Theo ĐBQH, các tài xế công nghệ như Grab, Be hay shipper là lực lượng ngày càng quan trọng và không ngừng tăng nhanh, cần bổ sung vào nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc để đảm bảo quyền lợi.

dai bieu quoc hoi de xuat shipper tai xe grab be dong bhxh bat buoc
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thuý đề xuất bổ sung đối tượng là lái xe grab tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. (Ảnh: quochoi.vn)

Thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6, ngày 23/11, bà Trần Thị Diệu Thuý, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, lý giải hiện nay, nền kinh tế việc làm tự do (Gig economy) đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Tài xế xe công nghệ và giao hàng công nghệ là lực lượng lao động quan trọng trong lĩnh vực này và không ngừng tăng nhanh về số lượng.

“Đây còn là giải pháp việc làm tạm thời, linh động đối với lực lượng lao động chính thức trước những biến động của nền kinh tế đang làm tăng tỷ lệ thất nghiệp”, bà Thúy nói.

Bà Thúy dẫn căn cứ quy định của Bộ Luật lao động 2019, từ định nghĩa về “người lao động” tại Điều 3 đến “hợp đồng lao động” tại Điều 13, cho rằng nhóm người này về bản chất là có tồn tại quan hệ lao động.

Theo bà Thúy, bởi lẽ tài xế xe công nghệ có thỏa thuận làm việc cho doanh nghiệp vận tải xe công nghệ; có trả lương (mặc dù 2 bên lựa chọn hình thức thanh toán tiền lương căn cứ vào kết quả công việc); và có sự điều hành giám sát (thông qua app do doanh nghiệp vận tải quản lý).

Nhóm người này “cần được hưởng chính sách hỗ trợ tạo việc làm và bổ sung vào nhóm tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế nhằm ứng phó với rủi ro. Vì vậy, đề nghị Quốc Hội tiếp tục nghiên cứu, xem xét bổ sung vào nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc để có giải pháp đảm bảo an sinh xã hội cho họ”, nữ đại biểu TP.HCM nói.

Trước đó, tháng 11/2022, Viện Khoa học Lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết hầu hết lái xe công nghệ chỉ có giao kết hợp đồng công việc, hợp đồng đối tác mà không có hợp đồng lao động, chiếm trên 79% và chỉ 2% có hợp đồng lao động.

Tỷ lệ người lao động tham gia các loại hình bảo hiểm cũng ở mức rất khiêm tốn, dù công việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Trong đó, tham gia bảo hiểm y tế có 51,11%; bảo hiểm xã hội bắt buộc 8,15%, bảo hiểm xã hội tự nguyện 5,56%, bảo hiểm tai nạn lao động 9,26%.

Kết quả nghiên cứu “Khảo sát thực trạng và tăng cường sự tham gia của lái xe công nghệ Grab tiếp cận các chương trình an sinh xã hội, cải thiện điều kiện việc làm”, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong năm 2022 cũng đưa ra những con số tương tự.

Hiện Việt Nam có khoảng 200.000 lái xe công nghệ (mô tô, ô tô) cung cấp dịch vụ chở người hoặc vận chuyển thức ăn, hàng hóa được điều hành trên nền tảng công nghệ. Gần 50% lái xe công nghệ đang hành nghề tại Hà Nội và TP.HCM, phần lớn là người ngoại tỉnh.

Minh Long