Do nước sông Hồng chảy xiết chưa thể lắp đặt cầu phao Phong Châu, lực lượng quân đội đã tổ chức phà thay thế cho người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, các loại xe môtô.

bo quoc phong nghien cuu dung pha quan su khi cau phao phong chau tam dung
Cầu phao Phong Châu được lắp đặt và hoàn thành trong ngày 29/9, thông xe vào ngày 30/9 và tháo dỡ vào ngày 1/10. (Ảnh: Phú Thọ 24h/Facebook)

Trưa ngày 4/10, Công an tỉnh Phú Thọ thông báo người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, các loại xe môtô có thể qua khu vực cầu Phong Châu (qua sông Hồng nối huyện Tam Nông với huyện Lâm Thao) bằng phà quân đội, bắt đầu từ 14h chiều cùng ngày.

Báo Pháp Luật TP.HCM dẫn tin từ Bộ Tư lệnh Công binh cho biết phương án được lựa chọn là sử dụng ngay ba đốt phao PMP có sẵn tại hiện trường, ghép nối thành phà 60 tấn. Đồng thời thiết kế, lắp đặt thêm khung sắt bao quanh tăng cường tính an toàn trong điều kiện khai thác dân dụng.

Hai tàu kéo chuyên dụng của quân đội đã được điều đến, sẵn sàng lai dắt phà dã chiến qua lại đôi bờ. Khu vực đón trả khách vẫn là bến phà Phong Châu cũ mà mấy ngày qua cầu phao dã chiến đã hoạt động.

Binh chủng công binh đang sử dụng phổ biến bộ cầu phao PMP do Liên Xô cũ sản xuất. Theo thiết kế, bộ cầu phao này bao gồm các ca nô chuyên dụng vừa có thể lắp đặt thành cầu phao cố định, và cũng có thể linh hoạt ghép nối thành phà.

Trước đó, Lữ đoàn 249 – Binh chủng Công binh quyết định tạm thời cắt cầu phao Phong Châu khiến việc đi lại của rất đông người dân ở tỉnh Phú Thọ gặp khó khăn khi phải đi vòng qua cầu Ngọc Tháp, xa hơn hàng chục km.

Hôm qua (3/10), tại hội nghị giao ban Bộ Quốc phòng, ông Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, yêu cầu nghiên cứu phương án sử dụng phà quân sự để phục vụ vận chuyển người dân.

Binh chủng Công binh được giao nghiên cứu sử dụng 2 phà chuyên dụng quân sự, gia cố thành phà dân sự để có thể chở được người đi bộ và các phương tiện như xe máy, xe đạp cùng hàng hóa trong phạm vi cho phép.

Cầu Phong Châu bị sập vào sáng ngày 9/9, khiến 8 người gặp nạn. Đến nay, 4 người đã tìm thấy thi thể; vẫn còn 4 người đang mất tích, gồm: Nguyễn Thị L. (19 tuổi, trú ở huyện Tam Nông, Phú Thọ); Nguyễn Hà C. (19 tuổi, ở Đắk Nông); Nguyễn Thị Bích H. (36 tuổi, TP. Việt Trì, Phú Thọ); Nguyễn Thị Y. (45 tuổi, ở huyện Lâm Thao, Phú Thọ).

Đến sáng ngày 29/9, cầu phao Phong Châu được Lữ đoàn Công binh 249 xây dựng để đảm bảo giao thông được thông suốt sau sự cố sập cầu Phong Châu.

Cầu phao có tải trọng 60 tấn. Vị trí cầu phao được lắp đặt cách cầu Phong Châu khoảng 400m về phía hạ lưu thuộc xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao và xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.

Trưa cùng ngày (29/9), cầu phao hoàn thành.

Ngày 30/9, cầu phao Phong Châu chính thức thông xe. Cây cầu cho phép xe thô sơ, xe máy, xe gắn máy và ôtô con dưới 7 chỗ có thể đi lại từ 6h đến 22h hàng ngày.

Đến chiều ngày 1/10, cầu phao Phong Châu phải dừng hoạt động do nước sông Hồng dâng cao, nhiều cây cối, vật cản trôi mắc vào, gây áp lực quá mức an toàn cho phép với cầu.

Minh Long