Chậm trả tiền trợ giá, xe buýt Hà Nội có nguy cơ phải tạm dừng chạy
- Nguyễn Quân
- •
Bị thành phố nợ tiền trợ giá quý 1/2020 trong 10 tháng qua, nhiều doanh nghiệp xe buýt tại Hà Nội cảnh báo thu không đủ chi, nhiều tuyến xe buýt Hà Nội có nguy cơ phải tạm dừng hoạt động.
Chậm đấu thầu 3 tháng, kéo theo hàng tỷ đồng trợ giá, doanh nghiệp khó khăn
Theo văn bản gửi ngày 16/1/2020 của UBND TP Hà Nội tới Thủ tướng Chính phủ, tính đến tháng 12/2019, Hà Nội có 104 tuyến buýt trợ giá, gồm 76 tuyến buýt đặt hàng và 28 tuyến buýt đấu thầu. Trong 76 tuyến buýt đặt hàng, có 1 tuyến buýt nhanh BRT và 7 tuyến buýt sử dụng nhiên liệu sạch khí CNG đủ điều kiện đặt hàng, còn lại 68 tuyến buýt đặt hàng năm 2019 được tổ chức đấu thầu để thực hiện hợp đồng từ ngày 1/1/2020.
Tuy nhiên, 68 tuyến trên đã không lựa chọn được nhà thầu để thực hiện hợp đồng từ ngày 1/1/2020 theo kế hoạch. Giải thích về điều này, chính quyền TP nói do khối lượng công việc lớn, việc chuẩn bị hồ sơ để tổ chức đấu thầu mất nhiều thời gian.
Do chậm triển khai đấu thầu nên UBND Hà Nội gia hạn hợp đồng đối với các đơn vị đang cung ứng dịch vụ đối với 68 tuyến xe buýt nói trên từ ngày 1/1/2020 đến khi lựa chọn được nhà thầu, dự kiến đến hết ngày 31/3/2020.
Theo thông thường, doanh nghiệp hoạt động tới đâu thì thành phố phải chuyển tiền trợ giá tới đó. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, tới nay đã gần hết năm 2020, khoản trợ giá trong 3 tháng đầu năm vẫn chưa được thành phố chi trả.
Doanh thu 8 tháng: Chỉ hơn 290 tỷ đồng
Dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) và một số tác động khác khiến chỉ tiêu vận tải hành khách bằng xe buýt tại Hà Nội bị sụt giảm lớn.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tính đến hết tháng 8/2020, một số chỉ tiêu (lượt xe, sản lượng, doanh thu, chi chí, trợ giá) đối với 104 tuyến buýt trợ giá cơ bản không đạt so với kế hoạch năm 2020 và thực hiện cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, tổng sản lượng hành khách đạt 221,3 triệu lượt (giảm 26,8% so với cùng kỳ), trong đó xe buýt trợ giá đạt 203,4 triệu lượt hành khách (đã bao gồm khách đi xe buýt miễn phí), giảm 23,8% so với cùng kỳ. Doanh thu thực hiện đạt 291,1 tỷ đồng, giảm 45,9% so với kế hoạch năm 2020.
Đề xuất thanh toán gần 312 tỷ đồng trợ giá
Công ty Cổ phần Ôtô vận tải Hà Tây là đơn vị đầu tiên “kêu cứu” về nguy cơ phải tạm dừng vận hành tuyến buýt số 72 (Bến xe Yên Nghĩa-Xuân Mai) do thu không đủ bù chi.
Công ty CP Xe điện Hà Nội cho biết có 140 xe buýt với 750 nhân viên lái, phụ xe, vận hành 8 tuyến buýt. Tần suất vận chuyển trung bình hơn 500 lượt hành khách/tháng. Ngoài chi phí của doanh nghiệp, mỗi tháng TP Hà Nội trợ giá cho doanh nghiệp khoảng 16 tỷ đồng/tháng. Công ty này cho biết do khoản trợ giá trong quý 1/2020 chưa được chi trả, nên hiện công ty đã vay ngân hàng để duy trì hoạt động.
Các doanh nghiệp khác như Tổng công ty Vận tải Hà Nội, Công ty Cổ phần Xe khách Hà Nội, Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ Liên Ninh, Chi nhánh Công ty TNHH Bắc Hà, Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến, Công ty Cổ phần Vận tải Newway cũng cho biết đang chờ đợi thanh toán tiền trợ giá.
Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội cho biết tính riêng 68 tuyến chưa được thanh toán trong 3 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp xe buýt đang vay ngân hàng hơn 200 tỷ đồng, lãi suất 7-8%/năm. Nếu không sớm có giải pháp tháo gỡ, nguy cơ cao là nhiều tuyến buýt phải tạm ngừng hoạt động, ông Thông cho biết.
Tổng giá trị kinh phí trợ giá đề nghị thanh toán do ông Vũ Văn Viện, giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội ký duyệt báo cáo gửi thành phố hồi cuối tháng 10 vừa qua là gần 312 tỷ đồng.
Động thái gần nhất, truyền thông trong nước cho biết ngày 16/11, ông Lê Hồng Sơn Phó Chủ tịch UBND TP đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan hướng dẫn Sở Giao thông Vận tải thực hiện phương án thanh quyết toán kinh phí trợ giá đối với 68 tuyến buýt trong quý 1/2020. Trường hợp vướng mắc vượt thẩm quyền thì rà soát, tham mưu, báo cáo lại thành phố.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa trợ giá xe buýt xe buýt Hà Nội