Bệnh viện miền Tây tái diễn tình trạng khan hiếm máu
- Bảo Khánh
- •
Nhiều bệnh viện ở miền Tây đang khan hiếm máu điều trị bệnh nhân do thiếu túi đựng máu. Quy trình, thủ tục đấu thầu y tế có sự thay đổi, phải làm đi làm lại nhiều lần, mất rất nhiều thời gian, nên đến nay vẫn chưa ra thầu được.
- Bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế: ‘Bao nhiêu khó khăn đổ hết lên đầu bệnh nhân nghèo’
- Đắk Nông: Thiếu trang thiết bị, bệnh nhân phải mua găng tay, dao mổ… cho bác sĩ
Chiều ngày 31/10, một lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho hay trung bình mỗi tháng bệnh viện cần 5.000-6.000 đơn vị máu, trong đó tiểu cầu 2.000-3.000 đơn vị, nguồn cung chủ yếu từ Bệnh viện Huyết học Truyền máu TP. Cần Thơ. Tuy nhiên, mấy tháng qua, đơn vị này chỉ cung ứng được khoảng 25% nhu cầu, phải ưu tiên cho các trường hợp cần truyền máu cấp cứu.
Mấy tuần qua, việc cung ứng máu gần như ngưng hẳn. Trước tình trạng này, bệnh viện phải chạy vạy “xin chia sẻ máu” từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Huyết học Truyền máu Trung ương và tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, nguồn máu này không phải lúc nào cũng có nên tình trạng thiếu máu đang rất căng thẳng.
“May mắn là sáng nay chúng tôi xin được 200 đơn vị máu phục vụ cấp cứu, một phần điều trị cho bệnh nhân chờ nhiều ngày qua. Tuy nhiên, số máu này cũng chỉ tạm đáp ứng nhu cầu khoảng 3-5 ngày”, lãnh đạo bệnh viện nói.
Còn ông Bùi Đức Văn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau cho biết hiện lượng máu tại viện chỉ đáp ứng được 30-50% nhu cầu điều trị. Do đó, bệnh nhân mạn tính, không khẩn cấp thì “chậm lại” để chờ máu, trường hợp nặng thì chuyển tuyến.
“Hiện lượng máu đang có chỉ sử dụng được tối đa trong vòng 30 ngày, có những loại chỉ sử dụng trong 5 ngày nên không thể dự trữ số lượng nhiều”, ông Văn cho biết.
Các bệnh viện cũng trong tình trạng tương tự
Được biết, đây là lần thứ hai trong năm miền Tây thiếu máu trên diện rộng. Hồi tháng 6, 74 bệnh viện tại 11 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long thiếu máu. Nguyên nhân bởi Bệnh viện Huyết học Truyền máu TP. Cần Thơ – đầu mối cung cấp máu nhưng thiếu túi đựng máu do gặp khó khăn trong đấu thầu mua sắm vật tư. Trong khi đó, cơ quan này mỗi tháng phải cung cấp 12.000-15.000 đơn vị máu, 300-400 đơn vị tiểu cầu kit cho 74 bệnh viện.
Ông Nguyễn Xuân Việt – Giám đốc Bệnh viện Huyết học Truyền máu TP. Cần Thơ khẳng định nếu có đầy đủ hóa chất, vật tư như túi máu, sinh phẩm xét nghiệm sàng lọc máu, phục vụ công tác tiếp nhận máu từ nguồn hiến nhân đạo thì miền Tây sẽ không xảy ra tình trạng khan hiếm như hiện nay.
Theo ông Việt, thời gian qua, bệnh viện cố gắng duy trì cung ứng máu cho các tỉnh là nhờ vào nguồn hỗ trợ từ các bệnh viện huyết học lớn. Đồng thời, bệnh viện thực hiện giải pháp “chữa cháy” là mua vật tư theo gói nhỏ lẻ, theo thẩm quyền của đơn vị, giá trị dưới 100 hoặc 500 triệu đồng.
Tuy nhiên, số vật tư này cũng chỉ giải quyết tạm cho nhu cầu cấp cứu, điều trị các bệnh về máu của bệnh viện. Nguồn máu có lúc chỉ còn 5 đến chưa tới 100 đơn vị, nên phải tạm dừng giao máu cho các bệnh viện từ ngày 5/9 và chỉ cấp phát trong trường hợp cấp cứu.
Quy trình đấu thầu y tế mất nhiều thời gian, nhanh nhất 2-3 tháng mới nhận được hàng
Bệnh viện Huyết học Truyền máu TP. Cần Thơ mở 10 gói thầu với 394 mặt hàng, trị khoảng 150 tỷ đồng. Nguyên nhân chậm trễ mua sắm được cho là do thay đổi quy định, chuyển từ hình thức đấu thầu tập trung tại Sở Y tế sang bệnh viện, từ cuối năm 2022. Để thực hiện, bệnh viện phải xây dựng kế hoạch, trình Sở Y tế và UBND Cần Thơ phê duyệt. Tuy nhiên, quy định, quy trình, thủ tục có sự thay đổi, phải làm đi làm lại nhiều lần, mất rất nhiều thời gian, nên đến nay vẫn chưa ra thầu được.
“Nếu tình trạng thiếu máu cứ kéo dài tại địa phương, cần xem xét các hình thức kỷ luật đối với những trường hợp không làm hết trách nhiệm trong việc mua sắm đủ vật tư, túi máu, sinh phẩm”, lãnh đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nói trong chiều ngày 31/10.
Ông Cao Hoàng Anh – Phó giám đốc Sở Y tế Cần Thơ cho biết đã thành lập tổ công tác hỗ trợ Bệnh viện Huyết học Truyền máu Cần Thơ thực hiện kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế năm 2023-2024.
Ngày 18/10, UBND TP. Cần Thơ ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu với 47 mặt hàng còn lại của bệnh viện này. Đơn vị đang xây dựng hồ sơ mời thầu, thực hiện các bước tiếp theo. Dự kiến trong quý 4 năm nay, bệnh viện sẽ hoàn thành việc mua sắm các thiết bị vật tư.
Bảo Khánh
Từ khóa Vật tư y tế đấu thầu y tế bệnh viện thiếu vật tư