Theo giới chức tỉnh Ninh Thuận, cần xác định lộ trình phát triển điện hạt nhân cụ thể nhằm tránh làm lãng phí nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, nguồn lực đất đai tại 2 vị trí xây dựng nhà máy và nguồn nhân lực được đào tạo chuyên sâu về điện hạt nhân vừa qua.

chinh phu de xuat tai khoi dong dien hat nhan ninh thuan phan hoi gi
Chính phủ Việt Nam muốn tái khởi động dự án điện hạt nhân. (Ảnh minh họa: barmalini/shutterstock)

Ngày 13/11, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về phát triển điện hạt nhân.

Theo UBND tỉnh, ngày 25/11/2009, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 41/2009/QH12 về chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 tại huyện Thuận Nam và huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận) với tổng công suất 4.000MW.

“Đây là dự án trọng điểm quốc gia, tác động lớn và có vai trò động lực quyết định đến phát triển kinh tế của tỉnh. Vì vậy, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2010-2020 đã được xây dựng xoay quanh trục phát triển của dự án Điện hạt nhân và những tác động lan tỏa của dự án đến các lĩnh vực, ngành nghề trong kịch bản phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đến năm 2020”, văn bản nêu.

Tuy nhiên, ngày 26/11/2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 về việc dừng thực hiện hai dự án trên.

“Chủ trương này đã phá vỡ các kịch bản tăng trưởng và phát triển của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, theo UBND tỉnh.

Trước bối cảnh này, tỉnh Ninh Thuận đã điều chỉnh chiến lược sang phát triển năng lượng tái tạo để thay thế nguồn điện hạt nhân. Đến nay, toàn tỉnh đã có 57 dự án với 3.750MW điện năng lượng tái tạo.

Cũng từ khi 2 dự án Điện hạt nhân tạm ngưng, UBND tỉnh Ninh Thuận đã triển khai Đề án ổn định sản xuất, đời sống người dân khu vực dự án và phát triển khu dân cư đối với 2 vị trí xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Đến nay, tỉnh đã được cấp 423 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương và địa phương để thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng; đồng thời, đang triển khai xây dựng 18 hạng mục công trình kết cấu hạ tầng tại vùng ảnh hưởng bởi 2 dự án điện hạt nhân.

Cùng với đó, nhằm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển điện hạt nhân, từ năm 2010, Bộ GD-ĐT đã cử 323 sinh viên (có 87 sinh viên người Ninh Thuận) đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân tại các trường đại học ở Liên bang Nga.

Ngoài ra, từ năm 2016, Bộ GD-ĐT cũng đã làm việc với phía Nhật Bản để đào tạo 100 sinh viên từ trình độ đại học trở lên cho dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã triển khai thực hiện dự án đào tạo nguồn nhân lực cho các nhà máy điện hạt nhân cho 31 sinh viên.

Để việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” năm 2050, tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Bộ Công thương cần xác định lộ trình phát triển điện hạt nhân cụ thể nhằm tránh lãng phí nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, nguồn lực đất đai tại 2 vị trí xây dựng Nhà máy điện hạt nhân và nguồn nhân lực được đào tạo chuyên sâu về điện hạt nhân vừa qua.

Tỉnh đề nghị Bộ Công thương kiến nghị các cơ quan thẩm quyền xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật đầy đủ, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc phát triển điện hạt nhân.

Tỉnh cũng đề nghị Bộ Công thương trong quá trình triển khai chiến lược phát triển điện hạt nhân, cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm công nghiệp xanh, sạch nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho Ninh Thuận cũng như cho quốc gia trong phát triển kinh tế- xã hội trong thời gian tới.

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Chiều ngày 12/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đăng đàn sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông hoàn thành nội dung trả lời chất vấn của Quốc hội.

pham minh chinh
Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: quochoi.vn)

Về bảo đảm cung ứng điện trước mắt và lâu dài, Thủ tướng Chính phủ nêu dự báo nhu cầu điện tăng nhanh, trong đó năm 2025 tăng khoảng 12-13% và những năm sau còn cao hơn nữa.

Vì thế, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ quy định pháp luật để tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai các dự án hạ tầng nguồn điện; xây dựng hệ thống lưới điện thông minh và vận hành linh hoạt, có khả năng tự động hóa cao.

Chính phủ sẽ tập trung hoàn thành thủ tục, khởi công và đưa vào vận hành các dự án điện lớn, quan trọng; tăng cường các biện pháp tiết kiệm năng lượng và quản lý nhu cầu điện;

Rà soát tháo gỡ các dự án điện tái tạo đã đầu tư có vướng mắc pháp lý và bảo đảm định giá đúng, đủ, hợp lý để khuyến khích phát triển các nguồn điện cũng là nhiệm vụ quan trọng Chính phủ hướng tới, bên cạnh việc đảm bảo đủ hạ tầng, nhiên liệu cho sản xuất điện.

Về giải pháp dài hạn, Thủ tướng Chính phủ cho biết Chính phủ đã và đang đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi.

Chính phủ cũng đã trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Điện lực nhằm tạo đột phá về thể chế, tháo gỡ các vướng mắc, phát triển nguồn, lưới điện.

Chính phủ cũng chỉ đạo hoàn thành dự án đường dây truyền tải 500kV mạch 3 Quảng Bình – Hưng Yên; tích cực triển khai Quy hoạch điện VIII.

Minh Long