Sau khi cấu kết với cán bộ địa chính xã, huyện làm sổ đỏ cho 159ha đất rừng, người đàn ông ở Quảng Nam đã bán diện tích rừng này, chiếm đoạt khoảng 22 tỷ đồng.

cau ket voi can bo nguoi dan ong lam so do 159ha dat rung tai sinh roi dem ban
Ông Nguyễn Thành Trung nghe công an đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam. (Ảnh: Công an Quảng Nam/Facebook)

Ngày 11/7, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thành Trung (SN 1981, trú xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo hồ sơ, vào đầu tháng 3/2016, bị can Trung cấu kết với Nguyễn Đăng May (cán bộ địa chính huyện Đại Lộc), Lương Đức Diệp (cán bộ địa chính xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc) đến khu đất rừng tại thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Hồng để đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, bản thân bị can Trung không có đất tại đây nhưng đã thuê người phát ranh và chỉ cho 2 cán bộ là May, Diệp đo đạc tổng diện tích là 159ha đất rừng. Trong quá trình đo đạc, May hướng dẫn cho Trung nhờ nhiều người đứng tên, mỗi người không quá 30ha theo quy định thì mới được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sau đó, bị can Trung nhờ 7 hộ dân là bà con, anh em trong đình lập hồ sơ, đứng tên chủ sở hữu 7 thửa đất như hướng dẫn của May, đồng thời cung cấp các thông tin cá nhân của các hộ dân này để May lập hồ sơ, tham mưu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngày 1/7/2017, UBND huyện Đại Lộc cấp 7 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 7 hộ dân tại thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Hồng với diện tích là 1.595.189m2 mục đích sử dụng là “đất rừng sản xuất”.

Sau khi được Nhà nước cấp đất, năm 2018, bị can Trung bán các thửa đất này cho ông Hồ Hoàng Long, ông Nguyễn Công Tấn và bà Trần Thị Ngọc Trâm (cùng trú tại TP.HCM) để chiếm đoạt số tiền 22,2 tỷ đồng.

Trước hành vi trên, ngày 10/7 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thành Trung.

Hiện, vụ việc đang được tiếp tục điều tra.

Theo Báo Tuổi Trẻ, diện tích đất rừng cấp cho các hộ dân này đã nằm chồng lấn lên diện tích rừng tái sinh phục hồi do ngành kiểm lâm quản lý.

Theo quy định, việc cấp đất rừng cho người dân phải trải qua nhiều khâu thẩm định rất chặt chẽ, từ họp dân, bình xét, kiểm tra diện tích trên thực địa, trên hồ sơ địa chính lưu giữ, UBND xã mới ký xác nhận, rồi đến các phòng, ban chuyên môn của huyện thẩm định, có ý kiến của ngành kiểm lâm.

Nếu tổng diện tích đất rừng sản xuất được cấp trên 100ha phải thông qua ý kiến của Ban thường vụ Huyện ủy Đại Lộc, trước khi ký cấp sổ đỏ, tuy nhiên diện tích đất rừng trên vẫn được cấp sổ đỏ.

Vụ việc được Thanh tra huyện Đại Lộc xác minh, xét thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên năm 2020 đã chuyển cơ quan điều tra công an huyện thụ lý. Sau đó vụ việc được chuyển cho Công an tỉnh Quảng Nam điều tra.

Bảo Khánh(t/h)