Cả nước có gần 127.000 trình độ cử nhân, thạc sĩ trở lên thất nghiệp
- Nguyễn Quân
- •
Nếu tính từ trình độ cao đẳng trở lên thì tổng số người thất nghiệp thuộc nhóm lao động trình độ cao là 197.700 người, chiếm 68% tổng số. Nhóm nghề “kế toán-kiểm toán”, “nhân sự”, “lao động phổ thông” có số lượt người tìm việc tăng cao hơn so với quý 1/2018.
Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động quý 2/2018 do Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa công bố, tính đến hết quý 2/2018, cả nước có 54,02 triệu người có việc làm, tăng 29.900 người (0,3%) so với quý 1/2018 và tăng 619.500 người (1,16%) so với cùng kỳ năm 2017.
Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục giảm (giảm 179 nghìn người), tỷ lệ trong cơ cấu là 38,21% so với 38,56% ở quý 1/2018 và 40,44% ở quý 2/2017.
Tiếp đến là các ngành: Công nghiệp chế biến chế tạo (giảm 123.000 người); Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (giảm 42.000 người) và Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (giảm 40.000 người).
Lao động tăng nhiều nhất trong ngành Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (tăng 122.000 người), tiếp đến là Xây dựng (tăng 116.000 người); Giáo dục-Đào tạo (tăng 63.000 người), và Dịch vụ lưu trú, ăn uống (tăng 21.000 người).
Thu nhập của người lao động trong hầu hết các ngành đều giảm so với quý 1/2018 (trừ ngành xây dựng và nghệ thuật vui chơi giải trí tăng nhẹ, lần lượt là 1,55% và 1,39%). Trong đó, giảm nhiều nhất là ngành khai khoáng (-14,9%) và công nghiệp chế biến, chế tạo (-6,26%), dù có tăng so với cùng kỳ năm trước.
Hiện mức thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương là 5,62 triệu đồng/người (chỉ tính thu nhập danh nghĩa từ công việc chính).
Về số người thất nghiệp, tính đến hết quý 2/2018, cả nước có hơn 1 triệu người trong độ tuổi thất nghiệp, giảm 5.600 người so với quý 1/2017 và 20.100 người so với quý 2/2017. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm nhẹ còn 2,19%.
Số người thất nghiệp dài hạn (12 tháng trở lên) chiếm 34,93% tổng số người thất nghiệp. Số lao động trong độ tuổi thanh niên tăng 400 người so với quý 1/2018 (511.200 người), chiếm 48,16% tổng số người thất nghiệp.
Xét theo trình độ, số lao động thất nghiệp có trình độ đại học và trên đại học là 126.900 người, giảm 15.400 người so với quý 1/2018, chiếm 2,47%. 70.800 người trình độ cao đẳng thất nghiệp, giảm 18.000 người so với quý 1, chiếm 3,82%.
Trình độ trung cấp và sơ cấp nghề có số người thất nghiệp thấp nhất, lần lượt là 66.700 và 23.600 người.
Đối với lao động thiếu việc làm (người có thời gian làm việc dưới 35 giờ/tuần, có mong muốn và sẵn sàng làm thêm), cả nước có 677.000 người, giảm 79.000 người so với cùng kỳ. Trong đó, 85,02% số người thiếu việc làm là lao động nông thôn; 71,99% làm việc trong ngành nông lâm thủy sản.
Số người có nhu cầu tìm việc làm là 14.400 người, tăng gần gấp 3 lần so với quý 1/2018. Số người có bằng trung cấp tìm việc làm nhiều nhất, 4.500 người (chiếm 31,3%), tiếp theo là số người có trình độ cao đẳng (chiếm 19,5%) và đại học trở lên (chiếm 17,9%), tăng lần lượt là 1.760 và 1.830 người so với quý 1/2018.
Nhóm nghề “kế toán-kiểm toán”, “nhân sự”, “lao động phổ thông” có số lượt người tìm việc tăng hơn so với quý 1/2018.
Về triển vọng thị trường lao động trong quý 3/2018, bản tin dự báo tổng số người có việc làm vào khoảng 54,26 triệu người. Một số ngành dự báo tiếp tục tăng nhu cầu lao động với mức tăng trên 7% so với cùng kỳ năm trước là: sản xuất đồ uống; dệt; in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; thoát nước và xử lý nước thải.
Một số ngành dự báo nhu cầu lao động sẽ giảm như: nông lâm thủy sản; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên; khai khoáng khác; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; sản xuất xe có động cơ; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa lao động thất nghiệp có bằng cấp Tìm việc làm