Chính phủ đề xuất mở rộng miễn thuế nhập khẩu tất cả hàng hóa khoa học, công nghệ
- Minh Long
- •
Chính phủ đề xuất mở rộng miễn thuế nhập khẩu với tất cả hàng hóa, máy móc được nhập khẩu để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, bao gồm cả những hàng hóa trong nước có thể tự sản xuất.
- Trung Quốc dự tính miễn thuế cho một số mặt hàng nhập khẩu “không thể thay thế” từ Hoa Kỳ
- Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục miễn thuế TNCN đối với lãi tiền gửi tiết kiệm

Ngày 25/4, tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật, bao gồm: Đấu thầu, Đầu tư theo phương thức công tư (PPP), Hải quan, Thuế xuất khẩu, nhập khẩu, Đầu tư, Đầu tư công và Quản lý sử dụng tài sản công.
Miễn thuế nhập khẩu cho hàng hóa khoa học, công nghệ
Trình bày tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng miễn thuế nhập khẩu đối với các hàng hóa nhập khẩu phục vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Các mặt hàng được miễn thuế bao gồm:
Máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư chuyên dùng, tài liệu, sách báo khoa học chuyên ngành được sử dụng trực tiếp cho các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, kể cả những loại hàng hóa mà trong nước đã sản xuất được;
Hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của các dự án đầu tư trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số;
Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất của các tổ chức khoa học, công nghệ, tổ chức đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số;
Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu mà trong nước chưa sản xuất được, phục vụ trực tiếp cho sản xuất các sản phẩm công nghệ số.
So với quy định hiện hành, chính sách mới mở rộng phạm vi miễn thuế nhập khẩu, không chỉ giới hạn ở các hàng hóa trong nước chưa sản xuất được mà bao gồm cả những mặt hàng đã được sản xuất trong nước.
Hiện nay, theo Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu, các máy móc, thiết bị, vật tư chuyên dùng nhập khẩu để nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ chỉ được miễn thuế nếu trong nước chưa sản xuất được mặt hàng tương tự, dựa trên danh mục do Bộ Tài chính ban hành.
Cân nhắc tác động của chính sách mới
Thẩm tra tờ trình, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kinh tế – Tài chính Lê Quang Mạnh cho rằng việc sửa đổi theo hướng mở rộng diện miễn thuế nhập khẩu là cần thiết để thể hiện chính sách ưu đãi mạnh mẽ cho các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tuy nhiên, ông Mạnh lưu ý cần cân nhắc kỹ lưỡng việc miễn thuế cho tất cả hàng hóa nhập khẩu, kể cả những mặt hàng trong nước đã sản xuất được.
Theo ông, điều này có thể ảnh hưởng đến chính sách khuyến khích sử dụng hàng hóa trong nước, làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm nội địa so với hàng nhập khẩu.
‘Bộ Tài chính cũng xót lắm chứ’
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, thực tế các máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư chuyên dùng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thường không được sản xuất trong nước, hoặc nếu có thì chất lượng thấp, không đáp ứng được yêu cầu phục vụ các lĩnh vực này.
Theo ông Thắng, nếu giữ điều kiện “trong nước chưa sản xuất được” để miễn thuế nhập khẩu, sẽ tạo rào cản, gây khó khăn cho việc thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
“Miễn thuế thì Bộ Tài chính chúng tôi cũng xót lắm chứ không phải không. Nhưng nếu không có quy định này, sẽ khó thúc đẩy được sự phát triển khoa học, công nghệ”, ông Thắng nói.
Ông Thắng cũng đề xuất rằng đối với các doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực này, có thể nghiên cứu các chính sách hỗ trợ khác để đảm bảo sự cân bằng.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cân nhắc và đánh giá kỹ lưỡng tác động của việc mở rộng miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng mà trong nước đã sản xuất được. “Nếu không thực sự cần thiết thì không nên đưa vào”, ông Hải lưu ý.
Theo quy định hiện hành, danh mục các máy móc, phụ tùng, nguyên liệu mà Việt Nam chưa sản xuất được, làm cơ sở để miễn thuế nhập khẩu, do Bộ Tài chính (trước đây là Bộ Kế hoạch – Đầu tư) ban hành.
Đề xuất sửa đổi lần này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ và chuyển đổi số, nhưng vẫn cần được xem xét kỹ để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa khuyến khích đổi mới và hỗ trợ sản xuất trong nước.
Từ khóa thuế nhập khẩu luật thuế xuất khẩu nhập khẩu bộ tài chính Ủy ban thường vụ Quốc hội
