Hơn 20 ngày kể từ thời điểm bà Nguyễn Thị Kim Ngân được miễn nhiệm chức Chủ tịch Quốc hội, lần lượt nhiều trang báo nhà nước lan tin đầu tháng 5 tới, vụ 9 người đi cùng chuyên cơ, tháp tùng bà này sang Hàn Quốc hồi tháng 12/2018 sẽ được đưa ra xét xử. Các cơ quan tố tụng của TP Hà Nội nhận định các bị cáo có động cơ mục đích rõ ràng, còn các bộ, cục, hay Văn phòng Quốc hội không biết và bị “lợi dụng”.

9 người bỏ trốn tại hàn quốc
Đài MBC (Hàn Quốc) đưa tin về người Việt nam bỏ trốn ở lại Hàn Quốc. (Ảnh chụp màn hình/MBC )

Ngày 6/5 tới, TAND TP Hà Nội công bố sẽ xét xử sơ thẩm 8 người bị cho là chủ mưu trong việc tổ chức cho 9 người Việt Nam “đi nhờ” chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sang Hàn Quốc vào tháng 12/2018 rồi trốn ở lại, truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin kể từ hôm 23/4.

Theo cáo trạng được báo chí trong nước đăng tải, 3 người bị truy tố về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”, gồm: Lê Thị Liễu (SN 1986, Giám đốc Công ty CP GVA), Trịnh Bang Dũng (SN 1968, trú tại khối Trung Hòa 1, phường Lê Mao, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) và Ngô Xuân Hiếu (SN 1969, trú tại xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An)

5 người bị truy tố về tội “Môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài”, gồm: Lê Thị Xuân, nguyên là đại diện Văn phòng tư vấn du học Công ty CP Tư vấn du học quốc tế IEC; Trần Thị Tuyết, nguyên cán bộ tạp chí Kinh tế và dự báo (Bộ Kế hoạch – đầu tư); Nguyễn Thị Lương (trú huyện Hưng Nguyên, Nghệ An); Lương Mạnh Hùng, nguyên giám đốc Công ty CP Đào tạo và tư vấn giáo dục TD Việt Nam và Trần Phục Hưng, nguyên giám đốc Công ty TNHH MTV tư vấn du học Nhật Bản Bắc Nam.

Đường dây đưa người ra nước ngoài được “cài” trong hoạt động của Chính phủ

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, ngày 6/8/2018, Ủy ban đối ngoại của Quốc hội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch Quốc hội đi thăm và làm việc tại Hàn Quốc từ ngày 25/9 – 2/10/2018, sau đó, lịch thay đổi từ ngày 4-7/12/2018.

Bộ KH-ĐT giao Cục Đầu tư nước ngoài, Trung tâm xúc tiến đầu tư phía bắc (thuộc cục này) tổ chức đoàn doanh nghiệp này. Theo quy định của ban tổ chức, thành phần được tham gia đoàn là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đầu tư, thương mại.

Ngày 27/8/2018, Bộ KH-ĐT phát thư mời và biểu mẫu để các doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký tham gia.

Tròn 3 tháng sau, ngày 27/11/2018, danh sách đoàn doanh nghiệp được Bộ KH-ĐT chốt duyệt. Bộ này gửi văn bản đề nghị Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam hỗ trợ cấp visa cho 86 cá nhân thuộc 44 doanh nghiệp trong danh sách. Đến ngày 3/12/2018, Đại sứ quán Hàn Quốc cấp visa cho 53 cá nhân thuộc 35 doanh nghiệp (do một số đoàn đã đăng ký nhưng không tham gia, một số cá nhân có hộ chiếu công vụ hoặc thẻ APEC).

hanquoc2
Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đi thăm Hàn Quốc (Ảnh chụp màn hình)

Tuy nhiên, khi kết thúc lịch trình công tác – ngày 7/12/2018, 9 người trong đoàn đã trốn ở lại Hàn Quốc. Theo cáo trạng công bố, 6/9 người bỏ trốn không phải là doanh nhân mà là nằm trong đường dây đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp. Trong số những người trốn lại có nhiều người mang các chức danh là giám đốc các doanh nghiệp thành đạt như: Nguyễn Đình Cơ, giám đốc Công ty HLA; Trần Văn Dũng, giám đốc Công ty Hà Phát… nhưng thực chất là lao động tự do, muốn sang Hàn Quốc để tìm việc làm và họ phải trả 11.500 USD một người cho chuyến đi.

Với 230 triệu đồng, một lao động tự do trà trộn thành công trong đoàn quan chức cao cấp của Chính phủ?

Các giai đoạn phạm tội của nhóm bị can trên được công bố như sau:

Đầu năm 2018, qua mạng xã hội, Liễu nói chuyện và được biết quê của Hoàng Anh (quê Nghệ An, đang cư trú tại Đức) có nhiều người muốn xuất cảnh đi Hàn Quốc để lao động, tìm việc làm. Qua chú ruột là Trịnh Bang Dũng, Hoàng Anh giới thiệu cho Liễu những người muốn sang Hàn Quốc với chi phí 10.000 USD/người (tương đương 230 triệu đồng).

Từ đó, Dũng và Hoàng Anh đóng vai trò dẫn mối, Hiếu, Xuân và Lương sẽ chịu trách nhiệm đi “tìm khách” muốn sang Hàn Quốc để giới thiệu cho Liễu. Nhóm tìm người này thỏa thuận với Dũng sẽ thu 11.500 USD/người để ăn chênh lệch (tương đương 265 triệu đồng).

4 người là Trần Văn Dũng, Ngô Huy Hào, Nguyễn Đình Cơ và Dương Hùng Quang trả tiền tham gia đường dây. Trong đó, Dũng (Lương giới thiệu) phải trả 12.000 USD, đặt cọc 1.000 USD (tương đương 22.755.000 đồng); Hào (Xuân giới thiệu) phải trả 12.500 USD, đặt cọc 1.000 USD.

Trong quá trình môi giới, các bị can biết rõ việc tổ chức cho khách đi Hàn Quốc được Liễu thực hiện theo hình thức thương mại, khách mang danh nghĩa là người của các doanh nghiệp đi Hàn Quốc để hợp tác kinh doanh, đầu tư, sau đó trốn ở lại tìm việc làm. Liễu đã sử dụng tư cách pháp nhân công ty của người thân quen, đồng thời vào mạng tìm mua các công ty bằng hình thức chuyển nhượng, để đưa khách vào đứng tên lãnh đạo, nhân viên các công ty này, tạo thuận lợi trong việc xin visa xuất cảnh.

Sau khi có thông tin của Bộ KH-ĐT, Liễu chỉ đạo nhân viên làm thủ tục, hồ sơ đăng ký cho Liễu và 4 khách tham gia đoàn doanh nghiệp đi Hàn Quốc. Trong đó, Liễu tham gia với danh nghĩa là giám đốc Công ty GVA; Hùng Quang là trợ lý kinh doanh của Công ty Hưng Cúc; Ngô Duy Hảo là phó giám đốc Công ty Freshtech Vina; Trần Văn Dũng là giám đốc Công ty Hà Phát. Liễu còn giúp Lý Thái Hưng tham gia đoàn doanh nghiệp.

Những người trốn đi theo chuyên cơ của đoàn được hướng dẫn ăn mặc lịch sự và học thuộc thông tin về công ty mà họ đứng tên giám đốc. Liễu thống nhất kế hoạch khi đến Hàn Quốc sẽ tạo lý do gặp đối tác kinh doanh hoặc đi mua sắm để những người này lấy lại hộ chiếu từ ban tổ chức rồi trốn ở lại Hàn Quốc.

https://trithucvn2.net/tin-tuc-vn/vu-9-nguoi-bo-tron-tai-han-quoc-trong-luat-khong-co-viec-di-nho.html

Không xem xét trách nhiệm vì các công ty, bộ, cục, và Văn phòng Quốc hội “không biết”

Các cơ quan tố tụng TP Hà Nội cho biết ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với 8 bị can, các tổ chức liên đới [là các doanh nghiệp, bộ, cục, Văn phòng Quốc hội] có sơ hở nhưng không xem xét trách nhiệm vì “không biết”, bị “lợi dụng”.

Cụ thể, ông Trần Văn Khang, Giám đốc Công ty An Trí, đã giúp bị can Trần Thị Tuyết, nguyên cán bộ thuộc Bộ KH-ĐT, đưa người bên ngoài vào làm nhân viên của Công ty An Trí, ký đóng dấu thủ tục cho người này tham gia vào đoàn doanh nghiệp đi tháp tùng Chủ tịch Quốc hội. Tuy nhiên, ông Khang thực hiện hành vi này là do nể nang Tuyết, không được hưởng lợi, cùng với việc khai báo thành khẩn, nên Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an chỉ đề xuất xử lý về hành chính.

Tương tự, ông Lý Thái Hưng, Giám đốc Công ty Hưng Cúc, đã giúp bị can Lê Thị Liễu, Giám đốc Công ty GVA, đưa người bên ngoài vào làm nhân viên của công ty, tham gia xác nhận để người này tham gia cùng đoàn doanh nghiệp sang Hàn Quốc. Ông Hưng không biết động cơ mục đích của bị can Liễu nên cơ quan tố tụng không xem xét trách nhiệm, theo báo Thanh Niên.

Một số cá nhân, tổ chức thuộc Bộ KH-ĐT, Cục Đầu tư nước ngoài, Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Bắc và Công ty Vietravel đã được Văn phòng Quốc hội giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch Quốc hội đi Hàn Quốc. Trong quá trình thực hiện, ban tổ chức đã bị các bị can trong vụ án lợi dụng để tổ chức cho người trốn ở lại Hàn Quốc.

Nhà nước không quy định cụ thể về việc tổ chức cho đoàn doanh nghiệp tháp tùng các đoàn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi công tác, làm việc tại nước ngoài.

Các đơn vị trên không biết các bị can đã lợi dụng việc tham gia đoàn doanh nghiệp để tổ chức cho khách trốn đi Hàn Quốc.

Cáo trạng cho rằng một trong những nguyên nhân để xảy ra vụ án là do Bộ KH-ĐT “chưa quan tâm” đến việc xây dựng quy trình, thủ tục để lựa chọn, thẩm định doanh nghiệp tham gia, “không có quy định cụ thể” về phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc tổ chức đoàn doanh nghiệp. Ngày 5/6/2020, Cơ quan an ninh điều tra đã gửi văn bản thông báo cho Văn phòng Quốc hội, Bộ KH-ĐT về sơ hở, thiếu sót trong tổ chức, quản lý đoàn doanh nghiệp đi công tác nước ngoài để khắc phục.

Ngoài ra, trừ những người do các bị can Liễu, Tuyết và đồng phạm tổ chức, môi giới trốn đi Hàn Quốc, còn có một số người khác tham gia vào đoàn doanh nghiệp xuất cảnh đi Hàn Quốc nhưng đến nay chưa về Việt Nam nên chưa có căn cứ để xử lý.

Ngày 23/9/2019, đài truyền hình MBC (Hàn Quốc) đưa tin về 9 người trong phái đoàn kinh tế đi theo đoàn Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đã bỏ trốn để ở lại bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ trước đó 10 tháng, khoảng tháng 7/2018.

Theo bản tin, Đoàn đại biểu Việt Nam có 162 người, bao gồm hơn 20 Bộ trưởng, Thứ trưởng, bay riêng tới Hàn Quốc bằng máy bay của hãng Vietnam Airlines, hạ cánh tại sân bay Gimhae (Busan), lịch trình 4 ngày 3 đêm.

Tại Hàn Quốc, đoàn đại biểu đã có các buổi gặp mặt với Quốc hội Hàn Quốc, hội kiến với Tổng thống Moon Jae In, tham dự Diễn đàn thương mại và đầu tư Hàn – Việt.

Tuy nhiên, sau đó, 9 người trốn ở lại. Theo MBC, Chính phủ Hàn Quốc cũng không biết về sự việc trên cho đến đầu năm 2019 khi 1 trong số 9 người này ra đầu thú để được về nước. Tại thời điểm này, thêm 1 người bị bắt và bị trục xuất, 7 người khác vẫn chưa được tìm thấy.

MBC bày tỏ nghi ngờ về tính tổ chức của đường dây khi dẫn lời một quan chức Hàn Quốc nghi vấn về mức độ liên hệ giữa nhóm người bỏ trốn với các quan chức chính phủ [Việt Nam].

Về phía Việt Nam, hai ngày sau bản tin từ phía Hàn Quốc, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói rằng đây là những người tham gia đoàn các doanh nghiệp dự Diễn đàn Đầu tư và Thương mại Việt Nam – Hàn Quốc, “đi nhờ chuyên cơ” và không thuộc thành phần Đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam.

Sau giải thích của ông Phúc, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng phủ nhận trách nhiệm, cho rằng bộ này “đã tổ chức hàng trăm cuộc như thế, chẳng may có một cuộc có một số trường hợp trốn lại…”.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

https://trithucvn2.net/tin-tuc-vn/ly-do-chua-cong-bo-danh-tinh-9-nguoi-bo-tron-o-lai-han-quoc.html