Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị đề nghị 24-26 năm tù
- Minh Long
- •
Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị xác định là chủ mưu với thủ đoạn mới, tinh vi, lợi dụng sơ hở của pháp luật để trục lợi đặc biệt lớn song khắc phục “không đáng kể”.
Sau 5 ngày thẩm vấn, chiều ngày 26/7, phiên tòa xét xử cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 người khác chuyển sang phần tranh tụng, đại diện viện kiểm sát nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án với các bị cáo.
Ông Trịnh Văn Quyết bị đề nghị 5 – 6 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán và 19 – 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng mức hình phạt viện kiểm sát đề nghị đối với ông Quyết là 24 – 26 năm tù.
Cùng bị truy tố hai tội danh trên, các bị cáo: Trịnh Thị Minh Huế (cán bộ ban kế toán Tập đoàn FLC, em gái ruột ông Quyết) bị đề nghị 17 – 19 năm tù; Trịnh Thị Thúy Nga (phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán BOS, em gái ruột ông Quyết) bị đề nghị 10 – 12 năm tù; Hương Trần Kiều Dung (phó chủ tịch thường trực HĐQT FLC) bị đề nghị 11 – 13 năm tù; Trịnh Văn Đại (phó tổng giám đốc Công ty CP xây dựng FLC Faros, anh họ ông Quyết) bị đề nghị 14 – 16 năm tù.
Bốn cựu lãnh đạo của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM gồm: ông Trần Đắc Sinh (cựu chủ tịch HĐQT) bị đề nghị 8 – 9 năm tù; Lê Hải Trà (cựu tổng giám đốc, cựu ủy viên HĐQT) bị đề nghị 6 – 7 năm tù; Trầm Tuấn Vũ (cựu phó tổng giám đốc, phó chủ tịch hội đồng niêm yết) bị đề nghị 6 – 7 năm tù; Lê Thị Tuyết Hằng (cựu giám đốc phòng quản lý và thẩm định niêm yết, thành viên hội đồng niêm yết) bị đề nghị 3 – 4 năm tù.
Cả bốn người trên cùng bị cáo buộc có hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Ba cán bộ thuộc Ủy ban Chứng khoán nhà nước gồm: Lê Công Điền (vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng thuộc Ủy ban Chứng khoán nhà nước) bị đề nghị 36 – 42 tháng tù; Dương Văn Thanh (tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam) bị đề nghị 24 – 30 tháng; Phạm Minh Trung (trưởng phòng đăng ký chứng khoán thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam) bị đề nghị 18 – 24 tháng.
Cả ba người trên bị xét xử về tội “Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.
Viện kiểm sát cho rằng thủ đoạn phạm tội của Trịnh Văn Quyết là mới, tinh vi, đã sử dụng Công ty Faros làm công cụ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thao túng thị trường chứng khoán.
Viện kiểm sát ghi nhận ông Trịnh Văn Quyết có thái độ hợp tác, có nguyện vọng khắc phục hậu quả nhưng trên thực tế đến nay mới khắc phục được hơn 200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, “số tiền này là không đáng kể” so với hậu quả thiệt hại do hành vi trái pháp luận của các bị cáo gây ra.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, ông Quyết bị cáo buộc thành lập và chỉ đạo mọi hoạt động của tập đoàn FLC và 82 công ty thuộc hệ sinh thái, trong đó có Faros – doanh nghiệp được ông mua lại năm 2011, vốn 1,5 tỷ đồng.
Anh em ông Quyết cùng đồng phạm sau đó dùng thủ đoạn gian dối, quay vòng dòng tiền để nâng khống vốn. Sau hai năm, 2014-2016, Faros có vốn 4.300 tỷ đồng nhưng hơn 3.600 tỷ trong số này là “ảo”.
Faros vượt qua 3 vòng xét duyệt của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Trung tâm lưu ký chứng khoán và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, đưa mã ROS lên sàn, bán cho hơn 30.000 nhà đầu tư, thu lợi hơn 3.620 tỷ đồng.
Để thao túng thị trường chứng khoán, ông Quyết chỉ đạo dùng 5 mã chứng khoán họ FLC và 500 tài khoản chứng khoán đứng tên người quen để mua đi bán lại số lượng lớn cổ phiếu, tạo “cơn sốt” ảo, chi phối thị trường. Sau 5 năm, ông Quyết bị cáo buộc, thu lợi hơn 700 tỷ đồng.
Từ khóa FLC Trịnh Văn Quyết