Trong buổi lấy ý kiến vào sáng 17/11, 321/414 đại biểu Quốc hội không đồng ý chuyển việc quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. 302 đại biểu không đồng tình việc tách luật Luật giao thông đường bộ hiện hành thành Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) (thuộc quyền của Bộ GTVT) và Luật bảo đảm an toàn trật tự giao thông đường bộ (thuộc quyền của Bộ Công an).

bo truong to lam 1
Bộ Công an đang thúc đẩy việc thông qua Luật bảo đảm an toàn trật tự giao thông đường bộ, trong đó, có quyền đào tạo, cấp giấy phép lái xe trên toàn quốc. Trong ảnh, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình vào cuối chiều 16/11/2020. (Ảnh: quochoi.vn)

Sáng 17/11, Tổng thư ký Quốc hội Việt Nam – ông Nguyễn Hạnh Phúc lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội về một số nội dung của hai luật Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật bảo đảm an toàn trật tự giao thông đường bộ. Hai dự án này được ”tách” từ Luật giao thông đường bộ hiện hành.

Ba nội dung được đưa ra để lấy ý kiến, thứ nhất là có tách nội dung bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong luật Giao thông đường bộ để ban hành luật riêng về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ hay không.

Thứ 2 là đề xuất Chính phủ về việc thay đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

Thứ 3, về thời điểm thông qua luật (kể cả tách hoặc không tách), tại kỳ họp 11 của khóa XIV hay tại kỳ họp 2, Quốc hội khóa XV.

Kết quả, trong tổng 414 đại biểu Quốc hội, tại nội dung thứ nhất có 104 đại biểu tán thành tách luật, tương đương 21,62% tổng số đại biểu; 302 đại biểu không tán thành, tương đương 62,7% tổng số đại biểu.

Nội dung thứ hai, có 86 phiếu đồng tình chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, chiếm 17,8% tổng số đại biểu Quốc hội. 321 đại biểu không đồng ý, tương đương 66,7% tổng số đại biểu.

Có 7 đại biểu không chọn phương án (đồng ý hay không đồng ý) và 9 đại biểu có ý kiến khác.

Nội dung thứ ba, về thời điểm thông qua luật, 153/414 đại biểu chọn thời điểm là kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIV (36,96%). Chiếm đa số, 251 đại biểu (60,63%) chọn kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. 10 đại biểu không chọn phương án nào và 36 đại biểu có ý kiến khác.

Trước đó một ngày, 16/11, dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được đưa ra thảo luận tại hội trường sau khi thảo luận tại tổ. Truyền thông trong nước dẫn nhiều ý kiến bất đồng tình của các đại biểu Quốc hội đối với việc  tách luật Luật giao thông đường bộ hiện hành thành Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) (thuộc quyền của Bộ GTVT) và Luật bảo đảm an toàn trật tự giao thông đường bộ (thuộc quyền của Bộ Công an).

Ông Cao Văn Trọng (đoàn Bến Tre) cho rằng 2 dự thảo luật có những nội dung lặp đi lặp lại, và đường bộ thì không độc lập, đường bộ còn liên quan đến các loại đường khác, đặc biệt là đường sắt, hàng không…, do đó nếu tách ra sẽ bất cập trong quản lý, gia tăng thủ tục hành chính.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho rằng các luật khác về đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không cũng đang có kết cấu điều chỉnh bốn thành tố như luật giao thông đường bộ, mang tính quy chuẩn. Tách luật giao thông đường bộ sẽ phá vỡ tính logic.

Một số đại biểu bày tỏ trực tiếp về khả năng “phình lớn” về quyền lực của Bộ Công an. Ông Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) nêu khi thực hiện Luật công an nhân dân đã làm phát sinh hơn 126.000 công an xã thì việc chuyển cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an cần đảm bảo ra sao. Ngoài ra, còn là vấn đề kiểm soát vi phạm luật trong ngành công an. “Ai đảm bảo, khẳng định và dám chịu trách nhiệm cá nhân là khi chuyển sang Bộ Công an không có giấy phép lái xe giả, tai nạn giao thông giảm trong khi giấy tờ của ngành công an cấp cũng có trường hợp giả như hộ chiếu, chứng minh nhân dân”, ông Hận nêu.

Ông Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng việc tách ra làm hai luật chẳng khác nào “tách mẹ ra khỏi con, lấy gan ghép thận”, là chẻ đôi luật, chẻ đôi các loại thủ tục. Ông Nhưỡng đề nghị nếu tách hai luật thì chuyển Cảnh sát giao thông về Bộ GTVT quản lý cho đảm bảo tính đồng bộ.

Ngoài nêu các ý kiến bất đồng tình về việc tách luật, nhiều đại biểu cũng đề nghị lùi luật này sang Quốc hội khóa XV thay vì khóa XIV để có nhiều thời gian chuẩn bị.

Đối với hai bộ trưởng chịu trách nhiệm chính về dự luật, sau bài giải trình khá dài vào cuối phiên thảo luận, ông Nguyễn Văn Thể – Bộ trưởng Bộ GTVT không nêu chính kiến về tách hay không tách luật.

Trong khi đó, ông Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an phát ngôn rằng nếu Quốc hội đồng ý ban hành luật này và giao trách nhiệm cho Bộ Công an thì sẽ không tăng biên chế, không tăng chi phí, và việc làm 2 luật thì “không phải là việc tách luật, chia luật hoặc chia quyền, chúng tôi không có ý đó” mà là càng ngày càng đi vào những lĩnh vực cụ thể, càng quy định phải chi tiết những vấn đề luật pháp.

Sơn Nguyên

Xem thêm: