Cà Mau thành lập khu bảo tồn biển 27.000 ha quanh 3 cụm đảo
- Minh Long
- •
Khu bảo tồn loài – sinh cảnh tỉnh Cà Mau gồm vùng biển xung quanh các cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối và Hòn Đá Bạc với tổng diện tích 27.000 ha.
Ngày 20/6, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đã ký phê duyệt việc thành lập khu bảo tồn loài và sinh cảnh biển cấp tỉnh.
Khu bảo tồn biển tỉnh Cà Mau có tổng diện tích 27.000 ha. Trong đó, diện tích phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 3.000 ha, phân khu phục hồi sinh thái 11.230 ha và phân khu dịch vụ – hành chính 3.970 ha và vùng đệm 9.000 ha. Phạm vi khu bảo tồn biển bao quanh các cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc.
Theo giới chức Cà Mau, khu bảo tồn được thành lập với mục tiêu bảo vệ và bảo tồn nguồn lợi thủy sản, các loài sinh vật biển, loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, loài có giá trị kinh tế, khoa học sống trong khu bảo tồn; bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên; bảo tồn đa dạng sinh học biển gắn với phát triển du lịch sinh thái bền vững, cải thiện sinh kế của cộng đồng ngư dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế biển; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học biển.
Cụ thể, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, đặc thù và quan trọng như: Rạn san hô đảo Hòn Chuối và Hòn Hàng; bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên độc đáo của cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối và Hòn Đá Bạc để phục vụ cho nghiên cứu khoa học, giáo dục, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, nghỉ dưỡng.
Phục hồi, tái tạo tự nhiên kết hợp với nhân tạo hệ sinh thái rạn san hô tại các khu vực bị suy thoái xung quanh đảo Hòn Chuối và Hòn Hàng. Bảo vệ, phục hồi và phát triển quần thể của các loài sinh vật đặc hữu, quý hiếm có giá trị bảo tồn, đặc biệt là các loài di cư như: thằn lằn đuôi vàng, sóc bông Hòn Khoai, bồ câu, đại bàng biển bụng trắng, san hô cành, tôm hùm đá, trai bàn mai, trai ngọc nữ…; bảo vệ các loài thuỷ sản: tôm he, tôm kính, cá chai, cá đục, cá bơn lưỡi bò, cá trích, cá bống trắng, cá lượng, cá đù, cá đục, cá đối, cá chim trắng, cá trỏng, cá trích, cá khế… tại vùng ven biển phía Đông Hòn Khoai và phía Tây Ngọc Hiển.
Tỉnh sẽ ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu như thả phao ranh giới các phân khu chức năng và khu bảo tồn biển; xây dựng trụ sở làm việc và mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác quản lý. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền về bảo vệ môi trường biển và bảo tồn đang dạng sinh học; hỗ trợ tái định cư và chuyển đổi nghề kết hợp phát triển du lịch sinh thái.
Trước mắt, Cà Mau giao Chi cục Kiểm ngư các đơn vị liên quan tổ chức quản lý khu bảo tồn biển trên địa bàn theo quy định. Về lâu dài, khi khu bảo tồn đủ điều kiện sẽ đề xuất thành lập Ban Quản lý Khu bảo tồn biển.
Ngư trường Cà Mau là một trong 4 ngư trường trọng điểm của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều năm qua, do khai thác quá mức đã làm cạn kiệt nguồn lợi, kéo theo nhiều hệ lụy, làm ảnh hưởng đến hình ảnh và thương mại ngành thuỷ sản Việt Nam.
Ðến năm 2023, Việt Nam có 178 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 34 vườn quốc gia; 59 khu dự trữ thiên nhiên; 23 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; và 62 khu bảo vệ cảnh quan. Ngoài ra, cả nước có 9 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới và hơn 20 địa phương phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh, thành phố.
Từ khóa Cà Mau khu bảo tồn biển