sơn Kính Lăng bi – Bia Lăng Vua Lê Túc Tông (Niên đại: Thế kỷ XVI; hiện lưu giữ tại Di tích lịch sử Lam Kinh, tỉnh Thanh Hóa).
15. Bia “Sùng chỉ bi ký” (Niên đại: năm 1696; hiện lưu giữ tại đền thờ Hà Tông Mục, xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).
16. Bia “Ngự kiến Thiên Mụ tự” (Niên đại: năm 1715; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế).
17. 12 Bia Tiến sĩ Văn Miếu Bắc Ninh (Niên đại: năm Kỷ Sửu, niên hiệu Thành Thái – 1889; hiện lưu giữ tại di tích Văn Miếu Bắc Ninh, phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).
18. Bộ chóp tháp Champa Linh Thái (Niên đại: Thế kỷ XII – XIII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên – Huế).
19. Thống đồng thời Trần (Niên đại: Thế kỷ XIII – XIV; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh).
20. Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu (Niên đại: thời Lê sơ – Thế kỷ XV; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh).
21. Khám thờ gỗ sơn son thếp vàng (Niên đại: Thế kỷ XVI; hiện lưu giữ tại Di tích đền – chùa Bà Tấm, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội).
22. Ngai thờ gỗ sơn son thếp vàng (Niên đại: Thế kỷ XVII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thái Bình).
23. Cửa võng đình Diềm (Niên đại: Thế kỷ XVII; hiện lưu giữ tại đình Diềm, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).
24. Bộ Phủ Việt đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng (Niên đại: Thế kỷ XVII; hiện thờ tại đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).
25. Bộ Phủ Việt đền thờ Vua Lê Đại Hành (Niên đại: Thế kỷ XVII; hiện thờ tại đền thờ Vua Lê Đại Hành, Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).
26. Long đao (Niên đại: Thế kỷ XVII – XVIII; hiện lưu giữ tại Khu di tích tưởng niệm Vương triều Mạc, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng).
27. Ấn “Lương Tài Hầu chi ấn” (Niên đại: Thế kỷ XIX; hiện lưu giữ tại Bảo tàng TP.HCM).
Theo quyết định, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chủ tịch UBND các cấp nơi có bảo vật quốc gia; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; người đứng đầu ngành, tổ chức được giao quản lý bảo vật quốc gia trên theo quy định về di sản văn hóa.
Theo Điều 4 Luật Di sản văn hóa 2001, Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hoá, khoa học. Bảo vật quốc gia có thể nằm trong nhóm Di sản văn hóa vật thể và Di tích lịch sử – văn hoá. Theo Luật Di sản văn hóa 2001, Di sản văn hoá vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, bao gồm di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; còn Di tích lịch sử – văn hoá là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học. |
Tại hội thảo khoa học Di sản đô thị ở TP.HCM trong quá trình hiện đại hóa: Bảo tồn để phát triển bền vững (tháng 10/2019), TS Nguyễn Minh Hòa đưa ra một danh sách gồm 18 di sản nổi tiếng Sài Gòn đã biến mất. Trong đó có: Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại khu vực Ba Son và ụ tàu, cầu sắt trong Thảo cầm viên, cầu Ba Cẳng độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á trên kênh Hàng Bàng (quận 6), tháp quan sát phòng cháy chữa cháy đầu tiên của TP ở khuôn viên Sở Cảnh sát PCCC, trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất, công viên Chi Lăng, quán cà phê Givral, Thương xá Tax, Nhà đèn Chợ Quán, cầu Nhị Thiên Đường, vòng xoay Quách Thị Trang cùng tượng Trần Nguyên Hãn… |
Nguyễn Sơn
Xem thêm:
Từ khóa Di sản văn hóa bảo vật quốc gia Luật Di sản văn hóa