Theo báo cáo, khoảng 9 dự án BOT bị phá vỡ phương án tài chính nếu phải lùi thời điểm tăng phí đến năm 2022.

trạm bot
9 dự án BOT bị phá vỡ tài chính nếu phải lùi thời điểm tăng phí. (Ảnh minh họa: Nguyễn Tuân)

Chính phủ vừa có báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018. Trong đó, có những nội dung liên quan đến BOT.

Theo báo cáo, tới thời điểm hiện tại, Bộ GTVT đã dừng 14 dự án BOT có tiêu chí trên đường hiện hữu, trong đó 4 dự án đã ký hợp đồng và đang triển khai, 10 dự án đã phê duyệt đề xuất dự án hoặc đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Đồng thời, điều chỉnh, xử lý bổ sung một số hạng mục địa phương kiến nghị đối với các dự án BOT do UBND các tỉnh, thành phố đang triển khai.

Tuy nhiên, các địa phương có tuyến BOT đi qua liên tục kiến nghị với Thủ tướng về việc bố trí vốn từ ngân sách để đầu tư các dự án theo hình thức đầu tư công do các tuyến này đã xuống cấp, ảnh hưởng việc lưu thông của người dân.

Chính phủ đã báo cáo Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án đường bộ ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An từ hình thức đối tác công tư (PPP) sang hình thức đầu tư công sử dụng ngân sách nhà nước và đã được Quốc hội chấp thuận tại Nghị quyết số 71/2018/QH14 ngày 12/11/2018. Đối với một số dự án khác, khi chưa có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước có thể sẽ gây bức xúc trong xã hội.

Để giải quyết vấn đề trên, trong dự thảo Luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP, các Bộ, ngành đang nghiên cứu quy định về đầu tư nâng cấp, cải tạo các dự án trên đường hiện hữu theo hướng không thu phí trực tiếp từ người sử dụng và Nhà nước thanh toán trực tiếp cho nhà đầu tư dựa trên chất lượng dịch vụ yêu cầu tại hợp đồng dự án.

Chính phủ chưa cân đối được tiền mua lại trạm BOT

Bộ GTVT cho biết đến nay một số dự án BOT có sự sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu.

Cơ quan này cho rằng nguyên nhân sụt giảm do lưu lượng phương tiện thấp hơn so với dự báo; do xuất hiện các tuyến đường song hành, đường ngang qua khu vực trạm thu phí dẫn đến xe tránh trạm hoặc phân lưu, một số địa phương đầu tư các dự án giao thông đi song hành hoặc ngang qua khu vực trạm thu phí.

Nguyên nhân sụt giảm còn do giảm phí và chưa tăng phí theo đúng lộ trình trong hợp đồng. Ngoài ra còn có sự thay đổi về số lượng trạm thu phí và hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước so với phương án ban đầu tại một số dự án.

Việc sụt giảm doanh thu không như dự kiến ban đầu sẽ dẫn tới khó khăn cho các nhà đầu tư dự án BOT và ngân hàng tài trợ. Hiện Chính phủ đang xem xét để xử lý các vấn đề trên” – Chính phủ đánh giá.

Để xử lý bất cập tại trạm thu phí, Chính phủ cho rằng nhà nước cần bố trí nguồn vốn để mua lại các dự án. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay rất khó để cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện.

Thủ tướng đang giao Bộ GTVT tiếp tục rà soát báo cáo Chính phủ xem xét giải quyết từng trạm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, Nhà đầu tư và người sử dụng.

9 dự án bị phá vỡ phương án tài chính nếu phải lùi thời điểm tăng phí

Cũng theo báo cáo, hiện nay, 39 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý đã giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ; 49 dự án BOT đã đến kỳ tăng phí theo hợp đồng nhưng Bộ chưa tăng phí vì chưa có ý kiến của Chính phủ.

Khoảng 9 dự án bị phá vỡ phương án tài chính nếu phải lùi thời điểm tăng phí đến năm 2022. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của dự án, không đảm bảo kế hoạch trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết với ngân hàng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến môi trường kêu gọi đầu tư” – báo cáo nêu.

Kim Long

Xem thêm: