Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt tại Hà Nội, đang có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và hoạt động kinh tế – xã hội. Bộ Y tế đã xây dựng các khuyến cáo cụ thể để bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, và người mắc bệnh mạn tính.

hà nội ô nhiễm không khí
Người đi đường đeo khẩu trang, tại Phố Cổ, Hà Nội, tháng 6/2019. (Ảnh: Shutterstock)

Theo Bộ Y tế, một số tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe là làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp (viêm phổi, viêm phế quản mãn tính, hen suyễn), tim mạch, đột quỵ; tổn thương mắt, da, hệ thần kinh và miễn dịch; ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần và sức đề kháng cơ thể.

 Người dân cần sử dụng các biện pháp phòng, chống và bảo vệ sức khỏe như sau:

  1. Biện pháp chung:
  • Theo dõi chỉ số chất lượng không khí (AQI) qua các trang thông tin chính thức;
  • Đeo khẩu trang đạt chuẩn và đúng cách khi ra ngoài;
  • Dọn dẹp, vệ sinh môi trường sống, trồng cây xanh;
  • Hạn chế sử dụng bếp than, củi, thay bằng bếp điện hoặc ga;
  • Tăng cường dinh dưỡng, giữ ấm cơ thể và khám sức khỏe định kỳ.

2. Biện pháp dựa trên mức độ AQI:

  • Mức kém (101-150):

Người bình thường: Giảm thời gian hoạt động ngoài trời.

Người nhạy cảm: Hạn chế hoạt động gắng sức, vệ sinh mũi và mắt bằng nước muối sinh lý.

  • Mức xấu (151-200):

Người bình thường: Hạn chế ra ngoài, tránh khu vực ô nhiễm như đường giao thông, công trình xây dựng.

Người nhạy cảm: Tránh hoạt động ngoài trời, nghỉ ngơi nhiều hơn.

  • Mức rất xấu (201-300):

Người bình thường: Tránh tối đa các hoạt động ngoài trời, ưu tiên làm việc trong nhà.

Người nhạy cảm: Không ra ngoài, sử dụng khẩu trang lọc bụi mịn nếu cần thiết.

  • Mức nguy hại (301-500):

Người bình thường và nhạy cảm: Hoàn toàn tránh các hoạt động ngoài trời. Đóng kín cửa, theo dõi sức khỏe, và đến cơ sở y tế khi có triệu chứng.

Bộ Y tế khuyến nghị người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe, đặc biệt trong giai đoạn mùa đông xuân khi ô nhiễm không khí tăng cao.

Cộng đồng cần tăng cường ý thức giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp, hạn chế các nguồn phát thải gây ô nhiễm.

Nhà trường xem xét điều chỉnh thời gian học hoặc nghỉ học cho trẻ nhỏ khi chỉ số AQI ở mức nguy hại trong thời gian dài.

Bảo Khánh