Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL thừa nhận từ tên gọi, phạm vi và nguồn lực của chương trình đều đang phải xem xét lại, trong đó khó khăn lớn nhất là về nguồn tiền – dự toán 340.000 tỷ đồng “chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam”.

em be sapa
Một đứa trẻ nghèo bám vào hàng rào tại Sapa, 2018. (Ảnh minh họa: Aleksei Liashchenko/Shutterstock)

Chiều 22/10, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 6 để thảo luận, cho ý kiến về công tác năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024 đối với các lĩnh vực mà Ủy ban phụ trách, gồm: văn hóa, thể thao, du lịch, tín ngưỡng, tôn giáo, thông tin – truyền thông; giáo dục và đào tạo; thanh niên và trẻ em.

Trong lĩnh vực văn hóa, nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 được đại diện Bộ VH-TT&DL – Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề cập đến.

Bà Thủy cho biết Bộ này đang phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu cho Chính phủ sớm trình các cấp có thẩm quyền về chương trình này. Tuy nhiên, hiện còn một số vấn đề cần quan tâm như tên gọi, phạm vi và nguồn lực của chương trình.

Về phạm vi, bà Thủy cho hay rất nhiều ý kiến băn khoăn là văn hóa con người rất rộng, nếu “không đề cập một cách hài hòa, phù hợp thì vấn đề con người trong chương trình mục tiêu có sự mờ nhạt nên Bộ đang nghiên cứu”.

Về tên gọi, hiện cũng có nhiều ý kiến băn khoăn như tên gọi mà Bộ Chính trị đã giao – Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam – hay chỉ đơn giản là Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.

Về nguồn lực, theo bà Thủy đây là khó khăn lớn nhất. Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL nói có nhiều ý kiến băn khoăn và cho rằng chưa có đủ căn cứ để quy định trình nguồn lực.

“Tất cả các vấn đề, Bộ cũng đang rất tích cực nghiên cứu để sớm đề xuất các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện”, bà Thủy nói.

Trước thông tin do Bộ VH-TT&DL vừa công bố, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng nguồn lực ít hay nhiều sẽ có sự cân đối, điều quan trọng nhất là chương trình sẽ ưu tiên, tập trung cho việc gì và giải quyết thế nào.

“Giả sử một di tích văn hóa, khu di tích nếu chỉ duy tu bảo trì cái lõi thì kinh phí ít, nhưng cải tạo toàn bộ khuôn viên, còn làm du lịch thì ra kinh phí rất khác” – ông Vinh lấy dẫn chứng.

Từ đó, ông Vinh cho rằng Bộ VH-TT&DL nên nêu rõ hướng thứ tự ưu tiên thế nào, làm cái nào chính, cái nào trước và khi có nguồn lực làm tổng thể hơn, bài bản hơn và khi đó cần nguồn lực lớn hơn.

Về tổng vốn kinh phí mà các bộ đang lo ngại, ông Vinh cho rằng là do “thiếu thông tin”, khiến mọi người chưa hiểu về chương trình, nói theo cách của ông Vinh là dư luận “hiểu hơi nặng nề về kinh phí”.

“Tôi cho rằng vấn đề lớn nhất gần đây là thiếu thông tin. Ngay cả chúng tôi đọc báo mới biết con số 350.000 tỷ chứ cũng chưa biết, chưa hình dung nó thế nào. Dân cũng vậy thôi, tiếp cận nhiều thông tin đâu đó không đầy đủ. Do đó, thay vì con số tổng thì Bộ VH-TT&DL cần giải thích cho người dân việc cần làm thì tôi cho rằng xã hội sẽ ủng hộ thôi”– Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục nói.

Theo nội dung trình Phó thủ tướng hồi cuối tháng 8, Bộ VH-TT&DL cho biết kinh phí để thực hiện chương trình chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt trong giai đoạn 2025-2035 là 350.000 tỷ đồng.

Cho ý kiến về chương trình, Bộ KH-ĐT, Bộ Nội vụ… đề nghị Bộ VH-TT&DL cần làm rõ đề xuất để đưa ra con số kinh phí trên, trong khi Bộ Y tế, Viện Nghiên cứu văn hóa (thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) lo ngại về tính hiệu quả, cần thiết của chương trình.

Viện Nghiên cứu văn hóa (thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng chương trình này dành phần lớn kinh phí để xây dựng hạ tầng cơ sở nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng…, và đây là việc cần đánh giá một cách thận trọng.

Đơn vị này cho rằng đầu tư hạ tầng là việc làm cần thiết nhưng thiếu cân đối vì việc tập trung quá nhiều kinh phí để xây dựng, cải tạo các công trình văn hóa chưa đi đôi với việc làm thế nào để phát triển các hoạt động văn hóa tương ứng. Trên thực tế, các công trình văn hóa “hiện đại” như nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, thư viện ở vùng nông thôn được đầu tư rất lớn từ các chương trình phát triển như Chương trình Nông thôn mới nhưng chưa được sử dụng đúng công năng và chưa thu hút được các hoạt động văn hóa của người dân địa phương. Các bảo tàng, nhà hát cũng không hoạt động thường xuyên do chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Theo kết quả kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 công bố vào đầu tháng 9, Kiểm toán Nhà nước cho hay khó xác định tổng mức đầu tư dự án vì các địa phương không xác định được chính xác số liệu huy động từ vốn nguồn ngân sách nhà nước, các khoản tín dụng vay để đầu tư…

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý 452,987 tỷ đồng. Trong con số tài chính sai phạm trên, có 298,932 tỷ đồng là số tiều điều chỉnh không tổng hợp vào quyết toán kinh phí của Chương trình giai đoạn 2021-2025.

Chương trình trên do Bộ NN&PTNT triển khai, thực hiện tại 13 tỉnh thành (gồm Phú Thọ, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Phước, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Vĩnh Long, Cần Thơ).

Nguyễn Quân