Chiều ngày 4/2, một số tờ báo tại Việt Nam như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Chính Phủ… đồng loạt đăng tải phát ngôn của cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói về vụ Việt Á. Tuy nhiên, đến tối ngày 5/2, phát ngôn của ông Phúc đã “không cánh mà bay”.

nguyen xuan phuc
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng (phải) tặng hoa cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi lễ bàn giao, hôm 4/2. (Ảnh: Đức Tuân/baochinhphu.vn)

Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói gì?

Hôm 4/2, trong buổi lễ bàn giao chức vụ Chủ tịch nước do Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức, ông Phúc nói ông giữ trọng trách Chủ tịch nước từ ngày từ tháng 4/2021 đến 18/1/2023 – tức là gần 21 tháng.

Theo ông Phúc, trong thời gian giữ chức vụ, ông đã “nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, nhân dân, đất nước, chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của Đảng…” nhưng “khi có một số cán bộ vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả nghiêm trọng”, nên ông Phúc “đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác, nghỉ hưu”.

“Căn cứ quy định của Đảng, Nhà nước, xem xét nguyện vọng của tôi, Đảng, Nhà nước đã đồng ý để tôi thôi giữ chức vụ, thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV”, ông Phúc nói.

Đáng chú ý, nói về vụ Việt Á, ông Phúc khẳng định “gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám đốc Việt Á. Điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) kết luận rõ ràng”.

Đây là lần đầu tiên một trong tứ trụ ở Việt Nam lên tiếng về việc bãi nhiệm chức vụ của mình, điều không được công bố rõ ràng khi cho thôi việc đối với các quan chức cấp cao ở Việt Nam.

Hiện không rõ nguyên nhân tại sao ông Phúc phải lên tiếng thanh minh cho vợ con của mình về vụ Việt Á. Tuy nhiên, thời gian qua, trên mạng xã hội Facebook và Youtube lan truyền các thông tin không kiểm chứng cho rằng, vợ ông Phúc – bà Trần Thị Nguyệt Thu là “trùm cuối của Việt Á” và bà Thu đã bị “hoãn xuất cảnh”.

Phát ngôn của ông Phúc bị gỡ

Theo quan sát của Trí Thức VN, tối ngày 5/2, phát ngôn của ông Phúc nói về vụ Việt Á đã không còn tồn tại trên các bản tin của báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, báo Chính phủ, Dân Việt…

Khi tìm thông tin về cụm từ “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp giám đốc Việt Á” trên Google, chúng tôi thấy kết quả hiển thị có liên quan đến các trang Tiền Phong, Dân Việt… nhưng khi truy cập vào các trang này để đọc chi tiết tin, thì không còn thấy phát ngôn của ông Phúc.

nguyen xuan phuc vu viet a 4
Khi tìm kiếm từ Google, báo Tiền Phong, Dân Việt… trả về kết quả liên quan tới phát ngôn của ông Phúc, nhưng khi truy cập vào bài viết, phát ngôn của ông Phúc không còn tìm thấy. (Ảnh: Chụp màn hình)

Tuy nhiên, một số tờ báo như Báo Long An – dẫn lại bài viết của báo Tuổi Trẻ; Tạp chí Công thương (Cơ quan thông tin lý luận của Bộ Công thương) – dẫn lại bài viết của báo Chính Phủ… vẫn chưa xóa.

nguyen xuan phuc vu viet a 2
Tạp chí Công thương dẫn lại bài của báo Chính Phủ vẫn còn phát ngôn của ông Phúc. (Ảnh: chụp màn hình/tapchinhcongthuong.vn)
nguyen xuan phuc vu viet a 6
Báo Long An đăng tải lại bài của báo Tuổi Trẻ vẫn còn giữ phát ngôn của ông Phúc. (Ảnh: chụp màn hình/baolongan.vn)

Nên minh bạch lý do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ chức

Trước phát ngôn “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám đốc Việt Á”, trên trang Facebook cá nhân, ông Trương Huy San cho rằng ông Phúc đã sử dụng cơ hội cuối cùng trong Phủ Chủ tịch để gửi tới toàn dân lời thanh minh.

Nếu “điều này đã được UBKTTW kết luận” như tuyên bố của ông Phúc, thì UBKTTW hoặc Ban Bí thư nên là bên đứng ra công bố, “đập tan” những “luận điệu” gọi bà Trần Thị Nguyệt Thu là “trùm cuối”.

Và tất nhiên, UBKTTW cũng nên cho dân chúng biết 3 vụ bắt giam: Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân (tối ngày 31/12/2022); Nguyễn Thị Thanh Thủy, Nguyễn Bạch Thùy Linh (tối ngày 4/1/2023). Đặc biệt, Thủy và Linh đã “lợi dụng ảnh hưởng” của ai mà có thể “can thiệp, tác động lãnh đạo một số Bộ, ngành tạo điều kiện giúp Công ty Việt Á”.

“Hẳn nhiều người còn nhớ: Chủ tịch nước hôm 16/11/2022 còn rạng rỡ bên cạnh phu nhân trong chuyến thăm Thái Lan; chiều 1/12/2022, báo chí còn đăng thông cáo của Bộ Ngoại Giao nói ngày 4 đến 6/12, “Chủ tịch nước sẽ thăm Hàn Quốc cùng phu nhân” nhưng tối hôm đó thì thông tin “cùng phu nhân” đã không còn nữa. Hai chuyến công du cuối cùng của ông “không có Thu”.

Danh dự của một nguyên thủ quốc gia là rất quan trọng nhưng dân chúng không chờ một lời thanh minh, không chờ ngay cả một lời xin lỗi mà chờ nghe sự thực. Sự thực về chính sách “Zero COVID”, chủ yếu được ban hành dưới thời Chính phủ của ông.

Bao nhiêu người bệnh COVID đã chết trong các “trại tập trung” thiếu sự chăm sóc vì quá tải. Bao nhiêu ánh mắt khắc khoải vì phút lâm chung không bóng người thân. Bao nhiêu người mắc những căn bệnh khác đã chết vì không thể đến bệnh viện, vì không thể ra ngoài mua thuốc. Bao nhiêu “F1” đã thành “F0” vì bị cách ly tập trung trong những cơ sở tạm bợ, đối diện nhiều hơn với nguy cơ lây bệnh.

Dịch bệnh là một thảm họa mà loài người phải đối diện, ngay cả những quốc gia giàu có nhất cũng có hàng triệu người chết. Nhưng, không phải ở quốc gia nào, ngay giữa tâm dịch, dân chúng lại chịu đựng thêm nhiều bi kịch do chính chính sách chống dịch gây ra.

Cuối năm 2020, thế giới đã có vaccine, trước đó một số nhà sản xuất vaccine đã tiếp cận với Chính phủ Việt Nam. Nhưng, cho tới khi kết thúc nhiệm kỳ, Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc vẫn không hề có chiến lược vaccine. Quan sát thảm họa ở TP.HCM và tình hình dịch bệnh lan tới Hà Nội và các địa phương khi đã có vaccine mới thấy, dân chúng TP.HCM đã trả giá cho sự chậm trễ này trong đau đớn.

Thật khó mà quên hình ảnh của những nhà lãnh đạo say sưa với “Zero COVID”, ngạo nghễ với giải cứu, đánh bóng hình ảnh bằng “tự lực vaccine và kittest”.

Ngay bên cạnh Việt Nam, chính phủ Campuchia không điều động đội Airbus 350 hay Boeing 787 đi giải cứu. Nhưng, người Campuchia từ các vùng dịch trở về Phnom Penh chỉ mất 650 USD thay vì phải từ 2.500 – 3000 USD như “tự hào người dân Việt Nam” [Đấy là con số chính thức trả cho tiền vé].

Tối qua, khi báo chí đưa lời thanh minh của “nguyên chủ tịch nước” Nguyễn Xuân Phúc, một người từng nằm 3 tuần cách ly sau nhập cảnh nói, anh không thể nào quên được tiếng gào khóc của một đứa con phải bỏ ra cả trăm triệu bay về vì cha hấp hối, bị giữ ở cơ sở cách ly, không có nhà chịu tang cha được.

Những người phải cố chen lên những chuyến bay giải cứu đều đang ở trong những hoàn cảnh ngặt nghèo. Không phải người “xuất khẩu lao động” hay sinh viên nào cũng thuộc gia đình khá giả. Nhiều bậc phụ huynh phải vay mượn để cho con trở về. Họ đâu biết, trong số những đồng tiền mà họ trả cho công cuộc giải cứu đó, phần lớn bị ăn chia. Họ đâu biết, có lợi ích của người phân bổ khách sạn và kéo dài thời gian cách ly. Họ đâu biết, hàng triệu người dân bị ngoáy mũi, có người bị phá cửa, còng tay lôi ra… không chỉ để chống dịch mà còn để tăng doanh thu cho Việt Á.

Họ thực sự cần một ông chủ tịch nước bị truất phế đứng ra thanh minh?

Không phải bây giờ quan chức mới tham nhũng và cũng không thể căn cứ vào số quan tham bị xử lý để nói bây giờ tham nhũng nhiều lên hay ít đi. Điều khác là, trước đây tham nhũng an toàn hơn và nay, trong số các quan tham có nhiều người bị bắt.

Tuy nhiên, ở năm thứ năm của công cuộc chống tham nhũng do Tổng bí thư phát động mà tham nhũng vẫn vươn lên đến hàng… tối cao. Ngay trong thảm họa, mà người ta vẫn chia chác trên sinh mệnh của nhân dân. Thì, đó là tội ác chứ không phải đơn giản là tội phạm…

…. Minh bạch lý do bị phế truất của ông Nguyễn Xuân Phúc là rất cần thiết. Nếu ông xin từ chức vì có nhiều cấp dưới bị sai phạm, vì trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, thì trong hệ thống chính trị này, Chủ tịch nước chưa phải là người đứng đầu. Nếu những người xung quanh ông sử dụng ảnh hưởng của ông để trục lợi thì không nên tiễn ông bằng hoa và sụt sùi nước mắt.

Uy tín của một quốc gia không mất vì có nguyên thủ tham nhũng, uy tín quốc gia chỉ mất khi nguyên thủ tham nhũng mà quốc gia bó tay và nhân dân thì chẳng biết đâu là sự thật.

Khi kỷ luật đồng chí của mình, nếu hỏi, ai trong các đồng chí tin mình trong sạch xin hãy giơ tay, sẽ có bao nhiêu người giơ tay? Trong 7 năm qua, tuy đạt được những kết quả không thể không ghi nhận như bắt bớ, kỷ luật hoặc buộc thôi giữ chức hàng trăm cán bộ. Nhưng, gần như chưa có cải cách nào đáng kể, xây dựng trong tương lai một môi trường minh bạch để quan chức không muốn tham nhũng, không phải tham nhũng (cũng sống xứng đáng) và không thể tham nhũng.

Sự kiện Chủ tịch nước bị phế truất càng cho thấy, chúng ta đang vận hành công cuộc chống tham nhũng này với gần như chỉ có một bàn tay sạch. Điều này vui ít lo nhiều. Vì, bất cứ sự nghiệp quốc gia nào lệ thuộc vào một người, dù đạt được bước tiến như thế nào, rồi cũng có ngày phải bắt đầu lại”.

Minh Long (t/h)