Sáng ngày 2/7 vừa qua, 16 người tập Pháp Luân Công tại công viên bờ biển Trần Phú, gần tháp Trầm Hương, Nha Trang đã bị lực lượng công an mặc quân phục và thường phục cưỡng chế đưa về phường Lộc Thọ. Tại đây, họ đã bị đánh đập mà không được cho biết lý do.

Theo phản ánh của nhóm tập Pháp Luân Công, mỗi tháng một lần, họ tập trung tại khu vực tháp Trầm Hương bên bờ biển Nha Trang để tập luyện thiền định cùng nhau. Vào 5 giờ sáng ngày 2/7, có khoảng 40 người tập Pháp Luân Công có mặt tại địa điểm này. Tuy nhiên 20 phút sau, một nhóm công an xuất hiện yêu cầu họ giải tán và mời họ về phường làm việc. Khi được hỏi lý do thì lực lượng này liền lôi một vài người trong nhóm luyện Pháp Luân Công lên xe. Tổng cộng có 16 người gồm 9 nam, 7 nữ bị cưỡng chế đưa về đồn công an phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang.

Một học viên Pháp Luân Công đang bị công an cưỡng chế
Một người tập Pháp Luân Công đang bị công an cưỡng chế đưa về đồn công an phường Lộc Thọ. (Ảnh người dân cung cấp)

Theo video ghi lại tại hiện trường, một người dân tắm biển gần khu vực đó cho biết đã chứng kiến sự việc và yêu cầu công an nói rõ những người tập Pháp Luân Công này vi phạm điều gì. Ông nói với viên công an phường Lộc Thọ tại hiện trường: “Người ta làm sai điều nào anh phải nói rõ… Chúng ta sống, làm việc theo pháp luật. Những người này không có gì sai với pháp luật cả. Tôi là một người dân tắm biển bình thường. Tôi thấy những người này không có gì sai với pháp luật…”

Anh M., một người trong nhóm bị cưỡng chế cho biết: “Có khoảng 4-5 công an mặc quân phục và 5-6 người mặc thường phục tiến đến gần tôi yêu cầu kiểm tra điện thoại. Khi tôi từ chối thì cả 4 người lập tức xông vào và khiêng tôi quăng lên xe, họ thậm chí còn xịt hơi cay vào mặt tôi”.

Anh M. cho biết anh bị cưỡng chế đưa đến trụ sở phường, bị đưa vào phòng sau. Ngay sau khi bị đưa vào phòng, anh bị 4 công an lao vào xịt hơi cay và đè xuống lấy điện thoại. Anh M. và 4 người khác bị đưa lên tầng 2, 4 người khác bị còng tay dưới cầu thang và khoảng 6-7 người nữa bị bắt ngồi  tại khu vực giữa tầng 1 và tầng 2. Anh M. cho hay vì biết mình không làm gì sai, nên nói chuyện với một trung tá công an và dân phòng về môn tập Pháp Luân Công, về cuộc đàn áp bức hại vô lý tại Trung Quốc. “Sau một hồi nghe tôi giải thích, họ tỏ ra khá vui vẻ và thân thiện, thậm chí còn cho tôi uống nước, đi vệ sinh và luyện công”, anh M. nói.

Cũng theo anh M., một lúc sau thì công an tỉnh tới, yêu cầu từng người xuống nói chuyện, đưa vào phòng, yêu cầu khai tên tuổi, địa chỉ, quê quán, cưỡng chế chụp hình. Khi anh M. từ chối hợp tác thì bị hai công an mặc thường phục liên tục đấm đá vào ngực, bụng, giẫm lên chân… tới khi có người ngăn lại mới chịu dừng.

Anh M. cho biết mình bị giữ đến 13h cùng ngày, sau đó cùng một người bạn khác trong nhóm bị công an cho lên xe máy, chở ra một điểm cách đó khoảng 3 km thả cho tự về. Anh M. quay lại yêu cầu trả điện thoại thì tiếp tục bị bắt khai tên tuổi. “Tôi từ chối vì đó là tài sản riêng của tôi, họ đã cưỡng đoạt trái phép thì họ lại cưỡng chế kẹp tôi lên xe và thả ra một địa điểm vắng cách đó chừng 7,8 km“, anh M. nói.

Một người trong nhóm bị công an đánh còn in cả dấu giày trên mặt. (Ảnh do đương sự cung cấp)
Một người trong nhóm bị công an đánh còn in cả dấu giày trên mặt. (Ảnh do đương sự cung cấp)

Được biết, ngoài anh M., 15 người khác trong nhóm bị bắt về phường cũng bị đánh đập vô cớ, trong đó có một phụ nữ đang mang thai. Theo phản ánh của nhóm, họ đã bị công an đánh đập một cách tàn nhẫn mà không được cho biết lý do, với các hình thức như: dùng chân đạp lên đầu nữ học viên, bạt tai liên tục, đấm vào mặt liên tục, đấm húc tay liên tục vào bụng và phần mềm nội tạng, chích điện 5,6 lần, dùng giày tát vào mặt – in hằn rõ đế giày trên mặt, cưỡng chế cởi áo có ghi dòng chữ Pháp Luân Đại Pháp, dùng kéo cắt, khi bị gãy kéo, khống chế dùng tay xé áo, còng tay và cột một phụ nữ ngồi xổm xuống chân cầu thang và đánh liên tục, xịt hơi cay trực tiếp vào mặt rồi sau một lúc lại tạt mạnh nước lạnh vào chỗ vừa bị xịt hơi cay (hơi cay phản ứng với nước lạnh sẽ bị kết tủa và khiến nạn nhân đau đớn hơn, hơi cay khi xịt thẳng vào mặt một liều lượng hơi nhiều có thể dẫn đến mù mắt vĩnh viễn)…

Một người khác bị công an đánh chảy máu đầu (Ảnh do đương sự cung cấp)
Một người khác bị công an đánh chảy máu đầu (Ảnh do đương sự cung cấp)

Một trong số họ cho biết công an còn rút súng ra bóp cò đe dọa. Một người khác cho biết anh bị đánh, đầu va vào cột đá chảy rất nhiều máu và được đưa vào bệnh viện. Tuy nhiên, tại bệnh viện, khi bác sĩ hỏi vì sao bị thương, anh trả lời rằng bị công an đánh thì bị người công an đi cùng ngăn lại.

Anh M. cho biết sự việc can thiệp vô lý này không phải là lần đầu, nhưng đây là lần xảy ra với mức độ mạnh nhất ở Nha Trang khi có gần 20 người bị bắt và đánh đập dã man bằng gậy gộc, bình xịt hơi cay, còng tay, chích điện. “Ở Việt Nam không có một văn bản nào cấm tu luyện Pháp Luân Công. Người dân có quyền tự do tín ngưỡng, có quyền tụ tập ở nơi công cộng, huống hồ chúng tôi chỉ luyện tập thiền định và không hại gì đến ai cả”, anh M. nói.

Anh còn cho biết thêm: “Trên thế giới chỉ có ở Trung Quốc là đàn áp Pháp Luân Công, nơi đó, người dân bị kiểm soát thông tin, kiểm soát tư tưởng, không có quyền tự do tín ngưỡng, mà không chỉ có Pháp Luân Công, Cơ Đốc Giáo, Phật giáo Tây Tạng, v.v. đều bị đàn áp, nhưng Pháp Luân Công là nhóm bị đàn áp lớn nhất và dã man nhất”.

Video quay lại vụ việc ngày 2/7:

Anh Hưng, một người tập Pháp Luân Công tại Sài Gòn cho cho biết: “Tại Sài Gòn, Hà Nội và những tỉnh thành khác trên cả nước, người tập Pháp Luân Công đều được tự do tập luyện cùng nhau ở công viên và những nơi công cộng miễn là không làm ảnh hưởng gì đến người khác. Trên cả nước, số lượng điểm tập luyện chung như vậy nhiều không đếm xuể. Sự việc xảy ra ở Nha Trang lần này không hiểu là vì nguyên nhân gì”.

PLDP 4
Tập Pháp Luân Công chung tại Hà Nội năm 2015.

Nhận xét về việc làm này của công an phường Lộc Thọ, Nha Trang, một luật sư đề nghị không nêu tên tại TP.HCM cho biết: “Công an có quyền dẫn nghi phạm về trụ sở để làm việc. Tuy nhiên trong trường hợp này, công an phường Lộc Thọ không giải thích lý do mà đưa công dân về trụ sở là vi phạm quyền tự do đi lại, tự do thân thể của công dân. Ngoài ra, việc vô cớ đánh đập người khác ở nơi công cộng có thể cấu thành tội “Làm nhục người khác” theo Điều 121 Bộ luật Hình sự hoặc tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 104 Bộ luật Hình sự tùy theo mức độ nghiêm trọng của thương tích.

Vị luật sư này còn cho biết thêm: ”Theo tôi được biết không có quy định pháp luật nào cho phép lực lượng công an nhân dân cản trở công dân Việt Nam tập luyện Pháp Luân Công ở nơi công cộng”. “Những người bị hại trong trường hợp này có thể: 1. Khiếu nại công an phường Lộc Thọ về hành vi “Lạm quyền khi thi hành công vụ” theo Điều 282 Bộ luật Hình sự; 2. Khởi tố về tội “cố ý gây thương tích” – Điều 104 Bộ luật Hình sự nhưng phải có giám định pháp y về tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên”.

Pháp Luân Công (hay còn gọi Pháp Luân Đại Pháp) là một môn khí công tu Phật cổ xưa của Trung Quốc truyền dạy các bài tập nhẹ nhàng và hướng dẫn môn sinh thực hành nguyên lý “Chân – Thiện – Nhẫn” trong cuộc sống. Mặc dù được công nhận bởi người dân và chính phủ của nhiều quốc gia, như Canada, Mỹ, Úc, Ukraina, Ấn Độ…, nhưng tại Trung Quốc, môn tu luyện lại bị đàn áp khốc liệt.

Kể từ khi cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân ra lệnh đàn áp vào năm 1999, hàng ngàn người tập Pháp Luân Công tại quốc gia này đã bị bắt bớ, tra tấn và bị lao động cưỡng bức. Ngoài ra, những người này còn đối mặt với nguy cơ bị giết để lấy nội tạng khi còn đang sống. Theo kết quả điều tra của nhiều luật sư nhân quyền, nhà báo và các tổ chức bác sĩ độc lập, chính quyền Trung Quốc thực hiện hàng chục ngàn ca cấy ghép mỗi năm, phần lớn số nội tạng cấy ghép là thu hoạch từ những người tập Pháp Luân Công trong quá trình giam giữ này. Mổ cướp nội tạng được thực hiện bởi chính quyền Trung Quốc đã chính thức bị lên án bởi Hạ viện Hoa KỳQuốc hội châu Âu.

Mộc Lan

Xem thêm: