Nhiều đại biểu Quốc hội quan ngại về mục tiêu tăng trưởng 8%
- Nguyên Hương
- •
Ngày 15/2, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về Đề án bổ sung phát triển kinh tế – xã hội năm 2025, trong đó đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên. Tuy nhiên, nhiều đại biểu lo ngại về tính khả thi của mục tiêu này, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang. Các biện pháp hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng có thể gây sức ép lên ngân sách và cộng đồng doanh nghiệp.
- Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 8%
- Nhiều đại biểu lo ngại mục tiêu tăng trưởng khó đạt được trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang
- Các biện pháp đề xuất để đạt mục tiêu tăng trưởng có thể gây sức ép lên ngân sách và cộng động doanh nghiệp
- Dự báo và khuyến nghị của Ngân hàng Standard Chartered và Ngân hàng UOB Singapore về tăng trưởng GDP Việt Nam

Mục tiêu tăng trưởng 8% là thách thức lớn trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang
Theo đề án, Chính phủ đặt ra mục tiêu tham vọng khi không chỉ hướng tới mức tăng trưởng 8% vào năm 2025, mà còn kỳ vọng đạt mức hai con số từ năm 2026 trở đi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, lần gần nhất Việt Nam đạt mức tăng trưởng trên 8% là vào năm 1997, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều thuận lợi.
Giai đoạn sau đó, nền kinh tế chưa từng lặp lại thành tích này một cách bền vững, ngoại trừ năm 2022 – thời điểm GDP tăng 8,02% do yếu tố phục hồi sau đại dịch COVID-19. Ngay sau đó, năm 2023, tốc độ tăng trưởng chỉ còn 5,05%, cho thấy sự chững lại của nền kinh tế khi các yếu tố hỗ trợ tạm thời mất đi.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, nhấn mạnh rằng đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong bối cảnh hiện nay là một thách thức rất lớn, đặc biệt là nếu Việt Nam bị ảnh hưởng bởi một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu.
“Chúng ta có thể thấy rõ những nguy cơ từ xung đột thương mại, đặc biệt là căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, có thể tác động đến Việt Nam. Nếu Việt Nam bị cuốn vào vòng xoáy áp thuế hoặc chịu các rào cản thương mại từ các đối tác lớn, mục tiêu tăng trưởng cao sẽ ngày càng xa vời,” ông Hà Sỹ Đồng nhận định.
Làm rõ hơn về mục tiêu tăng trưởng, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tại buổi thảo luận tổ ngày 14/2 cho biết mức tăng trưởng năm 2024 đạt 7,09% là rất cao, nhưng vẫn còn nhiều dư địa và tiềm năng chưa khai thác hết. Trong năm 2024 Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiện tai, tình hình bất ổn của thế giới, trong nước thì đầu tư công giải ngân chậm. Nếu giải quyết được những vấn đề này, nền kinh tế sẽ có thêm dư địa để tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2025 – ông Phớc nhận định.
“Bốn động lực chính để tăng trưởng trong năm 2025 là sản xuất, tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Trong đó, đầu tư và xuất khẩu và hai yếu tố quan trọng nhất” – Ông Phớc nhấn mạnh.
Về đầu tư, ông Phớc đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của đầu tư công. Ông cho biết, năm 2025, Chính phủ dự kiến bố trí đầu tư công tăng gần xấp xỉ 900 ngàn tỷ đồng, tăng khoảng 108 ngàn tỷ đồng so với năm 2024. Nguồn tăng đầu tư lấy từ số thu ngân sách vượt dự toán (158 ngàn tỷ đồng) và khoản tăng đầu tư công (108 ngàn tỷ đồng).
Một giải pháp khác được Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề cập là hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông. Ông cho biết, Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành thêm 1.000 km đường cao tốc trong năm 2025, hướng tới đạt 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030.
Bên cạnh đó, các dự án đường sắt trọng điểm cũng được thúc đẩy, bao gồm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ và ba tuyến đường sắt phía Bắc kết nối với Trung Quốc. Đây đều là những yếu tố được kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho đầu tư và tăng trưởng GDP.
“Mức tăng trưởng của Việt Nam không chỉ đạt 8% mà có thể vượt xa hơn nữa“, ông Phớc khẳng định.
Tăng bội chi ngân sách để đạt mục tiêu tăng trưởng sẽ đè nặng lên ngân sách và doanh nghiệp
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8%, Chính phủ đề xuất nới lỏng chính sách tài khóa, tăng chi tiêu công và chấp nhận bội chi ngân sách cao hơn, có thể lên tới 4-4,5% GDP. Đồng thời, Việt Nam cũng có thể chấp nhận mức nợ công tiệm cận hoặc vượt ngưỡng cảnh báo 5% GDP để có nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng.
Về vấn đề này, đại biểu Hà Sỹ Đồng cảnh báo rằng việc tăng bội chi có thể gây áp lực lớn lên hệ thống tài chính quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó khăn do các chính sách thuế, đặc biệt là tình trạng chậm hoàn thuế VAT trong các ngành gỗ, cao su, sắn.
“Chúng ta cần cân nhắc giữa mục tiêu tăng trưởng và sự bền vững của nền kinh tế. Nếu đặt mục tiêu quá cao và dựa vào bội chi ngân sách để kích thích tăng trưởng, chúng ta có thể rơi vào tình trạng nợ công tăng nhanh, kéo theo các hệ lụy về lạm phát và ổn định tài chính” ông Đồng phân tích.
Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề cập đến tình trạng tín dụng thắt chặt, khiến doanh nghiệp tư nhân khó tiếp cận vốn. Mặt bằng lãi suất hiện nay vẫn cao, trong khi các doanh nghiệp có giao dịch liên kết cũng đang gặp áp lực lớn từ chính sách thuế.
“Nếu môi trường kinh doanh không thực sự thuận lợi, doanh nghiệp khó có thể đầu tư mở rộng sản xuất, dẫn đến tăng trưởng khó đạt mục tiêu,” đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nhận xét.
Các tổ chức quốc tế nhận định gì về tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025?
Trong khi các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi về tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng, cũng như tác động của các biện pháp ép tăng trưởng lên nền kinh tế thì các tổ chức quốc tế nhận định tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025 ở ngưỡng 6 – 7%. Nửa đầu năm mức tăng trưởng sẽ cao hơn nửa cuối năm.
Ngân hàng UOB, Singapore dự báo tăng trưởng 7%
Báo cáo đầu tháng 1, UOB đã nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025 lên 7% từ mức trước đó là 6,6%.
UOB cho tằng các động lực trong nước như sản xuất, chi tiêu của người tiêu dùng và lượng khách du lịch sẽ đóng góp cho tăng trưởng nửa đầu năm.
Về thách thức, UOB cho rằng sự không chắc chắn về triển vọng thương mại sẽ là rủi ro lớn đối với Việt Nam trong nửa cuối năm. Bởi lẽ, nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu, khi đã tăng lên mức cao kỷ lục hơn 400 tỷ USD vào 2024, gần bằng quy mô GDP danh nghĩa là 450 tỷ USD.
Áp lực tỷ giá vẫn hiện diện. USD dự báo mạnh hơn nữa trong nửa đầu năm, sau sự trở lại của ông Donald Trump. Thị trường quốc tế đã điều chỉnh lại kỳ vọng, với ít đợt cắt giảm lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hơn, nghĩa là sức mạnh của USD tiếp tục củng cố.
Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng 6,7%
Theo báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, ngân hàng Standard Chartered cho biết mức tăng trưởng năm 2025 của Việt Nam dự kiến ở mức 6,7%, theo đó 7,5% trong nửa đầu năm và ở mức 6,1% trong nửa cuối năm.
Báo cáo cho biết, GDP của Việt Nam ước tính đã tăng 7,1% trong năm 2024, tăng trưởng khá so với mục tiêu 6,5% của chính phủ, nhờ chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng và doanh số bán lẻ tăng mạnh. Tuy nhiên, số liệu gần đây cho thấy sự chững lại, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, vẫn đang gặp khó khăn mặc dù có những dấu hiệu phục hồi ban đầu.
Lạm phát ở mức 3,6% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 1 năm 2025, đánh dấu tháng thứ sáu liên tiếp dưới mức 4%. Áp lực lạm phát có thể gia tăng vào năm 2025 do giá cả tăng trong các lĩnh vực y tế, nhà ở, vật liệu xây dựng, và thực phẩm. Ngân hàng trung ương có khả năng đối mặt với những thách thức nếu lạm phát tăng vào quý 2 năm 2025, điều này có thể làm phức tạp nỗ lực phục hồi kinh tế.
Việt Nam duy trì thặng dư thương mại lớn với thị trường Mỹ, và trong bối cảnh mới có thể chịu sự giám sát chặt chẽ hơn. Trong khi cán cân thương mại vẫn ổn định, một số rủi ro vẫn tồn tại: thặng dư thương mại hàng tháng đang giảm gần đây; các thay đổi về quy định được đề xuất có thể khiến một số hàng hóa nhập khẩu không đủ điều kiện gắn nhãn “Sản xuất tại Việt Nam”, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng; làn sóng dịch chuyển sản xuất toàn cầu sang Việt Nam cũng có thể làm dấy lên lo ngại về tình trang dư cung và áp lực giá cả.
- Tổng thống Donald Trump ra lệnh áp thuế quan đối ứng với tất cả các nước
- Chính thức áp thuế nhôm, thép nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ ngày 4/3/2025
Đồng Việt Nam (VND) vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ, giúp hạn chế biến động tỷ giá trong ngắn hạn. Dù thâm hụt tài khóa duy trì ở mức trung bình khoảng 2% GDP suốt hai thập kỷ qua, nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ vững đà tăng trưởng vững chắc. Ngân hàng trung ương có thể cần tăng cường dự trữ ngoại hối để tránh VND tăng giá quá mức.
Du lịch được kỳ vọng sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính, nhờ lượng khách quốc tế gia tăng và sự trở lại của du khách Trung Quốc. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng dự báo ở mức 16,0% trong năm 2025, các khoản vay đã tăng 15,1% vào năm 2024, dù hoạt động cho vay vẫn diễn ra một cách thận trọng.
Lãi suất thấp hơn ở Mỹ có thể giúp hạn chế dòng vốn rút khỏi Việt Nam, nhưng lượng nhập khẩu thấp từ Việt Nam vẫn là một thách thức. Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa – đặc biệt dầu – tiếp tục là một rủi ro đáng lo ngại.
Từ khóa mục tiêu tăng trưởng 8% Tăng trưởng GDP năm 2025 căng thẳng thương mại Đề án bổ sung phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 Đại biểu Quốc hội quan ngại
