Chủ tịch Hà Nội: ‘Không có lợi ích nhóm ở dự án nhà máy nước sông Đuống’
Ông Nguyễn Đức Chung khẳng định Hà Nội đã chọn những nhà đầu tư có năng lực để làm nhà máy nước sông Đuống chứ không có lợi ích nhóm ở dự án này.
Chiều 15/11, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ 11 HĐND khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri quận Hoàn Kiếm đề nghị lãnh đạo TP. Hà Nội làm rõ vấn đề quản lý nguồn nước sạch, trước sự ô nhiễm nước mặt sông Đà và giá nước mặt sông Đuống.
“Cử tri thất vọng là nhà máy nước sạch sông Đà từ khi đưa vào sử dụng thì nhiều lần vỡ đường ống, nay lại nhiễm bẩn. Còn nước mặt sông Đuống có giá cao, đã bóp nghẹt người dân dùng nước của nhà máy.
Tránh để người dân bàn tán vì lợi ích nhóm, mà sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi và đảm bảo không xảy ra sự cố, cử tri muốn biết ai phải chịu trách nhiệm trong sự việc”, cử tri Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền) nói.
Trả lời cử tri, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung thừa nhận chưa có sự phối hợp tốt giữa đơn vị liên quan của TP. Hà Nội với tỉnh Hòa Bình trong việc giám sát nhà máy nước sạch sông Đà. Ông Chung cho hay qua kết quả điều tra của Công an Hòa Bình thì không ai thuê các đối tượng đổ dầu thải xuống suối để gây ô nhiễm nhà máy nước sạch sông Đà.
Còn về nhà máy nước mặt sông Đuống, Chủ tịch Hà Nội cung cấp thông tin có 4 nhà đầu tư rót vốn xây dựng nhà máy, gồm một quỹ đầu tư của Oman, doanh nghiệp Aqua One, Nhà máy nước sạch số 2 (10%) và 5% của một đơn vị khác.
“Aqua One là doanh nghiệp của bà Đỗ Thị Kim Liên (hay còn gọi là Shark Liên) mà báo chí phản ánh vừa qua. Đây là công ty từng làm nhà máy to nhất miền Nam tại Long An. TP cũng chọn những nhà đầu tư có năng lực. Vấn đề là như vậy, chứ không có lợi ích nhóm của ai ở đâu cả”, ông Chung khẳng định.
Ông Chung cũng đưa ra thông tin vừa qua một doanh nghiệp của Thái Lan mua lại cổ phần của Công ty nước mặt sông Đuống.
“Quỹ đầu tư Oman đã bán lại cổ phần cho nhà đầu tư Thái Lan, họ bán mấy tháng rồi, chứ không phải bây giờ”, Chủ tịch UBND TP nói và cho rằng các quỹ đầu tư mua bán là bình thường, nên khuyến khích chứ không có vấn đề gì.
“Thực tế môi trường phải thế nào thì họ mới vào đầu tư. Còn tôi khẳng định với cử tri, nhà máy nước mặt sông Đuống là nhà máy hiện đại nhất Việt Nam và Đông Nam Châu Á”, ông Chung nói thêm.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng khẳng định giá nước mặt sông Đuống 10.246 đồng/m3 nước chỉ là giá tạm tính để phục vụ cho nhà đầu tư lập dự án đầu tư. Còn sau này khi dự án hoàn thành, sẽ có quyết toán công trình sẽ ra giá thành cụ thể.
“Khi nhà máy nước mặt sông Đuống hoàn thành giai đoạn 1, TP có giao cho Công ty nước sạch Hà Nội phân phối nước cho họ, trung bình từ 110.000 đến 120.000 m3/ngày đêm.
Nước sông Đuống được Công ty Nước sạch Hà Nội mua với giá 7.700 đồng/m3, và phân phối đến các hộ dân với giá trung bình khoảng 8.000 đồng/m3. Giá này đã đảm bảo nguyên tắc, giá mua không được cao hơn giá bán ra”, ông Chung cho biết.
Để xây dựng nhà máy nước sạch sông Đuống, nhà đầu tư đi vay tới 80% trong tổng mức đầu tư, dẫn đến việc người dân phải gánh tới 20% tiền lãi vay ngân hàng trong một khối nước sạch.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Đức Chung cho biết “tất cả các dự án trên thế giới đều phải đi vay, kể cả vay 100% cũng chẳng vấn đề gì. Đó là bài toán của họ và họ phải chịu. Mọi người thắc mắc con số đó, tôi thấy rất vô lý, bởi ngay cả thành phố cũng đang đi vay tiền bổ sung ngân sách thì mới đầu tư được.
Tổng mức đầu tư dự án ban đầu mới chỉ là dự toán. Mai kia quyết toán công trình có thể thấp hơn rất nhiều, cũng có thể cao hơn. Khi đó mới biết được chính xác nhà máy này xây dựng hết bao nhiêu tiền. Khi quyết toán xong thì mới có giá thành nước sạch sông Đuống. Trước mắt các công ty nước tự mua với nhau với giá 7.700 đồng/m3”.
Trước đó, người dân tại các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông,… lâm vào cảnh khủng hoảng khi không sử dụng được nguồn nước nước sông Đà do nhiễm dầu thải.
Sau đó, dư luận lại xôn xao khi giá bán nước sạch của nhà máy sông Đuống cao gấp đôi giá bán của Công ty nước sạch sông Đà.
Sở Tài chính Hà Nội giải thích giá bán của nhà máy nước sông Đuống mới là mức giá tạm tính tối đa, còn cụ thể phải chờ khi nào nhà máy đi vào hoạt động chính thức. Việc giá nước sạch sông Đuống cao hơn sông Đà là do nhiều yếu tố như công nghệ, hiệu suất đầu tư và chất lượng nguồn nước thô khác nhau.
Nhà máy nước sông Đuống có nhiệm vụ cấp nước sạch sinh hoạt cho khu vực trung tâm phía đông bắc Hà Nội (quận Long Biên, huyện Gia Lâm, một phần huyện Đông Anh); khu vực nam Hà Nội (một phần quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai); đô thị vệ tinh Phú Xuyên và vùng nông thôn liền kề. Ngoài ra nhà máy này còn cấp nước cho một số khu vực của tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên.
Theo chủ trương đầu tư của thành phố, giai đoạn 1 đến năm 2020, nhà máy đạt công suất 300.000 m3 mỗi ngày đêm; giai đoạn 2 đến 2025 đạt công suất 600.000 m3 mỗi ngày đêm; giai đoạn 3 đến 2030 đạt công suất 900.000 m3 mỗi ngày đêm. Dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang cấp khoảng 120.000 m3 mỗi ngày đêm.
Hoàng Minh
Xem thêm:
Từ khóa Nguyễn Đức Chung lợi ích nhóm dự án nước sạch sông Đuống