Việt Nam dự kiến sẽ hợp tác về vốn vay, công nghệ, nhân lực với Trung Quốc đối với ba tuyến đường sắt kết nối Việt Nam – Trung Quốc, gồm: Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; Lạng Sơn – Hà Nội; Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng.

3 tuyen duong sat vn tq thu tuong de nghi trung quoc uu dai von vay cong nghe nhan luc 0
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên hợp tác các dự án giao thông (đường sắt, hàng không), nâng cao hiệu suất thông quan, sử dụng hiệu quả nguồn nước sông Mekong – Lan Thương, giải quyết vấn đề ngư dân trên Biển Đông… (Ảnh: Nhật Bắc/baochinhphu.vn)

Trưa 13/10, tại trụ sở Chính phủ, sau buổi hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã chứng kiến lễ trao 10 văn kiện hợp tác giữa hai nước.

Trong đó có các bản ghi nhớ hợp tác 3 tuyến đường sắt kết nối các địa phương phía bắc Việt Nam với Trung Quốc.

Các bản ghi nhớ gồm: Bản ghi nhớ giữa Bộ GTVT Việt Nam và Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc về phương án kỹ thuật kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc).

Biên bản làm việc giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc về việc khảo sát hiện trường nghiên cứu tính khả thi dự án viện trợ lập Quy hoạch các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Hà Nội và Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng.

Trong lĩnh vực thông tin, giáo dục, có Bản ghi nhớ hợp tác giữa Thông tấn xã Việt Nam và Đài Phát thanh truyền hình Trung ương Trung Quốc; Bản ghi nhớ hợp tác toàn diện giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc).

Trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại, có 2 Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc về tăng cường hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng nông sản bền vững và về việc thành lập Nhóm công tác nghiên cứu về mô hình xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc; Bản ghi nhớ giữa Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) với Công ty UnionPay International về việc triển khai dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua mã QR giữa Việt Nam – Trung Quốc.

Ngoài ra, có Kế hoạch hành động giữa Tổng cục Hải quan Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Chương trình Doanh nghiệp ưu tiên của Hải quan Việt Nam và Chương trình Quản lý tín nhiệm doanh nghiệp của Hải quan Trung Quốc.

Thủ tướng đề nghị Trung Quốc ưu đãi vốn vay, công nghệ, nhân lực để làm 3 tuyến đường sắt

Tại buổi hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên phối hợp triển khai hiệu quả các văn kiện về hợp tác đường sắt đã ký kết, hợp tác phát triển ngành công nghiệp đường sắt hiện đại.

Ông Chính đề nghị phía Trung Quốc cung cấp vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực để triển khai ba tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối các địa phương phía bắc Việt Nam với Trung Quốc, gồm: Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Lạng Sơn – Hà Nội, Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng.

3 tuyen duong sat vn tq thu tuong de nghi trung quoc uu dai von vay cong nghe nhan luc
Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh Trung Quốc coi trọng cao độ quan hệ với Việt Nam, luôn coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc. (Ảnh: Nhật Bắc/baochinhphu.vn)

Đại diện phía Việt Nam đề nghị Bắc Kinh tạo điều kiện để Việt Nam thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hải Khẩu trong năm 2024 và thành lập các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Thành Đô (Tứ Xuyên), Nam Kinh (Giang Tô), để nâng cao hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính đề nghị hai bên đẩy mạnh hợp tác về tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ, giáo dục, văn hóa, du lịch, môi trường, tăng cường chia sẻ dữ liệu khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước trên các sông xuyên biên giới; hợp tác quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả nguồn nước sông Mekong – Lan Thương…

Đáp lại, Thủ tướng Trung Quốc đề nghị hai bên tăng cường kết nối chiến lược, nhất là về cơ sở hạ tầng giao thông; thúc đẩy hợp tác về kinh tế-thương mại, đầu tư, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo, nông nghiệp, hợp tác duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, đề nghị mở thêm các chuyến bay hai chiều.

Việt Nam đề nghị xử lý vấn đề “tàu cá ngư dân” theo quan hệ hữu nghị

Đối với vấn đề trên biển Đông, Thủ tướng Việt Nam và Trung Quốc thống nhất tiếp tục thực hiện theo Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc (gồm 6 điểm, ký ngày 11/10/2011).

Việt Nam đề nghị kiểm soát thỏa đáng bất đồng theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển UNCLOS 1982, “không có hành động làm phức tạp tình hình, cùng duy trì ổn định trên biển”.

Về vấn đề tàu cá ngư dân, Thủ tướng Chính đề nghị hai bên xử lý thỏa đáng phù hợp với quan hệ hữu nghị giữa hai nước, không để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng tin cậy chính trị giữa hai bên và tổn thương tình cảm, lòng tin của nhân dân hai nước.

Nguyễn Quân