Chủ tịch Hà Nội: ‘Hệ thống nước ngầm đang nhiễm Asen rất nặng’
- Hoàng Minh
- •
Theo ông Nguyễn Đức Chung, nguyên nhân nước ngầm tại Hà Nội nhiễm asen rất mạnh vì có trên 300.000 giếng khoan của người dân và của doanh nghiệp trong các khu phụ công nghiệp thẩm thấu xuống.
Ngày 3/12, HĐND TP. Hà Nội Khóa XV đã khai mạc Kỳ họp thứ 11.
Tại buổi thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu đã nêu những thực trạng về tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước sạch cho người dân và đề nghị thành phố có những giải pháp khắc phục vấn đề trên.
Đại biểu Hoàng Huy Được (Ba Vì) cho rằng đến năm 2020, tỷ lệ người dân được cung cấp nước sạch sẽ đạt 100%, nhưng qua vụ việc đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà, có thể thấy người dân thành phố đang sử dụng nước sạch nhưng chưa chắc đã sạch.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết đến năm 2020, 100% người dân đô thị được cung cấp nước sạch theo tiêu chuẩn 01 của Bộ Y tế; 50% người dân nông thôn được cung cấp nước sạch theo tiêu chuẩn đô thị.
Hà Nội đang kêu gọi công khai xã hội hóa các đơn vị tư nhân vào đầu tư hệ thống cung cấp nước, đến nay đã được 23 nhà đầu tư với 38 dự án.
“Năm nay, 75% người dân ở vùng nông thôn được cấp nước sạch theo tiêu chuẩn đô thị. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống nước ngầm của chúng ta đang bị nhiễm Asen và chất hữu cơ rất nặng. Nguyên nhân vì có trên 300.000 giếng khoan của người dân và của doanh nghiệp trong các khu phụ công nghiệp thẩm thấu xuống.
Cũng trong năm nay, ngoài sự cố nước sông Đà, các khu đô thị, khu chung cư không có tình trạng cắt nước nơi này, cấp nước nơi kia, mà có đủ nước sạch cấp cho người dân” – ông Chung nói.
Cũng theo ông Chung, Hà Nội đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lại quy hoạch nước, xây dựng theo hệ thống mạch vòng, trong trường hợp mất nước cục bộ vẫn có thể điều tiết được. Về vấn đề giá nước, ông Chung cho hay thành phố đã làm nghiêm túc vì từ năm 2013 đến nay chưa tăng giá nước.
Liên quan đến nước nhiễm asen, trước đó, ngày 12/11/2018, Viện Công nghệ Môi trường (IET) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam và Trường Đại học Công nghệ Sydney (UTS) đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Asen trong nước ngầm ở Đồng bằng sông Hồng: Hiện trạng và công nghệ xử lý ở quy mô phân tán”.
Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2017, cả nước có 17 triệu người dân sử dụng nước bị nhiễm asen do dùng nước từ giếng khoan chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa triệt để, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Cả nước có hơn 4 triệu giếng khoan, trong đó nhiều giếng có nồng độ asen cao hơn 20-50 lần giới hạn cho phép (0,01mg/l). Ô nhiễm asen trong nước tập trung tại một số vùng nông thôn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá… Có 3/4 số hộ dân được điều tra tại 8 tỉnh Đồng bằng sông Hồng bị nhiễm asen cao hơn nhiều mức cho phép, trong đó tỉnh Hà Nam nhiễm cao nhất với 50/160 xã (chiếm 43%) có nguồn nước bị nhiễm asen…
Riêng TP. Hà Nội, theo đánh giá của tổ chức UNICEF, khu vực nông thôn của Hà Nội như: Thường Tín, Ứng Hòa, Đan Phượng, Thanh Oai, Thanh Trì, nguồn nước ngầm bị nhiễm asen rất nặng. Kết quả khảo sát nồng độ asen trong nước ngầm tại 345 làng nghề tại TP. Hà Nội của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội (tháng 10/2012) cho thấy có 338/345 mẫu nước (97,97%) có hàm lượng asen cao từ 2-50 lần so với quy chuẩn cho phép.
Nguyên nhân gây nhiễm asen trong nước là một nguyên tố tự nhiên nằm trong lớp vỏ trầm tích của trái đất (đặc biệt là lớp trầm tích của các vùng Đồng bằng sông Hồng có hàm lượng asen rất cao) được giải phóng và hoà tan vào nguồn nước. Bên cạnh đó, còn có các yếu tố chủ quan khác như: Tồn dư thuốc bảo vệ thực vật do sản xuất và sử dụng phân bón hóa chất trong nông nghiệp; khai thác và chế biến khoáng sản đa kim loại như: Than, dầu mỏ, luyện kim cơ khí, nhiệt điện và đốt dầu than công nghiệp,…
PGS.TS Trần Hồng Côn, Chủ nhiệm bộ môn công nghệ hóa học (khoa Hóa, Trường ĐH Khoa học tự nhiên thuộc ĐHQG Hà Nội) cho biết theo khuyến cáo của WHO, nước bị coi là nhiễm độc Asen là nước có hàm lượng Asen từ 0,01mg/lít trở lên. Sử dụng nước bị nhiễm Asen quá mức cho phép trong một thời gian dài thì cơ thể bị phơi nhiễm Asen mãn tính. Asen là tác nhân gây ra 19 loại bệnh khác nhau, trong đó đặc biệt là bệnh ung thư da và ung thư phổi. Người uống nước nhiễm Asen lâu ngày sẽ có các đốm sừng trên thân thể hay các đầu chi, niêm mạc lưỡi hoặc sừng hóa da, gây sạm và mất sắc tố, từ đó dẫn đến hoại da hay ung thư da. Bệnh sừng hóa thường xuất hiện ở tay, chân, lòng bàn tay, gan bàn tay. Tình trạng nhiễm asen lâu ngày còn có thể gây ung thư (gan, phổi, bàng quang, thận). Trường hợp mãn tính cho đến bây giờ chưa có thuốc nào chữa được. Với trường hợp uống nước nhiễm Asen lâu ngày, chưa phát hiện ra ung thư thì mới có phác đồ điều trị là cách ly bệnh nhân ra khỏi nguồn nước ô nhiễm, uống vitamin để cơ thể tự đào thải độc tố ra ngoài. Trong trường hợp ngộ độc cấp tính như bị đầu độc, uống phải một liều lượng thạch tín nhất định khi đó Asen vào cơ thể làm tan hồng cầu, dẫn đến thiếu máu, da vàng, các cơ quan trong cơ thể bị thiếu oxi, nên chỉ sau 24 – 36 tiếng sẽ tử vong. |
Hoàng Minh
Xem thêm:
Từ khóa Hà Nội nước nhiễm asen