Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam dự kiến sẽ được đầu tư theo hình thức đầu tư công, sử dụng 100% vốn ngân sách. Cận ngày trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, đại diện phía Chính phủ cho hay “Bộ Chính trị và Trung ương đã quyết định không phụ thuộc vào nước ngoài”.

du an duong sat toc do cao bac nam bo chinh tri quyet dinh khong phu thuoc vao nuoc ngoai
Phối cảnh đoàn tàu trên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. (Hình ảnh: AI/baochinhphu.vn

Dự kiến trong tháng 10, dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, ước tính tổng vốn đầu tư hơn 67 tỷ USD, sẽ được trình lên Quốc hội để cơ quan này thông qua chủ trương đầu tư.

Sáng 5/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và triển khai các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc.

Trong các nội dung được đưa ra trong cuộc họp, có vấn đề các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý thực hiện dự án, đề xuất cần cơ chế đặc thù về huy động nguồn lực và thủ tục đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam.

Về nguồn lực, Thủ tướng Chính cho hay phải đề xuất cơ chế huy động, đa dạng hóa các nguồn lực, gồm nguồn lực đầu tư công của Trung ương, địa phương, nguồn lực từ vốn vay, phát hành trái phiếu và các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện dự án.

Trong cuộc họp báo chiều 1/10 do Bộ GTVT tổ chức, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết Chính phủ đã chọn hình thức đầu tư công đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Thứ trưởng Huy cho hay: “Bộ Chính trị và Trung ương đã quyết định không phụ thuộc vào nước ngoài, bởi vay bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ phải ràng buộc. Chúng ta xác định đầu tư công dựa trên các phương án cân đối nguồn vốn trong nước và vay vốn nước ngoài với điều kiện ưu đãi và ít ràng buộc, điều kiện lớn nhất là chuyển giao công nghệ cho Việt Nam” – báo Chính phủ tường thuật.

Bên cạnh vấn đề nguồn vốn là việc lựa chọn công nghệ nước nào để làm đường sắt tốc độ cao. Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay việc chọn công nghệ nước nào phụ thuộc vào điều kiện chuyển giao công nghệ, hỗ trợ ra sao sau đó mới quyết định lựa chọn.

Cần huy động 67,34 tỷ USD để hoàn thành dự án vào năm 2035

Tại cuộc họp báo ngày 1/10, khi trả lời câu hỏi của phóng viên về khả năng bố trí vốn nếu dự án được đầu tư công, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho hay theo Luật Đầu tư công, nếu đầu tư công thì sử dụng 100% vốn ngân sách để làm. Vốn ngân sách theo luật ngân sách có nhiều nguồn vốn, có thể cân đối từ nguồn thu chi. Nếu chưa đủ có thể phát hành trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu quốc tế.

Trường hợp vay nước ngoài phải đi kèm điều kiện ưu đãi, ít ràng buộc và điều kiện lớn nhất là phải chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, ông Huy cho biết.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 67,34 tỷ USD (khoảng 1,713 triệu tỷ đồng). Suất đầu tư khoảng 43,7 triệu USD/km, là mức trung bình so với một số nước khi quy đổi về thời điểm năm 2024.

Trong 12 năm thi công, dự kiến nguồn vốn ngân sách mỗi năm bình quân là khoảng 5,6 tỷ USD, tương đương khoảng 16,2% vốn đầu tư công giai đoạn 2026-2030 nếu Việt Nam giữ nguyên tỷ lệ đầu tư công trung hạn như hiện nay (chiếm 5,5 – 5,7% GDP).

Theo Thứ trưởng Huy, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam nói rõ Việt Nam chưa có nhà thầu nào từng làm đường sắt tốc độ cao. Bên cạnh đó, với các dự án hạ tầng thì lâu nhất là công tác giải phóng mặt bằng; nhiều dự án dự kiến giải phóng mặt bằng 3 năm nhưng kéo dài lên 5 – 6 năm.

Tuy nhiên, ông Huy khẳng định: “Không phải chúng ta không có gì mà chúng ta đã có đội ngũ có thể làm tất cả về kết cấu hạ tầng”, như phần cầu đường, hầm đến cầu dây văng. Đại diện Bộ GTVT dẫn ví dụ cầu dây văng Mỹ Thuận 2, Việt Nam đã có thể thực hiện 100% từ thiết kế đến thi công; làm hầm thì các doanh nghiệp như Sơn Hải, Sông Đà 10, Đèo Cả đã tự chủ toàn phần.

Với sự tham gia của nhà thầu nước ngoài, điều kiện tiên quyết là phải sử dụng dịch vụ hàng hóa mà trong nước sản xuất được, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước tham gia với thị trường xây dựng lên tới 34 tỷ USD.

Theo phương án được tư vấn nghiên cứu đề xuất, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có chiều dài khoảng 1.541 km, đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa; tốc độ thiết kế 350 km/h, chủ yếu vận chuyển hành khách, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Điểm đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), qua 20 tỉnh, thành phố, điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM). Tuyến đường kết nối trực tiếp hai đô thị loại đặc biệt với quy mô dân số lên đến khoảng 10 triệu người, 17 đô thị loại 1 có quy mô dân số từ 500 nghìn người trở lên, chưa kể các đô thị nhỏ hơn.

Trên toàn tuyến có 23 ga khách với cự ly trung bình từ 50 – 70 km, 5 ga hàng hóa gắn với các đầu mối hàng hoá, đảm bảo nhu cầu hậu cần quốc phòng khi có nhu cầu.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 67 tỷ USD, dự kiến sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thời gian bố trí vốn trong khoảng 12 năm, mỗi năm bình quân khoảng 5,6 tỷ USD.

Theo lộ trình dự kiến, dự án sẽ được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tháng 10/2024; khởi công vào cuối năm 2027, hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035.

Ngoài tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, 3 tuyến đường sắt kết nối Việt Nam – Trung Quốc đang được các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu các phương án, hợp tác triển khai, gồm tuyến: Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; Lạng Sơn – Hà Nội; Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng.

Nguyễn Quân