Cơ quan khí tượng cho biết từ tháng 10 – 12/2024, ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60 – 70%. Vì vậy, bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm.

lao cai
Lào Cai chịu ảnh hưởng nặng nề sau bão Yagi. (Ảnh: laocaitv.vn)

Miền Bắc mưa 4 ngày trước khi đón không khí lạnh

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cuối tháng 9, miền Bắc sẽ đón đợt mưa kéo dài khoảng 4 ngày từ ngày 28/9 – 1/10.

Sau đó, miền Bắc sẽ đón đợt không khí lạnh thứ 2 của mùa đông năm nay.

Đợt không khí lạnh này có cường độ khả năng cũng giống đợt không khí lạnh đầu mùa khiến nhiệt độ tại miền Bắc không giảm sâu.

Theo đó, vào khoảng ngày 2 – 3/10, nhiệt độ tại miền Bắc sẽ giảm từ 3 – 4 độ C. Tại Hà Nội, nhiệt độ cao nhất sẽ giảm từ 31 độ C xuống 27 – 28 độ C, nhiệt độ thấp nhất giảm còn 24 độ C.

Tại Cao Bằng, một trong những tỉnh sẽ chịu ảnh hưởng sớm nhất của không khí lạnh, nhiệt độ cao nhất sẽ giảm còn 29 độ C, thấp nhất là 21 độ C.

Mùa đông năm nay, rét đậm, rét hại có khả năng xuất hiện nhiều trong tháng 11 – tháng 12. Trong đó, hiện tượng rét đậm ở miền Bắc có khả năng xuất hiện từ nửa cuối tháng 12, tương đương so với trung bình nhiều năm (TBNN).

Việc không khí lạnh hoạt động mạnh trong tháng 11 – tháng 12 năm nay cũng khiến nhiệt độ trung bình năm 2024 thấp hơn mọi năm. Theo đó, từ tháng 11 – 12.2024, nhiệt độ trung bình cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN; riêng khu vực miền Bắc, phía bắc và phía trung của miền Trung có khả năng thấp hơn khoảng 0,5 độ C so với TBNN cùng thời kỳ.

Bão có khả năng hoạt động dồn dập từ nay đến cuối năm 2024

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết hiện tượng ENSO (ENSO chỉ cả 2 hai hiện tượng El Nino và La Nina và có liên quan với dao động của khí áp giữa 2 bờ phía Đông Thái Bình Dương với phía Tây Thái Bình Dương – Đông Ấn Độ Dương) đang trong trạng thái trung tính.

Dự báo, từ tháng 10 – 12/2024, ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60 – 70%. Vì vậy, bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm 4,5 cơn); trong đó, số cơn đổ bộ vào đất liền có thể cao hơn so với trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm 1,9 cơn) và tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh, thành phố phía Nam; đề phòng khả năng bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông.

“Bão có khả năng hoạt động dồn dập từ nay đến cuối năm, tập trung tại khu vực Trung Bộ. Mùa mưa có khả năng kết thúc muộn tại các khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Lượng mưa có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm ở khu vực miền Trung và các tỉnh, thành phố phía Nam. Các đợt mưa lớn sẽ tập trung từ nay đến tháng 11 và nửa đầu tháng 12/2024 ở khu vực Trung Bộ”, ông Hưởng nói.

Hiện nay, hình thái gây mưa là khối không khí lạnh và dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực Trung Bộ đều đã suy yếu và tan đi. Vì vậy, Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung đã kết thúc đợt mưa lớn; nước lũ trên các sông sẽ xuống, vùng ngập úng cũng giảm dần. Trong 1-2 ngày tới, lũ, ngập lụt tại Thanh Hóa, Nghệ An tiếp tục giảm dần, sau đó biến đổi chậm.

Bên cạnh đó, gió mùa Tây Nam đang hoạt động yếu tại khu vực Nam Bộ, vì thế, đến hết tháng 9/2024, Bắc Bộ, miền Trung cũng như khu vực miền Nam chưa có dấu hiệu của đợt mưa lớn diện rộng. Tuy nhiên, theo tính toán và các sản phẩm dự báo cho thấy, vào những ngày cuối tháng 9 đầu tháng 10/2024, Bắc Bộ, Trung Bộ có khả năng chịu tác động của một đợt gió mùa Đông Bắc có khả năng gây mưa dông và làm nhiệt độ giảm trở lại.

Đối với khu vực Nam Bộ, từ tháng 10 đến tháng 12/2024, khu vực ven biển Đông Nam Bộ khả năng xuất hiện 7 đợt triều cường. Cụ thể: đợt 1 từ ngày 4 – 6/10; đợt 2 từ ngày 17 – 21/10; đợt 3 từ ngày 2 – 5/11; đợt 4 từ ngày 15 – 19/11 và đợt 5 từ ngày 1 – 6/12, đợt 6 từ ngày 13 – 17/12, đợt 7 từ ngày 29/12/2024 – 4/1/2025. Mực nước lớn nhất tại trạm Vũng Tàu có thể đạt 4,3m trong khoảng thời gian từ 14 – 16 giờ ngày 17/11. Các vùng trũng, thấp, ven sông và vùng ngoài đê bao khu vực ven biển phía Đông Nam Bộ có khả năng ngập úng.

Minh Long